Nội các Ai Cập đã đề nghị từ chức sau 3 ngày chứng kiến các cuộc biểu tình rộng khắp phản đối các nhà lãnh đạo quân sự của nước này.

TIN BÀI KHÁC:


Biểu tình ở nhiều thành phố của Ai Cập biến thành bạo lực trong 3 ngày qua. (Ảnh: Sky)

Phát ngôn viên của Nội các, Mohammed Hegazy, cho biết đơn từ chức vẫn chưa được Hội đồng quân sự chấp thuận.

Hàng nghìn người biểu tình tiếp tục ở Quảng trường Tahrir suốt đêm qua (21/11) sau một lời kêu gọi biểu tình rộng khắp hơn nữa trong hôm nay. Yêu sách của họ là quân đội phải chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.

Hơn 20 người đã thiệt mạng và gần 1.800 người bị thương trong 3 ngày biểu tình bạo lực ở thủ đô Cairo. Đêm qua, nhiều xe cứu thương rú còi hối hả di chuyển vào giữa Quảng trường ở trung tâm thành phố để chở người bị thương tới bệnh viện.

Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình bắt đầu nổ ra từ ngày 19/11.

"Chính phủ của Thủ tướng Essam Sharaf đã nộp đơn từ chức lên Hội đồng Tối cao Các lực lượng Vũ trang", phát ngôn viên Hegazy cho biết trong một thông báo được hãng thông tấn Mena đăng tải. "Do những hoàn cảnh khó khăn mà đất nước đang phải trải qua, chính phủ sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi nào đơn từ chức được chấp nhận".

Một nguồn tin quân sự cho biết, Hội đồng đã nhóm họp để bàn thảo đề nghị của nội các nhưng vẫn không có sự đồng thuận về việc có chấp nhận đơn hay không. Cũng theo nguồn tin này, Hội đồng đang tham vấn với các phe nhóm chính trị khác.

Người biểu tình đã bày tỏ sự vui mừng khi nghe tin về đơn từ chức song họ sớm trở lại hô các khẩu hiệu phản đối thống chế Marshal Mohamed Tantawi, người đứng đầu Hội đồng Tối cao Các lực lượng Vũ trang. Ông này có nhiệm vụ giám sát sự chuyển giao dân chủ của đất nước sau 3 thập niên cầm quyền của Hosni Mubarak. 

Khi màn đêm buông xuống ở Cairo, thêm hàng nghìn người nữa kéo về Quảng trường Tahrir biểu tượng - trung tâm của làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng 2. 

Trước đó, người biểu tình đã lập các hàng rào lửa bên trong và xung quanh quảng trường, ném đá vào binh lính và cảnh sát chống bạo loạn. Lực lượng an ninh đáp trả bằng dùi cui, hơi cay và đạn ghém... Các bác sĩ cho biết họ thấy nhiều người bị thương vì hơi cay và đạn cao su. 

Các nhà chức trách xác nhận hôm 21/11 rằng hơn 20 người thiệt mạng và khoảng 1.800 người bị thương trong 3 ngày qua.  

Trong khi đó, biểu tình còn nổ ra ở nhiều thành phố khác của Ai Cập, trong đó có Alexandria, nơi cảnh sát được tin là phải xả hơi cay để bảo vệ các văn phòng của cơ quan an ninh.

Bạo lực và căng thẳng leo thang ở Ai Cập đã khiến Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế. "Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực", phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói. 

Trong vài tuần trở lại đây, những người biểu tình - phần lớn là người Hồi giáo và các nhà hoạt động trẻ tuổi - đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống lại một dự thảo hiến pháp mà họ nói là sẽ cho phép quân đội tiếp tục nắm giữ quá nhiều quyền lực sau khi một chính phủ dân sự mới được bầu chọn ở Ai Cập

Thanh Hảo (Theo BBC)