- Bằng sự sự đam mê khám phá khoa học, anh Hồ Tăng Hoạt đã tự mày mò và chế tạo thành công chiếc máy bóp bóng trợ thở trong y tế được đánh giá là có nhiều khả năng áp dụng trong thực tế.

TIN BÀI KHÁC

Anh Hồ Tăng Hoạt, 50 tuổi, hiện ở số nhà 77/14 Trần Quang Diệu, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã tự mày mò chế tạo ra nhiều loại máy ứng dụng phục vụ đời sống, trong đó máy “bóp bóng thông khí trợ thở y tế” tham dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ I/2011, đã đoạt giải ba. Sắp đến anh Hoạt sẽ hoàn thiện tính năng ứng dụng cao, mẫu thẩm mỹ của chiếc máy để gửi ra Hà Nội dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11.

Anh Hồ Tăng Hoạt bên sản phẩm sáng tạo của mình. Ảnh: Võ Tấn.
Là một công nhân bình thường, trước đây anh Hoạt công tác ở khối bảo vệ thực vật thuộc Viện nghiên cứu bông Nha Hố, khi nghỉ việc anh rất thích nghề cơ khí-điện tử nên mở tiệm sửa chữa điện tử, điện lạnh với mục đích thỏa chí khám phá khoa học ứng dụng đời sống.

Anh Hoạt tâm sự: “Năm 2009, em trai của tôi bị tai biến mạch máu não, phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Trên đường đi, tôi phải bóp bóng trợ thở liên tục bằng tay đến rã người, nhiều khi bóp không đúng với nhịp thở cũng thật khổ. Từ đó, tôi mới nảy sinh ý tưởng làm một cái máy tự động để giúp cho đôi tay. Tại các bệnh viện của Việt Nam hiện nay, số lượng máy thở còn rất ít so với nhu cầu thực tế của bệnh nhân. Đa số bệnh nhân phải sử dụng bóng bóp trợ thở bằng tay, vừa vất vả, vừa có thể phản tác dụng nếu như không sử dụng đúng cách”.

Tháng 9/2010 anh Hồ Tăng Hoạt bắt tay vào thiết kế mẫu. Từ khi có ý tưởng cho đến khi chế tạo máy, anh Hoạt đã cải tiến 7 mẫu thiết kế. Hiện anh đang chế tạo mẫu số 8 nhằm cải tiến các thông số kỹ thuật theo sự góp ý của Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận. Chiếc máy bóp bóng thông khí trợ thở Y tế” ra đời hòan tất cách nay đã 2 tháng. Chiếc máy gọn nhẹ chỉ nặng khoảng 1kg, có nút điều chỉnh số nhịp thở/phút, nút điều chỉnh thể tích thông khí, tốc độ bóp bóng (chậm-nhanh) phù hợp với từng người bệnh và có chuông báo động cho biết khi bị mất nguồn điện. Máy có thể dùng 2 nguồn điện AC (nguồn điện cố định tại chỗ) và DC (dùng ắc quy khi di chuyển) nên rất tiện lợi.

Bản thiết kế chiếc máy bóp bóng trợ thở y tế của anh Hoạt.
Căn cứ tài liệu và thông tin anh thu thập, thì một người có khoảng từ 10-20 lần hít vào, thở ra trong một phút tùy thể trạng mỗi người. Anh Hoạt tính toán, trung bình con người sẽ có khoảng 2 giây hít vào, 2 giây thở ra và anh đã thiết kế nhịp bóp bóng theo thông số đó. Quá trình thực hiện lập trình cho máy đạt với những tính năng hiện đại, có sự hỗ trợ của con trai anh là Hồ Lê Nguyên Vũ đang công tác tại Công ty FPT Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Trung Thu, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Ninh Thuận cho biết: Hội đồng giám khảo chuyên ngành y đã xác nhận đây là một đề tài tốt, có khả năng áp dụng được. Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận đang tiến hành kiểm tra bổ sung, xác nhận một số thông số kỹ thuật (như lượng ôxy, thể tích lồng ngực, nhịp tim). Nếu đạt yêu cầu thì sản phẩm này áp dụng rất tốt, hiệu quả và tiết kiệm .

Anh Hoạt nói: “Mình cũng là dân “Hai Lúa”, làm được cái gì có ích cho người dân nghèo bớt vất vả là sung sướng rồi. Nếu bán chiếc máy này ra thị trường theo phương thức sản xuất thủ công thì chỉ có giá khoảng 2 triệu đồng, nếu được ứng dụng rông rãi được đầu tư sản xuất hàng loạt thì giá thành còn thấp hơn rất nhiều. Trong khi đó, một máy thở y tế nhập từ nước ngoài về nghe nói có giá hơn 1 tỷ đồng, người nghèo có ai dám mơ”.

Hiện tại anh Hoạt đang tiếp tục hoàn thiện chiếc máy “bóp bóng thông khí trợ thở y tế”, mong muốn lớn nhất của anh là được sự hỗ trợ tích cực của bệnh viện Ninh Thuận để có môi trường đưa sản phẩm vào thử nghiệm, để được ứng dụng thực tế.

Võ Tấn