Một thời, về miền Đông Nam Bộ, tới miệt vườn Lái Thiêu mà không thưởng thức vị ngon ngọt thanh của măng cụt, bòn bon hay hương thơm nồng nàn của mít tố nữ thì... coi như chưa tới. Nhưng giờ đây những cây trái nổi tiếng ấy đang dần mai một.


TIN BÀI KHÁC


Cười mà... buồn

Miệt vườn Lái thiêu thuộc thị xã Thuận An cách TPHCM khoảng 20km, đã từng nổi tiếng vì đất đai màu mỡ với nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng như măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, dâu, sầu riêng. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ông Vinh Hoa, phường An Thạnh, có gần 40 gắn bó với loại trái cây măng cụt của đất miền Đông, vừa nói chuyện: Thời hoàng kim của măng cụt đã qua đi. Những năm gần đây nhà vườn chúng tôi chăm cây mà quả thì không thấy, chỉ thấy lá rụng, nếu có chăng thu hoạch cũng chỉ đủ tiền phân tro, trong vườn trồng quả mà không dám ăn mà dành để bán.

Thời hoàng kim của măng cụt đã qua đi...

Trước đây, vườn măng không bao giờ bị sâu bệnh, phân bón cũng không đáng kể, nhưng bây giờ phải bón phân nhiều hơn, sâu bệnh cũng phát triển như sâu vẽ bùa, sâu bọ trĩ, nấm hồng. Riêng bệnh nấm hồng, nếu nhánh cây nào bị mà không phát hiện sớm thì nhánh đó chết luôn và nếu sống được thì cũng còi cọc và dễ lan sang cả vườn. Theo ông Hoa, không chỉ sâu bệnh hại cây mà còn do nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm nặng, nhìn ngọn măng vẫn xanh nhưng gốc rễ thì đã thối đen rồi.

Vườn măng cụt hơn 3.000m2 nhà bà Trần Kim Phượng cũng ở An Thạnh năm nay được mùa nhưng chỉ thu được hơn 2 tấn - bằng 1/3 sản lượng mọi năm. Bà Phượng cho rằng, môi trường ngày càng xấu đi như dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước ô nhiễm do khu công nghiệp xả thải, giống lai tạp... là những nguyên nhân làm cho năng suất, chất lượng của măng cụt ngày càng giảm và tiếng tăm cũng mất dần.

Mặt khác, hàng chục năm nay, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của nhà vườn vẫn phụ thuộc vào đầu nậu, kiểu may nhờ rủi chịu. Đầu nậu kêu giá nào cũng phải chấp nhận, cao giá thì được nhờ mà giá thấp cũng phải cắn răng, chưa có một cơ sở nào chính đứng ra thu mua, nên giá phụ thuộc thương lái ép giá thiệt thòi cho nhà vườn. "Vườn măng cụt gây dựng cả trăm năm, nếu vì thoái hoá, biến chất hay thất thu mà đốn bỏ thì coi như cả đời người cũng không... trồng lại được", bà Phượng than.

Khóc cho mít tố nữ

Dẫn chúng tôi ra khu vườn rộng gần 3.000m2, ông Ba Thành ở xã Hưng Định kể, mít Tố Nữ khi chín vỏ vẫn còn xanh rì mà múi mít đã vàng rực, chỉ cần cầm cuống rút nhẹ là tất cả múi mít theo cuống đi lên trông như chùm nho mọng quả. Mít đặc chủng của Lái Thiêu thì gần như tuyệt chủng, nếu đúng loại thì trái lớn nhất cũng chỉ nửa cân, cuống nhỏ, da nở, gai mắt to, muốn có múi mít vàng như nghệ thì chỉ được bón tro bếp, than củi. Tìm mãi trong vườn nhà ông cũng chỉ còn sót lại dăm ba cây chính cống mít tố nữ Lái Thiêu. Do năng suất thấp, bà con thay thế bằng mít lùn Mã Lai, hay nhiều loại mít kinh tế khác.

Mít đặc chủng của Lái Thiêu thì gần như tuyệt chủng.

Theo ông Lê Quốc Hưng, chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Định, có năm tại nhiều vườn cây ăn trái quanh khu vực rạch Chòm Sao và các xã, thị trấn ven sông Sài Gòn, cây ăn quả truyền thống như măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ... bị chết. Bà con cho rằng, nguyên nhân do ô nhiễm nguồn nước từ nước thải của các cơ sở công nghiệp lân cận.

Riêng công trình bờ bao An Sơn - Lái Thiêu trong quá trình thi công cũng đã làm các vườn cây ngập úng và bị chết dần chết mòn theo từng năm tập trung nhiều nhất là vào thời kỳ triều cường dâng cao trong năm tháng 10, 11 cộng với hồ Dầu Tiếng xả lũ. Kết quả theo dõi nhiều năm, hiện tượng cây chết không theo một quy luật nhất định. Cây chết thường bắt đầu từ phần nhánh phía dưới và lan dần lên phía trên và chết rất nhanh và chết ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

"Măng cụt là cây nhiệt đới độc đáo, khó trồng, trồng lâu mới có trái, nếu đưa ra khỏi miền Đông Nam Bộ cũng trồng được nhưng không có trái. Mít tố nữ, giờ dần thay thế bằng mít lùn Mã Lai, cây lùn nhưng cho trái sai, hay mít Thái cho năng suất cao... Sự mai một cây bản địa phải kể tới nguyên nhân biến đổi khí hậu".
TS Võ Mai (phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Nghề vườn & Vật nuôi)


(Theo Bee.net.vn)