Từ năm 2009 đến nay, đã có gần 192.000 tấn phụ gia thực phẩm được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường nước ta, trong đó phát hiện 1.251 tấn phụ gia thực phẩm độc hại, phải tái xuất.
TIN BÀI KHÁC


Ngộ độc thực phẩm tăng


Thống kê đến ngày 15/12 vừa qua, toàn quốc ghi nhận có 142 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.500 người mắc, trong đó hơn 80% phải đi viện. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính là vi sinh vật (gây ra 40 vụ, chiếm 28,1%) và độc tố tự nhiên (38 vụ, chiếm 26,8%)....Đây là thông tin do ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết tại buổi gặp gỡ cộng tác viên báo chí diễn ra sáng nay (22/12) tại Hà Nội.

So với cùng kỳ năm 2010, vụ ngộ độc thực phẩm giảm khoảng 20% và số tử vong giảm gần 50% (năm 2010 là 49 người tử vong). Tuy nhiên, các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể vẫn diễn biến phức tạp. So với cùng kỳ năm ngoái, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể tăng thêm 7 vụ, tương ứng với 31,8%, số ca mắc tăng 65%).
Tình trạng phụ gia thực phẩm độc hại tràn lan đang khiến các nhà quản lý phải đau đầu (Ảnh minh họa)
Tính đến nay, toàn quốc ghi nhận 142 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.533 người mắc làm 25 người chết. Đáng lưu ý số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể có chiều hướng gia tăng, với số mắc tăng hơn 1000 người so với năm ngoái. Điển hình như vụ hơn 170 công nhân ngộ độc sau bữa ăn trưa ngày 5/10 của công nhân công ty THHH Terratex Việt Nam – TP.HCM khiến tất cả số công nhân này đều phải nhập viện, vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn, khiến hơn 200 công nhân phải đi cấp cứu vừa xảy ra mới đây (8/12) tại Nhà máy dệt may Haivine Kim Liên - Nghệ An… như hồi chuông cảnh báo cho thực trạng ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng trên toàn quốc.

Phụ gia độc hại tràn lan


Bên cạnh những vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp, một thực trạng khác đáng báo động khiến cục ATVSTP đau đầu đó là tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm tràn lan. Cuối tháng 11 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra mặt hàng ớt bột trước Tết Nguyên đán. Kiểm tra tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, đoàn đã phát hiện và thu giữ 56 kg ớt bột có nhuộm phẩm màu độc hại. Nhiều sản phẩm phụ gia nhập khẩu, không có nhãn phụ Tiếng Việt, không nguồn gốc xuất xứ cũng được phải hiện tại các quầy kinh doanh thực phẩm ở chợ Đồng Xuân và tuyến phố Hàng Buồm.

Ông Phong cho biết từ năm 2009 đến nay, đã có gần 192.000 tấn phụ gia thực phẩm được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường nước ta, trong đó phát hiện 1.251 tấn phụ gia thực phẩm độc hại, phải tái xuất. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số lượng phụ gia nhập khẩu độc hại thực tế có trên thị trường qua con đường tiểu ngạch, nhập lậu còn lớn hơn rất nhiều so với số được phát hiện.

Cần xử phạt nghiêm minh


Theo ông Phong, một cuộc khảo sát của cục cho thấy, 100% người sản xuất, kinh doanh giò chả biết quy định cấm sử dụng hàn the, nhưng vẫn vi phạm nhan nhản. Người dân Bình Thuận biết cá nóc gây ngộ độc nhưng vẫn vô tư bán, vô tư ăn. Thậm chí, nhiều hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm còn không đọc nổi tên của hóa chất, biết thừa hóa chất không có nguồn gốc sẽ gây độc đến sức khỏe nhưng chẳng e sợ. Thực trạng này cho thấy “từ lý thuyết đến thực hành là cả một khoảng cách dài”.

Một khi người ta biết nhưng vẫn cố tình vi phạm, thì sự vi phạm ấy sẽ tinh vi và khó phát hiện hơn nhiều. Hơn thế, việc xử phạt lại chưa thực sự nghiêm minh, công tác hậu kiểm còn gặp nhiều khó khăn càng khiến tình trạng kiểm soát chất phụ gia thực phẩm thành một vấn nạn đau đầu với các nhà quản lý. Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh Thanh tra Cục ATVSTP, chỉ có 28.177 cơ sở bị xử lý trong gần 102.000 cơ sở vi phạm, chiếm 27%. Như vậy vẫn còn 73% số cơ sở có vi phạm về ATVSTP chỉ bị nhắc nhở, phê bình. Các trường hợp này chủ yếu tập trung ở tuyến xã, phường khi mà quy định xử phạt không được thực hiện triệt để.

Ông Khẩn cho rằng, để hạn chế tình trạng loạn phụ gia thực phẩm độc hại trong năm tới ngoài các đợt thanh, kiểm tra thường quy, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề, mỗi tháng sẽ tập trung kiểm tra quyết liệt một mảng nhất định như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, quảng cáo, nhãn mác… Tháng hành động ATVSTP quốc gia năm 2012 sẽ được triển khai ngay trong tháng 1/2012, thay vì từ 15/4 - 15/5 như các năm trước.

(Theo Bưu điện Việt Nam)