Cáo buộc nghe trộm liên quan tới đài truyền hình quốc gia Hàn
Quốc KBS làm dấy lên chỉ trích "báo chí vô nguyên tắc" và nhiều người khác lên
án cuộc điều tra đang diễn ra đối với các cáo buộc là xâm phạm tự do báo chí.
Bí ẩn email vạch tội tờ News of the World
Tình tiết vụ nghe lén chấn động nước Anh
Bê bối nảy sinh quanh sự kiện hôm 23/6 khi một phóng viên KBS, họ là Jang, 33 tuổi, bị nghi đặt máy nghe trộm một cuộc họp kín của đảng Dân chủ đối lập, mà trong đó các thành viên chủ chốt của đảng này thảo luận các chiến lược phản đối nâng phí xem truyền hình.
Đảng Dân chủ đưa ra cáo buộc nghe trộm ngay sau khi hạ nghị sĩ Han Sun-kyo của đảng Đại Dân tộc tiết lộ những gì được thảo luận tại cuộc họp kín đó trong một phiên họp toàn thể của Uỷ ban phát thanh và văn hoá Quốc hội hôm 24/6.
Đảng Dân chủ trình đơn khiếu nại lên cảnh sát hôm 26/6. Tiếp đó, cảnh sát đã đột kích nhà Jang và tịch thu máy tính xách tay, điện thoại, các vật dụng khác của phóng viên này để làm bằng chứng vào hôm 8/7.
Cảnh sát sau đó phát hiện được rằng máy tính và điện thoại di động không có tác dụng gì cho cuộc điều tra của họ vì Jang bắt đầu dùng điện thoại mới vào ngày 29/6 và máy tính xách tay mới vào 30/6. Jang nói, đã đánh mất điện thoại và laptop một cách tình cờ.
KBS hiện tuyên bố, một người thứ 3 liên quan tới đảng Dân chủ đã giúp đài này lấy được những thông tin được bàn ở cuộc họp, và nhấn mạnh rằng họ không phải tiết lộ nguồn tin để bảo vệ người đó.
KBS lên án cuộc điều tra là một sự sỉ nhục đối với đài truyền hình và là mối đe doạ nghiêm trọng với tự do báo chí. KBS nhấn mạnh họ không bao giờ chỉ thị cho bất cứ nhân viên nào đặt máy nghe lén cuộc họp đó, và rằng, đài sẽ đi kiện.
Mặc dù cuộc điều tra còn đang tiến hành nhưng các nhà chỉ trích cảnh báo rằng các tổ chức truyền thông đang lạm dụng sức mạnh của mình có thể phải đối mặt với những hậu quả nguy hiểm như những gì mà tờ News of the world của Anh phải hứng chịu.
Tờ báo 168 tuổi - News of the World đã bị đóng cửa do liên quan tới việc nghe lén và các hoạt động bất hợp pháp khác. Báo này đã xâm nhập vào hộp thư thoại của khoảng 4.000 người.
"Để việc nghe trộm được coi như một hành động báo chí có thể tha thứ, thì nó phải có một mục đích cấp thiết, quan trọng, đem lại lợi ích to lớn cho công chúng. Tuy nhiên, khó có thể nói cuộc họp về phí xem truyền hình có liên quan tới lợi ích của công chúng", Kim Seo-joong, giáo sư về truyền thông đại chúng ở trường Sungkonghoe nhận xét.
Kim Chun-sik, giáo sư dạy báo chí tại trường đại học Hankuk nhấn mạnh, điều quan trọng là giới truyền thông phải đưa tin một cách có đạo đức.
Nghị sĩ Han, một nhân vật khác trong bê bối nghe lén đã được cảnh sát yêu cầu trình diện tại đồn cảnh sát ở Seoul để chịu thẩm vấn. Đảng Dân chủ nộp đơn kiện Han ở đồn cảnh sát hôm 1/7 với cáo buộc vi phạm luật bảo vệ bí mật thông tin.
- Hoài Linh (Theo KH)