Về bề ngoài, những gì vừa xảy ra ở Mumbai giống các vụ nổ hàng loạt nhằm vào thành phố này năm 2006 và năm 1993 hơn so với vụ khủng bố kéo dài 3 ngày năm 2008.

TIN LIÊN QUAN:



Cảnh sát thường phục đứng quanh một ô tô bị phá hủy trong vụ nổ ở Dadar, Mumbai, hôm 13/7. (Ảnh: Reuters) 

Những quả bom phát nổ đúng lúc gần như toàn Mumbai kết thúc ngày làm việc. Vào lúc 6h45 chiều ngày 13/7, Janardhan Bedkar, 35 tuổi, người giúp việc tại một phòng trưng bày kim cương ở khu Nhà hát Opera, đang làm một việc vặt cho sếp của mình là đi lấy một gói hàng từ một cửa hiệu trầu cau gần đó. Khi anh đứng ở một cửa hiệu khác bên đường, mọi hoạt động xung quanh diễn ra rất tấp nập như thường lệ vào lúc các văn phòng bắt đầu đóng cửa và mọi người trở về nhà.

Gần đó, một phụ nữ mang bầu ăn chung bánh với bạn cạnh một chiếc xe bán sandwich rong. Đột nhiên, anh nghe thấy một tiếng nổ inh tai và mọi thứ đảo lộn.

"Điều tiếp theo tôi biết được là mình đang nằm sõng soài cách chỗ đứng khi trước vài mét. Cửa hiệu trầu cau và mọi thứ tan tành, những mảnh vỡ vãi khắp nơi. Tôi đứng lên và cố hết sức chạy đi, tôi nhìn thấy người phụ nữ mang bầu bị hàng chục bước chân khác đè lên khi họ chạy thoát thân. Tôi không nghĩ cô ấy có thể sống sót được. Có một cuộc giẫm đạp khi người ta chạy tán loạn, cắm cổ chạy mà không biết về đâu".

Mumbai hứng chịu cả thảy 3 vụ nổ liên tiếp ở các khu đông người. Bộ trưởng Nội vụ P. Chidambaram đã tổ chức một cuộc họp báo ngay sau đó, vào lúc 9h tối, xác nhận 10 người chết và 54 phải nhập viện vì bị thương. Thương vong còn tăng cao, ông thừa nhận.

Các quan chức cảnh sát bang Maharashtra đưa ra các con số khác nhau - lãnh đạo bang nói trên kênh truyền hình địa phương CNN-IBN rằng 13 người chết và 80 người bị thương. Khảo sát do TIME thực hiện tại các bệnh viện địa phương cho thấy có 19 người tử nạn. 

Bộ Nội vụ Ấn Độ khẳng định các vụ nổ phối hợp nhằm vào Mumbai là một vụ tấn công khủng bố. Không có từ nào về kẻ có thể phải chịu trách nhiệm hoặc liệu vụ nổ mang dấu vết của khủng bố trong nước hay ngoài nước.

Tấn công khủng bố là một thuật ngữ được đĩnh nghĩa lỏng lẻo ở Ấn Độ, chứa đựng mọi thứ từ thế giới ngầm ở Mumbai tới những nhóm như Indian Mujahideen và tổ chức tàn bạo Lashkar-e-Taiba ở Pakistan.

Trong các thông điệp riêng rẽ, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ Sonia Gandhi đã lên án vụ tấn công. Obama tỏ ý Mỹ sẽ hợp tác với Ấn Độ trong việc truy lùng thủ phạm.

Các vụ tấn công quá khứ

Về bề ngoài, những gì vừa xảy ra ở Mumbai giống các vụ nổ hàng loạt nhằm vào thành phố này năm 2006 và năm 1993 hơn so với vụ khủng bố kéo dài 3 ngày năm 2008.

Trong sự kiện chấn động năm 1993, những quả bom được cài đặt và kích nổ một cách bí mật. Còn năm 2006, thiết bị nổ được bỏ vào trong các nồi áp suất. Lần này, bộ trưởng Chidambaram nói, một trong những quả bom được đặt bên trong một ô tô còn quả khác trên xe máy. Những thông tin không xác định còn cho biết một quả bom được cài trên nóc một đồng hồ điện.

Vụ khủng bố Mumbai năm 2008, mặt khác, được thực hiện bởi một nhóm biệt kích "được trang bị tận răng" với một sứ mệnh liều chết, một kiểu tấn công rất khác biệt, đòi hỏi phải được huấn luyện và lên kế hoạch rất tinh vi. 

