Một thực tế là các dự đoán về năng lượng luôn sai.

Từ những dự đoán của thập niên 50 rằng năng lượng hạt nhân sẽ trở nên cực rẻ cho đến niềm tin của thập niên 70 rằng thế giới sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời hoàn toàn vào cuối thế kỷ 20, có vẻ như những nhà “tiên tri” đã bị mất phép riêng với lĩnh vực năng lượng.

Theo Time, lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, chính tiến bộ công nghệ, những phát kiến mới, các cuộc khủng hoảng kinh tế bất ngờ.... là thủ phạm khiến những lời tuyên đoán trở nên trật lất.

Mặc dù vậy, tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dịp cuối tuần qua, tổ chức này vẫn công bố năm sự thật bất ngờ về tương lai của năng lượng trên Trái đất.

1. Sự dịch chuyển trong “An ninh dầu mỏ”

Từ nhiều thập kỷ nay, Mỹ vẫn luôn là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới (Số liệu 2010 cho thấy nước này mua tới 11 triệu thùng dầu/ngày). Sự mất cân bằng này đã khiến người Mỹ tốn rất nhiều (trên 300 tỷ USD riêng trong năm ngoái) và tác động mạnh đến chính sách đối ngoại của nước này (Mỹ bị đặt vào vị trí của một cảnh sát dầu mỏ quốc tế).

Tin tốt lành là nhờ có nguồn nhiên liệu thô mới trong nước, cộng với những giải pháp tiết kiệm năng lượng hiện đại, người Mỹ đã bắt đầu nhập khẩu ít dầu thô hơn. IEA dự đoán đến năm 2035, nước Mỹ sẽ chỉ phải nhập khẩu một nửa trữ lượng dầu so với hiện nay. Ngược lại, châu Âu lại tăng nhập khẩu dầu và đến năm 2015, cựu lục địa sẽ qua mặt Mỹ. Đến năm 2035, Trung Quốc có thể nhập khẩu lượng dầu nhiều gấp đôi Mỹ.

2. Tương lai nằm trong tay khí gas

Chúng ta thường cho rằng nguồn cung dầu và khí gas về cơ bản là cố định, và rằng những tiến bộ công nghệ chỉ có thể xuất hiện trong công nghệ xanh/sạch. Tuy nhiên điều đó không chính xác. Thăm dò dầu và khí gas là một lĩnh vực công nghệ cao, những phát kiến mới cho phép ngành công nghiệp năng lượng tiếp cận những nguồn cung mới. Đó chính là trường hợp của khí gas đá set (shale) và thủy lực bẻ gãy (hydraulic-fracturing).

Người Mỹ nhận thấy các tính chất dễ bay hơi của đá sét - một lớp đá trầm tích phân hạch có nhiều ở các bang. Còn thủy lực bẻ gãy là phương pháp mở rộng vết nứt của các tầng đất, đá tự nhiên, giúp cho khí gas tự nhiên thoát lên nhiều hơn – PV.

Nhiều người tin rằng, khí gas tự nhiên có thể cạnh tranh được với than đá về giá thành, thậm chí họ còn cho rằng đá sét sẽ giúp con người bước vào một “kỷ nguyên vàng của khí gas”.

Mặc dù vậy, kỷ nguyên vàng này có thể không bao giờ trở thành hiện thực bởi những quan ngại về tính chất ô nhiễm của phương pháp thủy lực bẻ gãy. Các chuyên gia môi trường e sợ việc khoan giếng và gây nứt đất ồ ạt sẽ đầu độc nguồn nước ngầm. IEA cho rằng, những vấn đề môi trường có thể kiểm soát được thông qua các quy định pháp luật chặt chẽ. Nói cách khác, một kỷ nguyên vàng của gas đòi hỏi một “kỷ nguyên vàng của quy chế đi kèm”.

3. Con người ngày càng bẩn

Nếu có sự thật nào về năng lượng được tất cả các bên đồng tình, thì đó chính là con người cần phải cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hơn nữa. Lãng phí năng lượng cũng chính là vứt tiền qua cửa sổ, nhất là trong bối cảnh giá dầu tăng cao và không có khả năng đi xuống.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là thế giới lại sử dụng năng lượng ngày càng kém hiệu quả. Số liệu của IEA cho thấy trong vòng 2 năm trở lại đây, lượng khí carbon thải ra tính trên sản lượng kinh tế ngày một tăng. Con người đang đi theo hướng ngược hoàn toàn với những gì chúng ta cần làm. Nguyên do là vì sự gia tăng của những nguồn năng lượng bẩn như than đá cũng như những nhà máy sản xuất kém hiệu quả ở Trung Quốc hay Ấn Độ.

4. Than đá: Tội đồ

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã phát động một cuộc chiến với than đá. Năng lượng mặt trời, gió và khí đốt tự nhiên được quảng bá nhưng sự thật vẫn là sự thật: than đá là nguồn sản sinh ra phần lớn điện năng mà chúng ta sử dụng trong quá khứ. Hiện tại, nó vẫn là nguồn cung cấp điện năng chủ đạo ở nhiều nền kinh tế và xu hướng đó cũng chưa có dấu hiệu thay đổi trong tương lai.

Con người hiếm khi đề cập đến than đá, nhưng trong 10 năm qua, 50% mức tăng của tiêu thụ năng lượng toàn cầu là từ than đá”, IEA cho biết.

Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc vẫn sử dụng ngày càng nhiều than đá, bởi than rẻ và nguồn cung dồi dào.

5. Tiếp cận năng lượng: 2 tỷ người bị lãng quên

Theo ước tính của IEA, có gần 2 tỷ người trên hành tinh không được tiếp cận với năng lượng hiện đại. Vì vậy, khi cả thế giới vạch kế hoạch cho tương lai năng lượng sạch và xanh, chúng ta không thể lãng quên họ. Để giúp khuấy động sự chú ý đến 2 tỷ người thiệt thòi này, Liên Hợp quốc đã đề xuất 2012 là Năm quốc tế về Năng lượng Bền vững cho tất cả mọi người.

Trọng Cầm

Cầu năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới
Cây cầu Blackfriars bắc trên sông Thames, London, Anh Quốc sẽ trở thành trạm điện mặt trời lớn nhất thế giới khi mái của cây cầu được phủ các tấm pin mặt trời với diện tích lên tới 6.000 mét vuông.
 
Năng lượng mặt trời gây ô nhiễm ở Trung Quốc
Các chuyên gia cảnh báo việc sản xuất ăcquy chì-axit để tích trữ năng lượng Mặt trời sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường và các bệnh nguy hiểm ở trẻ em. 
 
Áo tắm năng lượng mặt trời cho phái nữ
Một nhà thiết kế Mỹ vừa tung ra mẫu áo tắm 2 mảnh năng lượng mặt trời, có thể giúp sạc pin của các thiết bị điện tử cầm tay.