- Là Thiếu tướng, nhưng ngày ngày ông vẫn rảo bộ ra ngõ, bắt xe buýt đi làm. Bữa sáng cũng chỉ giản đơn với gói xôi, cái bánh mỳ hay bát bún. Gần 80 tuổi, ông vẫn hăng say với công việc, làm quên giờ giấc.

Bàn về văn minh - thanh lịch (một chương trình lớn của ngành giáo dục Hà Nội đang đầu tư ở các trường phổ thông), ông khẳng định mình là người không có cái nhìn bi quan, nhưng cần có thái độ phê phán quyết liệt để trả lại những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội.

Gặp và trò chuyện với Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, ấn tượng sâu sắc nhất về ông đó là một lối sống giản dị, chan hòa nhưng luôn dũng cảm, không ngại khó khăn trong mọi hoạt động và công tác.

Ông hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) TP.Hà Nội, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu Thủ đô, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ đô.

Và, dù có hay không có danh hiệu “công dân Thủ đô ưu tú” (Hà Nội vừa trao cho ông dịp 10/10), vị tướng này vẫn luôn tâm niệm sống, hành động "sao cho xứng với niềm tin  và tình cảm mà mọi người đã dành cho những người lính bộ độ Cụ Hồ như ông".

Quê ở Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nhưng cuộc đời ông gắn bó nhiều, nặng tình với mảnh đất Hà thành. “Quen biết” Hà Nội từ những năm 50 khi về tiếp quản thủ đô, rồi đi chiến đấu và sau này trở về làm việc (từ 1979) tại “trái tim của đất nước”, tình cảm ấy trong ông càng thêm mặn mà.
Ông Trịnh Thanh Vân: "Đi bằng xe buýt cũng là cách tốt để mình hiểu thêm về cuộc sống xung quanh"

Người không bi quan

Ngày trước khi Hội CCCB còn ở gần triển lãm Vân Hồ, cách nhà ông (ở phố Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa) 4 - 5km ông chọn cách đi bộ tới cơ quan. Sau này khi trụ sở của hội chuyển về đường Hồ Mễ Trì (Từ Liêm), cách nhà gần chục km, ông lại chọn cách đơn giản và tiết kiệm nhất là bắt xe buýt đi làm.

Nhiều người ngạc nhiên: xe ô tô của cơ quan có, xe máy cũng dư sức có sao ông không đi. Ông chỉ cười xòa, lý giải thế này: “Tôi vẫn thích đi bộ vì thấy sức mình còn tốt lắm. Nhiều bác có khi muốn cũng không đi được ấy chứ. Đi bằng xe buýt cũng là cách tốt để mình hiểu thêm về cuộc sống xung quanh”.

Ông kể cho tôi nghe kỉ niệm khó quên của bản thân mình trên hành trình bằng xe buýt đến cơ quan. “Hôm ấy, mình mới bước lên xe một nhóm học sinh nhỏ tuổi đã đồng loạt đứng lên, chủ động nhường chỗ cho ông với thái độ rất lễ phép.

Mình nói các cháu còn nhỏ, cứ ngồi đi. Song khi các cháu vừa đứng lên thì một thanh niên tới ngồi vào, các cháu góp ý, “vị” này liền to tiếng với những lời lẽ không hay, kiểu như “đã mất tiền mua vé thì không có chuyện nhường nhịn gì cả”.

Nói vậy nhưng ông vẫn chốt lại, rằng “đấy chỉ là hãn hữu thôi chứ phần đông mọi người lên xe đều có ý thức tốt cả”. Nói về chuyện văn minh, thanh lịch của người Hà Nội ngày hôm nay, ông khẳng định: “Tôi không bi quan nhưng đã đến lúc cần tập trung phê phán những thói hư, tật xấu để trả lại nếp sống tốt đẹp vốn tồn tại trong người Hà Nội bao đời nay dựa trên tình thương và trách nhiệm của mỗi người”.

Đi xe buýt: đừng ngại và đừng sợ xấu hổ


Muốn người dân, đặc biệt là giới văn phòng, công chức đi làm bằng xe buýt, theo ông trước hết cần nâng cao chất lượng xe và thái độ phục vụ của lái xe và phụ xe.

Vì đi tuyến ngắn nên ông ít gặp những trường hợp nhân viên xe buýt có thái độ không hay với hành khách.

