- Nhiều phụ huynh có con đang học tại hai chỗ từ trước đến nay vẫn được cho là của trường quốc tế bỗng được biết trường con mình đang học có tên là “trường dân lập Thế giới trẻ em”. Đổ một khoản tiền không nhỏ cho con đi học, nhiều ông bố bà mẹ chợt hoang mang không biết mình là phụ huynh của trường nào.

TIN BÀI KHÁC:

Phụ huynh của trường nào?

Hàng chục khách hàng người Việt của trường quốc tế Singgapore (Hà Nội) trong lần kiến nghị này có cả mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.

Bắt nguồn từ những điều không hài lòng về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy, phụ huynh đã kiến nghị lên lãnh đạo nhà trường và yêu cầu ban giám hiệu cùng chủ đầu tư giải quyết.

Năm học này, phụ huynh trường dân lập Thế giới trẻ em vẫn nhận thông báo thu tiền đồng phục từ trường SIS

Các phụ huynh bày tỏ: “Chúng tôi đều nghĩ rằng lâu nay các con đang học chương trình song ngữ (chương trình Việt Nam- chương trình quốc tế bằng tiếng Anh) của trường quốc tế Singapore, tức là SIS. Sau khi học xong chương trình cấp 1 hoặc cấp 2 ở đây, con chúng tôi sẽ liên thông sang một trường phổ thông ở Singgapore hoặc một số nước khác.”

Tuy nhiên, gần đây, những phụ huynh có con đang học ở cơ sở Ciputra bỗng thấy trước cổng trường gắn thêm biển: “Trường tiểu học dân lập Thế giới trẻ em” (TGTE) thuộc quyền quản lý của Phòng Giáo dục quận Ba Đình.

Phụ huynh cho biết, lúc đó họ nghĩ rằng, đây là một trường khác có thuê cùng địa điểm với SIS, không phải tên tiếng Anh dịch sang tiếng Việt của trường.

Vì vậy, họ đã không lưu ý đến tên trường này. Tại cơ sở Vạn Bảo, chị Đ.T.D có con học từ mẫu giáo ở đây và hiện đang học lớp 2 ở Ciputra cho biết, trước kia cũng không nhìn thấy biển trường này.

Trong thư kiến nghị gửi đến báo chí, các khách hàng người Việt vẫn xưng là “phụ huynh của trường quốc tế Singapore”.

Kiến nghị của phụ huynh xoay quanh những lo ngại chất lượng giảng dạy của chương trình song ngữ, giáo viên cơ hữu thiếu ổn định khi lớp 1 phải thay đến 4 giáo viên trong một năm học. Còn nguyện vọng muốn thành lập hội phụ huynh thì chưa có ở trường.

Phụ huynh cho hay, khi trực tiếp giải đáp những kiến nghị này, họ nhận được câu trả lời từ nhà trường rằng, chương trình đã được các cơ quan quản lý cấp phép. Tuy nhiên, nhà trường không có cam kết nào với việc liên thông sang trường phổ thông nước ngoài với con em học sinh người Việt.

“Nhà trường cho biết, họ chỉ cấp chứng chỉ chứng nhận học sinh đã hoàn thành các môn học trong chương trình tiếng Anh và hỗ trợ, tư vấn nguyện vọng du học.”- chị P.L.C, một phụ huynh có con học lớp 2 cung cấp thông tin. “Điều này trái ngược với suy nghĩ của chúng tôi khi bỏ hàng nghìn đô cho con vào học trường quốc tế. Nếu như vậy, trường con chúng tôi đang học giống như một số trường dân lập dạy chương trình Việt Nam khác?”.

Phản hồi của nhà trường

Theo thông tin từ phía phụ huynh, những cuộc họp cha mẹ học sinh mà nhà trường tổ chức trước đây, mọi thông báo gửi về nhà như kết quả hoc tập, thu tiền học phí, đồng phục, bảo hiểm và các giấy tờ đăng ký nhập học, thư ngỏ đầu năm đều sử dụng tiếng Anh và do SIS phát hành.


Hai trường hiện vẫn chung một cơ sở vật chất ở Vạn Bảo và khu đô thị Ciputra.

