Một con chim yểng (nhồng) bị đánh cắp, rồi bán sang tay vẫn chứng tỏ sự trung thành với chủ cũ và cuối cùng nhận ra ông trong một cuộc chạm trán tình cờ.

TIN LIÊN QUAN

Theo báo Beijing Evening News, một người đàn ông họ Hồ đã bị thu hút trước khả năng nói của con chim yểng nọ. Ông ta đã bí mật tìm cách lần theo tiếng chim, đến tận nhà chủ của chim yểng ở quận Haidian, Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 1/7.

Con yểng 'từ chối' kêu hay làm trò giải trí sau khi bị bắt. Ảnh minh họa.

Một tuần sau, gã họ Hồ quay lại, đột nhập vào ngôi nhà và ăn trộm con chim. Chiều cùng ngày, gã đem chim yểng tới một khu chợ chim để bán lấy 600 Nhân dân tệ (tương đương 94 USD). Tuy nhiên, kể từ đó, con yểng từ chối kêu hay làm trò giải trí cho bất kỳ ai trong chợ.


Tuy nhiên, ông Vương - người chủ cũ của con chim yểng tình cờ lại có sạp hàng buôn bán trong chợ và một ngày sau nhận ra con chim quý bị đánh cắp của mình. Ông ngay lập tức đề nghị mua lại con yểng.


Ông Vương được yêu cầu chứng tỏ mình là chủ cũ của con chim. Ông đã nói chuyện với con chim và nó đáp lại bằng cách phát ra tiếng kêu của loài ngỗng. Ông Vương giải thích rằng, ở nhà ông còn nuôi 2 con ngỗng và chim yểng đã học được cách bắt chước tiếng kêu của loài vật này.


10 ngày sau, tên trộm họ Hồ ghé qua khu chợ chim và bị bắt giữ.


Trong giới động vật, chỉ có loài chim (nhất là những loài biết hót) là có thể bắt chước âm thanh của đồng loại và tiếng kêu của các động vật khác. Còn học nói tiếng người chỉ giới hạn ở vài loài biết hót, như yểng, vẹt và khướu. Các nhà khoa học lý giải rằng, sở dĩ yểng có thể “nói” được những câu đơn giản, chẳng qua là chúng có cái lưỡi vừa nhọn vừa nhỏ, mềm và đầy thịt, nên chỉ biết lặp lại một chuỗi âm tiết mà người ta dạy cho chúng.


Chưa bao giờ người ta thấy yểng nói được những câu phức tạp cả. Và trong trạng thái hoang dã, hiếm thấy con yểng nào phát ra được những câu hoặc cụm từ có nghĩa.


Tuấn Anh