Khi vướng vào những "lùm xum" trong xã hội, nhiều đại gia Việt vẫn bình tĩnh trần tình để chứng tỏ mình bị “oan ức”.

TIN BÀI KHÁC

Đại gia chứng khoán với nghi vấn tranh giành con dấu

Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) Đặng Thành Tâm được Thành ủy TP HCM mời làm nhà bảo trợ cho ĐH Hùng Vương từ năm 2004. Kể từ khi trường chuyển từ dân lập sang tư thục, ngoài tiền tài trợ học bổng, tổng số tiền góp vốn bất vụ lợi (tiền lãi phát sinh sẽ dùng để tái đầu tư) của ông Tâm cùng bạn bè, đơn vị ông là 50 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ tài chính của người đứng đầu SGI, trường Hùng Vương nhiều lần vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, “mạnh thường quân” này lại bị dính vào một bê bối liên quan đến con dấu của ngôi trường này khi Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương tố ông Tâm bắt đóng dấu những văn bản không đúng và còn ép giao con dấu cho Hội đồng quản trị giữ.

Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương TP HCM Lê Văn Lý cho rằng, mình bị ép đóng dấu vào những văn bản sai quy định. Theo ông, ngày 23/6, nhóm Hội đồng quản trị gồm 5 người do ông Tâm chi phối yêu cầu hiệu trưởng giao lại con dấu. Tuy nhiên, ông Lý không chấp thuận bởi những văn bản đưa ra để đóng dấu hoàn toàn không đúng quy định, thậm chí là những văn bản khống (không ghi cụ thể tên, địa chỉ người nhận, nơi đến...). Do đó, ông từ chối đóng dấu và ngay sau đó ra thông báo khẳng định: "Hiệu trưởng mới là người trực tiếp quản lý con dấu".

Đáp lại lời tố cáo của Hiệu trưởng Lý, ông Đặng Thành Tâm cho rằng, Hội đồng quản trị đang bị hiệu trưởng Lê Văn Lý vô hiệu hóa và sở dĩ đại hội cổ đông tới nay chưa thể triệu tập là do không có con dấu để đóng vào hồ sơ.

Theo ông Tâm, tình trạng này diễn ra kể cả sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức cuộc họp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ, trong đó có kết luận không được cản trở quyền sử dụng con dấu hợp pháp của Chủ tịch Hội đồng quản trị, song hiệu trưởng vẫn phớt lờ, chiếm giữ riêng.

Vụ việc đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ và lời minh oan của ông Tâm cũng chưa phát huy được tác dụng.

Chủ tịch Sacombank trước tin đồn bán tháo cổ phiếu

Chịu chung số phận như ông Tâm, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín cũng phải đối phó với không ít sóng gió trong thời gian này.

Tuần qua, giới đầu tư xôn xao câu chuyện người nhà ông Đặng Văn Thành đăng ký bán hết 14,84 triệu cổ phiếu đang sở hữu, tương ứng 1,62% vốn điều lệ. Câu hỏi được đặt ra là nội tình đằng sau động thái trên là gì, khi mà họ vốn là những người nắm khá rõ hoạt động của ngân hàng này.

Có người cho rằng những cổ đông này bán cổ phiếu để đè giá, nhằm mua lại với mức giá rẻ hơn. Thậm chí có nhà đầu tư nghĩ rằng vợ, con gái và con dâu của ông Thành bán để lấy tiền mua cổ phiếu sắp phát hành thêm cho đợt tăng vốn lên 10,740 tỷ đồng sắp tới.


Ông Thành phủ nhận tin đồn "xập xệ" của Sacombank.

Trước những tin đồn râm ran trong dư luận này, ông Đặng Văn Thành cho biết, việc ba người phụ nữ nhà họ Đặng bán ra cổ phiếu thực chất là để chuyển cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín từ sở hữu cá nhân về sở hữu của pháp nhân là CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công. Hiện, Chủ tịch HĐQT của Thành Thành Công, bà Huỳnh Bích Ngọc là vợ của ông Thành.