Sau buổi làm việc với các phóng viên ở Ciputra, đại diện trường TGTE cung cấp mẫu phiếu đăng ký học tại trường. Phần thứ 3 của mẫu này dành cho phụ huynh đăng ký cho con học chương trình quốc tế được giải thích rõ là được cung cấp bởi trường quốc tế Singapore. Trong thư trả lời báo chí, ban giám hiệu trường TGTE còn bổ sung thêm:  "Tại thời điểm nhập học, phụ huynh đăng ký cho con nhập học với trường Tiểu học dân lập TGTE theo đơn đăng ký nhập học riêng của trường."

Về việc đăng ký chưong trình quốc tế, trường cho biết đã thông báo rõ cho phụ huynh và nếu có nguyện vọng, phụ huynh sẽ đăng ký theo đơn đăng ký nhập học với trường quốc tế Singapore. Tuy nhiên, phụ huynh cho biết, mẫu đơn này mới được sử dụng từ năm học 2011-2012. Trước đó, những phụ huynh có con đang học lớp 2 trở lên không ký văn bản đăng ký nhập học nào với riêng TGTE, mà chỉ ký phiếu đăng ký bằng tiếng Anh với SIS. Ở năm học này, phụ huynh từ lớp 2 vẫn nhận các loại giấy tờ thông báo khác, trừ phiếu báo kết quả chương trình tiếng Việt, từ SIS.


“Vậy chúng tôi là phụ huynh của trường quốc tế Singapore hay trường dân lập thế giới trẻ em?”
- những khách hàng người Việt hoang mang.

Trao đổi với các phóng viên, bà Hoàng Chi Mai, giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tập đoàn Kinderworld cho biết: SIS có hai đối tượng học sinh. Đối với học sinh quốc tế ở Việt Nam, SIS cung cấp chương trình quốc tế từ mẫu giáo đến dự bị đại học. Đây cũng là đơn vị được Bộ GD-ĐT Singapore ủy quyền tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tiểu học cho học sinh quốc tế ở Việt Nam.

Khác với “học sinh quốc tế”, những học sinh Việt Nam được SIS cung cấp chương trình học tiếng Anh theo giáo trình của Singapore và các môn học ngoại khóa như Nghệ thuật, Khoa học về Môi trường, Công nghệ Thông tin và Giáo dục Thể chất. Các môn này theo chương trình được đội ngũ phụ trách học thuật xây dựng dựa trên giáo trình chuẩn của Úc, thông qua chương trình hợp tác đào tạo với đối tác là Trường Tiểu học dân lập TGTE.

Bà Mai cũng cung cấp thêm: “Chương trình hợp tác giáo dục này đã được đăng ký và phê chuẩn bởi cơ quan quản lý giáo dục.”

Bà Nguyễn Lê Hoài Thanh, hiệu phó trường dân lập TGTE cho biết, trường thuộc quyền quản lý chuyên môn của phòng giáo dục quận Ba Đình, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần TGTE. Những kiến nghị của phụ huynh về chất lượng và giáo viên chương trình tiếng Việt, nhà trường đã lắng nghe và giải quyết.

Trường tiểu học dân lập TGTE cũng giải thích mối quan hệ với SIS là “hợp tác”. Cụ thể, đại diện là Công ty Cổ phần TGTE đã hợp tác với đối tác giáo dục chiến lược - Công ty Cổ phần Trường Tư thục Quốc tế KinderWorld Việt Nam - thông qua cơ sở đào tạo là Trường Quốc Tế Singapore.

Vì vậy, SIS cho biết họ chỉ cấp chứng chỉ từng môn mà học sinh hoàn thành theo chương trình quốc tế đã cung cấp cho TGTE và chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn học sinh Việt Nam thi lấy chứng chỉ cần thiết khi họ muốn du học bậc phổ thông ở nước ngoài.

Theo quan sát của chúng tôi, khá nhiều phụ huynh bị nhầm lẫn TGTE là hệ song ngữ của trường quốc tế SIS.

Còn lãnh đạo trường TGTE thì cho rằng, khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho con theo học, chắc chắn họ phải tìm hiểu kỹ về trường và sự hợp tác này nên rất khó có sự nhầm lẫn như vậy. Về yêu cầu thành lập hội phụ huynh, TGTE cho hay họ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào từ phía phụ huynh.


Phụ huynh Đ.T.D có con đang học lớp 2 lo ngại, chị không nghĩ một trường dân lập lại có mức học phí hàng trăm tiệu đồng mỗi năm và mọi giấy tờ của mình lại do đối tác phát hành.

Trên mạng Internet, thông tin về trường Tiểu học và Trung học dân lập TGTE hầu như không có. Trường giải thích, do phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Nguyễn Hường