Sau 30 năm phát triển kinh tế mạnh, ai cũng biết tới nhãn hiệu Trung Quốc song có rất ít người nhớ được tên một nhãn hàng Trung Quốc. Lý do của nó không chỉ liên quan tới kinh tế.

TIN BÀI KHÁC:



Tại một khu chợ nhộn nhịp gần trung tâm thủ đô Campuchia - Phnom Penh, Soray Peah, 24 tuổi đang thử chuông một chiếc điện thoại di động cô muốn mua. "Tôi chắc chắn sẽ mua một chiếc điện thoại của Trung Quốc vì nó rẻ, dù chất lượng không tốt lắm", Soray Peah nói.

Tuy nhiên, cô gái này không nhớ được bất kỳ một nhãn hiệu Trung Quốc nào và thực tế là chiếc điện thoại Peah mua là một chiếc Nokia dởm, được làm nhái ở Trung Quốc và đem bán khắp Đông Nam Á. Tiếng tăm của hàng hóa Trung Quốc tại các trung tâm mua sắm cao cấp tại Phnom Penh cũng không có gì khác.

Người quản lý Tha Vy mở một cửa hàng nhỏ chuyên bán đồ điện tử trong một trung tâm mua sắm nói: "Không, chúng tôi không có món hàng hiệu Trung Quốc nào. Chúng tôi chỉ có các món hàng hiệu Hàn Quốc, Nhật vì khi hàng Trung Quốc tới Campuchia lần đầu tiên chất lượng của nó rất kém". Chủ cửa hàng chỉ ra điểm then chốt của sự phát triển kinh doanh Trung Quốc - Áo phông giá rẻ và điện thoại di động dởm - dùng được. IPad và máy tính xách tay lắp đặt cho các công ty ngoại quốc - dùng được. Tuy nhiên, một nhãn hiệu Trung Quốc thực sự? Điều đó không tồn tại.

Hàng Trung Quốc mà lại không phải của Trung Quốc là câu chuyện về Haier, công ty sản xuất tủ lạnh lớn nhất thế giới.

Cách Trung Quốc nửa vòng trái đất, tại Camden (South Carolina), các công nhân Mỹ đang gắn niêm phong lên cửa tủ lạnh. Họ làm việc tại nhà máy Haier ở Mỹ. Haier là một công ty của Trung Quốc và sản phẩm của nó được công nhận là nhãn hiệu quốc tế. Tuy nhiên, có rất nhiều người không biết các sản phẩm của Haier là của một công ty Trung Quốc, quản lý công ty là Gerald Reeves nói.

Theo ông Reeves, Haier làm ra các sản phẩm có chất lượng tốt và không bị ảnh hưởng bởi hình ảnh "hàng Trung Quốc chất lượng thấp". Dù vậy, trên thực tế, dòng chữ "Làm tại Mỹ" vẫn xuất hiện trên bao bì hàng hóa công ty này. Reeves nói, Haier đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để chất lượng hàng hóa luôn cao. "Nếu bạn làm sản phẩm cho thị trường Mỹ, bạn cần người Mỹ để thiết kế các sản phẩm".

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, thành công hạn chế của Haier phần nào chỉ là ngoại lệ. Sự thành công của Haier chứng minh Trung Quốc không có khả năng phát triển và cải thiện chứ không chỉ là phát triển thương hiệu.

Một vấn đề then chốt với kinh doanh của Trung Quốc là nước này thiếu sự bảo vệ pháp lý. "Nếu bạn chuẩn bị đổi mới, nếu bạn trở thành một nhà thầu, nếu bạn định tạo ra cái gì đó, bạn cần có một hệ thống pháp lý có thể bảo vệ sáng kiến của mình", Paul French, làm việc cho công ty tư vấn Access Asia của Thượng Hải và đã sống tại Trung Quốc gần 20 năm.

"Chính phủ nên đi đầu trong vấn đề đó và cần có một hệ thống pháp lý có thể làm được điều đó và tôn trọng quyền lợi của doanh nghiệp và những người sáng chế. Vào thời điểm này, đó là điều chưa xảy ra tại Trung Quốc". Chuyên gia người Pháp này nhận định, quyền sở hữu trí tuệ là một trong nhiều vấn đề mà Trung Quốc cần tính đến nếu muốn tiến lên nấc tiếp theo.

  • Lê Nguyễn (Theo NPR)