Còn trong vụ việc tối 13/7, quả bom cạnh Nhà hát Opera được tin là có sức công phá lớn nhất trong số 3 quả bom. Nhưng hai quả còn lại cũng rất nguy hiểm. Quả bom ở Dadar được kích nổ ở một khu vực có tên Kabutar Khana, trong một ô tô đỗ gần một điểm dừng xe buýt, khiến cho mọi thứ xung quanh tan thành từng mảnh và làm nhiều người bị thương.  

Một nhân chứng trong vụ nổ ở Dadar có tên Jayantilal Shah, 68 tuổi, kể ông đang ở trong nhà chờ một cuộc điện thoại thì nghe thấy tiếng nổ. Cửa mở toang, trần nhà nứt toác và các cửa sổ tầng 1 vỡ nát vì sức mạnh của nó. Ông chạy ra và thấy những người bị thương đang kêu khóc. 

Dadar và Zaveri Bazaar, một chợ trang sức đông người bị nhắm tới trong vụ nổ thứ 3, từng là các mục tiêu tấn công năm 1993.

Sự tương đồng của tất cả các địa điểm này là chúng tấp nập người qua lại, những người Mumbai bình thường. Trong khi đó, vụ tấn công năm 2008 nhắm tới những nơi đông du khách nước ngoài và người giàu.

Nhận diện hung thủ

Nhưng các mục tiêu giống nhau không nhất thiết ám chỉ cùng một nguồn tấn công. Các vụ năm 1993 đều liên quan tới Dawood Ibrahim, trùm sỏ "D-company" thuộc thế giới ngầm ở Mumbai, kẻ được tin là có liên quan tới nhiều nhóm thánh chiến ở Nam Á và Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, Ibrahim chưa bao giờ nhắm tới các thương gia ở Mumbai và ông ta cũng ra khỏi Mumbai nhiều năm rồi.

Indian Mujahideen, một tổ chức không được định nghĩa rõ ràng, thường gửi các thông điệp qua email nhận trách nhiệm. Nhóm này đã hành động như vậy vào năm 2007 và 2008 sau các vụ đánh bom hàng loạt nhằm vào một số thành phố, trong đó có Ahmedabad, Bangalore và Jaipur.

Nhưng không một email nào được biết đến đã được gửi đi vào ngày 13/7.

Có nhiều vụ tấn công khác nhau kể từ sau sự kiện kinh hoàng năm 2008 ở Mumbai. Năm ngoái đã chứng kiến 3 vụ như vậy ở Pune, Delhi và Varanasi. Những kẻ chịu trách nhiệm vẫn chưa được làm rõ, nhưng mục tiêu của chúng tương tự những gì xảy ra ở Mumbai năm 2008: hiệu bánh mỳ Đức ở Pune, nơi có nhiều khách nước ngoài lui tới; một chiếc xe buýt chở khách du lịch thăm đền thờ Jama Masjid ở Delhi Cổ; và ở thành phố linh thiêng nhất của Ấn Độ vốn được nhiều du khách ngoại quốc biết tới.

Các nhà chức trách Ấn Độ, mới đây, đã ra cáo buộc chống lại 24 người, buộc tội họ tìm cách tuyển mộ thành viên từ các cộng đồng Hồi giáo ở miền nam, đặc biệt là Kerala và Hyderabad, cho cuộc thánh chiến toàn cầu.

Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi một nhóm thuộc Cục Điều tra quốc gia (NIA) đang có mặt ở Mumbai để điều tra một vụ khác thì tin tức 3 vụ nổ mới nhất lan đi.

NIA được thành lập sau những thất bại của ngành tình báo vốn bị chỉ trích rộng khắp về vụ tấn công năm 2008. Trong khi đó, lực lượng Bảo vệ quốc gia đã phái lính biệt kích đến, tuy đến sau nhưng đã chặn được thảm họa ở Mumbai. Nhóm đó đã thành lập một trung tâm ở Mumbai để họ có thể phản ứng kịp thời hơn trước một vụ tấn công và đó chính xác là những gì họ làm được khi các vụ nổ mới nhất xảy ra, có mặt ngay lập tức.

Các nhóm khác và các nhà điều tra hiện trường đến từ Delhi và Hyderabad cũng nhanh chóng đến nơi. Điều đó có thể không phải là sự lặp lại của Mumbai năm 2008 nhưng rõ ràng một số trong các bài học đã được rút ra. 

Thanh Hảo (Theo TIME)