Không dừng lại ở đó, giới tài chính còn kháo nhau câu chuyện có một “đại gia” bất động sản và ngân hàng đang dòm ngó chiếc ghế Chủ tịch HĐQT STB nên âm thầm gom cổ phiếu trong thời gian gần đây. Thậm chí, còn có đồn đại rằng “đại gia” này tuyên bố sẵn sàng vét hết tất cả số cổ phần được bán ra.

Nhiều người suy luận rằng chính “kế hoạch” thâu tóm âm thầm này buộc những người thân của ông Thành phải bán cổ phiếu, nhưng thực chất là tập trung cổ phần về ông Đặng Văn Thành để phòng thủ và nhằm giữ ghế Chủ tịch.

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Thành phủ nhận việc có người đang âm thầm thâu tóm STB. Ông cho rằng, nếu có nhà đầu tư mua vào và nắm giữ khối lượng lớn cổ phần thì chứng tỏ họ tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của STB, chứ không nhằm mục đích thôn tính và “thay máu” như những lời đồn đại.

‘Đại gia Hoa hậu thế giới’ bị tố nợ tiền mua đất


Một người dân ngụ tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho tố cáo đại gia "hoa hậu thế giới" Hoàng Kiều, Chủ tịch Tập đoàn RAAS còn nợ gần 18 tỷ đồng tiền mua đất phục vụ dự án thi hoa hậu.

"Chủ nợ" của đại gia Hoàng Kiều là ông Nguyễn Văn Tư ngụ xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho. Ông Tư cho biết, tháng 6/2009 Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang là ông Hoàng Kiều và ông Trần Thanh Tiến, Tổng giám đốc công ty, đến tìm ông. Hai vị hợp đồng với ông để mua 2,3 ha đất gần khu du lịch Thới Sơn. Tổng giá trị thương vụ gần 30 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, sau khi hai bên công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang phải trả tiền cho ông Tư. Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp cứ xin khất… nợ mãi. Ông Tư nhẩm tính đến tháng 11/2009, công ty cổ phần du lịch vẫn còn nợ ông 17,6 tỷ đồng.

Ông Tư cho biết thêm, tuy chưa thanh toán hết tiền đất còn nợ, Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang đã đề nghị ông làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và hứa khi có giấy đỏ rồi sẽ thanh toán nốt phần tiền còn lại. Thế nhưng, khi sang tên xong vẫn không thấy công ty trả nốt số tiền còn lại nên ông Tư nộp đơn đến UBND xã để kiện ông Hoàng Kiều.

"Chúng tôi không ai ngờ rằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang lại không giữ lời hứa. Chính vì vậy, dù chưa nhận đủ tiền bán đất, khi đơn vị này yêu cầu sang tên quyền sử dụng đất mới tất toán số tiền còn lại, tôi đã tin theo", ông Tư ngậm ngùi nhớ chuyện cũ.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang Trần Thanh Tiến cho biết: "Chúng tôi đã thỏa thuận với gia đình ông Tư, nếu đến cuối tháng 5, doanh nghiệp không trả nốt số tiền còn lại thì chúng tôi sẽ bị mất tiền cọc là 13 tỷ đồng".

Tuy nhiên, khi được chất vấn về việc toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Tư đã chuyển sang tên Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang, trong khi doanh nghiệp chưa thanh toán hết tiền nợ với người dân, ông Tiến giải thích: "Đây chỉ là thủ tục bắt buộc phải làm trước, chúng tôi đang lên kế hoạch trả nợ".

Trước đó, năm 2009, nhiều người bất ngờ khi ông Hoàng Kiều, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang, đứng ra xin phép chuyển địa điểm tổ chức đêm chung kết cuộc thi hoa hậu thế giới từ Nha Trang về tỉnh Tiền Giang.

Để thuyết phục dư luận và lãnh đạo tỉnh, ông Hoàng Kiều trưng ra hàng loạt những dự án bất động sản hoành tráng phục vụ cuộc thi hoa hậu, trong đó có dự án khu du lịch sinh thái Thới Sơn, thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Để thực hiện dự án tổ chức cuộc thi hoa hậu thế giới năm 2010, ông Hoàng Kiều bắt tay vào việc thu mua lại đất đai của dân thổ cư quanh cù lao Thới Sơn. Động thái thu mua này từng khiến cho thị trường đất miệt vườn quanh khu vực này nổi sóng trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, dự án đưa hoa hậu thế giới về Tiền Giang thất bại, kế hoạch "nóng hổi" trong phút chốc biến thành nhiệm vụ bất khả thi, số lần trở về Tiền Giang của đại gia Việt kiều này thưa dần. Điều gây bất bình cho người dân là ông Hoàng Kiều để lại món nợ bạc tỷ tiền mua đất của dân.