“Nhưng vẫn còn ít nhiều hành động không hay” – ông tâm sự: “Có lần mình đi, trên xe các vị lái xe và phụ xe bật nhạc họ yêu thích thật to. Mặc kệ hành khách than thở rồi chuyện chẳng nghe được giọng thông báo đến các điểm dừng nào”. Là người lớn tuổi, ông đến góp ý thì “họ nghe nhưng thái độ không bằng lòng đâu”.

Nhắc đến chuyện lái xe, phụ xe bắt hành khách quỳ xin mở cửa xe vừa qua, ông hắng giọng: “Rõ ràng đó là điều không thể chấp nhận bởi nó không chỉ vi phạm đạo đức mà còn xâm phạm đến thân thể người khác”.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Theo ông: “Tránh sao được những lúc xe đông, người chật, hành khách cũng cần cư xử sao cho có trách nhiệm. Chỉ cần mọi người biết nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau thôi. Đấy không chỉ là văn minh đi xe buýt mà còn là văn minh trong cuộc sống của mỗi người”.

Việc khuyến khích nhân viên đi làm bằng xe buýt của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng theo ông là cần thiết và phù hợp.

 “Song anh đang đi xe máy, lái ô tô mà chuyển sang xe buýt thì cần có thời gian thích ứng, thậm chí cực kỳ khó khăn, nhất là ở giai đoạn đầu.

Người tự do chuyển sang đi xe buýt đã khó, muốn người quen dùng xe công đi làm lại càng nan giải. Ở nước ngoài họ khoán cho anh định mức nhất định, nếu vượt quá thì anh tự chịu trả tiền. Nếu mình làm được thế thì tự nhiên người cán bộ cũng sẽ phải tự “xoay”  cách đi làm cho tiết kiệm thôi. Bây giờ cán bộ công chức dùng xe có bao cấp nên họ càng thoải mái".
Những bài học về văn minh ngoài nền tảng là sự dưỡng dục của gia đình, theo ông cần bắt đầu từ những việc giản đơn như học đi xe buýt.
Một lí do khác cũng quan trọng không kém được vị tướng quân đội nhắc tới đó là “để đi xe buýt thì người làm cán bộ còn phải học chuyện bỏ qua ngại ngùng, thói sĩ diện vì đi xe này không thể hiện được cái uy nghiêm của mình”.

Trong kí ức của vị tướng già, “Hà Nội của những ngày xưa” thời kỳ mới bắt đầu vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước là hội tụ của vẻ đẹp, truyền thống văn hiến. Một Hà Nội khiến cho một người ngoại tỉnh như ông không có cảm giác xa lạ, mà trái lại, vô cùng gần gụi.

Người Hà Nội bấy giờ rất tự giác, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên ngoài nhiệm vụ học tập họ rất sẵn sàng tham gia vào các công trình xây dựng thủ đô. Dù cuộc sống khó khăn nhưng tình cảm con người thật gắn bó.

Những bài học về văn minh ngoài nền tảng là sự dưỡng dục của gia đình, theo ông cần bắt đầu từ những việc giản đơn như học đi xe buýt thôi.

Văn Chung
Chỉ 0,59% học sinh Hà Nội khó học văn minh
Thông báo về kết quả điều tra số  học sinh đã được học bộ  tài liệu giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch, Trưởng phòng Trung học, Sở GD-ĐT Hà  Nội Phạm Hữu Hoan cho biết chỉ 0,59% trong tổng số học sinh được hỏi trả lời khó học.
 
Bao giờ du khách Việt mới văn minh?
Ngày nào tiếp khách Việt thì y như rằng cây trong vườn trở nên xơ xác, dưới đất trái non và rác xả đầy; kháchthường đòi ăn rùa, rắn; mê mải chụp ảnh, không như khách tây, chú ý kỹ khiến người thuyết minh cũng tự hào.
 
Hà Nội chi tiền tỷ dạy học sinh thanh lịch
 Từ học kỳ hai năm học 2010-201, HS phổ thông Thủ đô sẽ học "giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh".
Phụ huynh sẽ bớt ăn gian giờ làm
Khi được hỏi làm thế nào để giải quyết khó khăn cá nhân nếu dự thảo thay đổi giờ học, giờ làm được áp dụng, nhiều phụ huynh cho biết: “Lâu nay giờ học, giờ làm giống nhau, rồi giờ học kết thúc sớm hơn giờ làm...".