Tổng giám đốc trước cáo buộc bắt nhân viên đun nước tắm hoa thơm

Tổng giám đốc Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp bị tố cáo sử dụng một bảo vệ chuyên đun nước sôi, rắc hoa thơm cho ông tắm và nấu ăn hằng ngày sau mỗi lần giải trí...

Đơn thư tố cáo ông Tổng giám đốc Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Trần Văn Khánh được gửi tới các cơ quan chức năng rải rác từ năm 2006 đến nay, với 7 nội dung khác nhau. Trong đó, ông Khánh bị nghi có quan hệ với các tội phạm trong các vụ án kinh tế như Epco Minh Phụng, Ngân hàng Việt Hoa để trục lợi cá nhân, khiến tổng công ty thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Đơn tố cáo cũng chỉ ra việc ông tổng giám đốc mua xe của Thuyết "Trăm Voi" (mưu sĩ số 1 chuyên vạch sách lược cho Năm Cam), với giá 1,5 tỷ đồng, không hạch toán vào tài sản của công ty mà giao cho một đơn vị khác, sau đó thuê lại với giá 52 triệu đồng một tháng.

Ngoài ra, đơn thư tố cáo còn nêu ông Khánh sử dụng một nhân viên phục vụ cho mình, thông qua nhân viên này lập chứng từ giả tiếp khách mỗi tháng 70-80 triệu đồng, sử dụng một bảo vệ chuyên đun nước sôi, rắc hoa thơm cho ông tắm và nấu ăn hằng ngày sau mỗi lần giải trí.

Về phần mình, ông Khánh xác nhận nhận được nhiều đơn tố cáo, trong đó có cả đơn của nhân viên với tên tuổi và chữ ký, chứ không phải là thư nặc danh.

Nói về việc thuê xe công vượt định mức, ông Khánh xác nhận có thuê một chiếc Mercedes BKS 29V-5211 của Công ty Thành Lợi với giá 52 triệu đồng một tháng, gồm cả thuế. Còn việc chủ xe mua của ai, Thuyết "Trăm Voi" hay công ty nào khác với giá 1,5 tỷ đồng không liên quan đến ông cũng như tổng công ty.

Ngoài ra, ông Khánh quả quyết: "Chuyện tôi sử dụng một bảo vệ chuyên đun nước sôi rắc hoa thơm để tắm hay nấu ăn hằng ngày cho mỗi lần chơi giải trí cũng là bịa đặt". Ông cho hay, có thời điểm bị ốm, vợ ông phải mua lá thuốc để ông tắm điều trị. Đôi lúc vợ đi vắng hoặc có việc bận, ông phải nhờ thường trực bảo vệ tên Nguyễn Viết Dũng gạn nước thuốc vào thùng cho nóng.

"Tôi vô tội, đó chỉ là những lời vu khống, chẳng có bằng chứng và không nói lên điều gì cả. Nếu ai tố cáo tôi mà không đúng sự thật sẽ bị pháp luật trừng trị. Tôi đang chờ cơ quan chức năng vào làm việc để minh oan cho mình", ông Khánh nhiều lần khẳng định như vậy.

Ông cho hay, kể từ khi làm lãnh đạo trong vòng 15 năm qua, hơn 20 lần ông gặp phải những tình huống này. Bị tố cáo, bị vu khống, đơn thư nặc danh và không ít lần phải giải trình với lãnh đạo Bộ, ông Khánh tỏ ra khá kinh nghiệm: "Khi gặp những tình huống này, một lãnh đạo giỏi cần bình tĩnh kiểm điểm toàn bộ quá trình công tác, công việc của mình, không vì một vài bức thư tố cáo mà làm xáo trộn cơ quan".

(Theo Báo Đất Việt)