Để biết những gì nằm trong danh sách mong ước của châu Âu năm 2012 nếu họ muốn đồng tiền chung của khối trụ được qua năm này, báo CNN đã tham khảo ý kiến của một nhà kinh tế hàng đầu thế giới.

TIN BÀI KHÁC:

Một thời hạn vào tháng 3/2012 mà Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đặt ra cho một EU đổi mới dường như là quá tham vọng.

Là một nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Barclays Capital, Julian Callow đã đưa ra kế hoạch của mình nhưng kế hoạch đó chỉ có thể hiệu quả nếu châu Âu sẵn sàng ủng hộ các mục tiêu chính trị thống nhất. 

"Chúng ta đang nói về một nhóm nước sử dụng đồng tiền chung này, nhưng những gì thị trường thực sự muốn là chứng kiến một kế hoạch rõ ràng, dứt khoát nhằm chuyển tới một liên minh chính trị cho khu vực đồng Euro", ông Callow nói với CNN.

Danh sách năm 2012 của nhà kinh tế này bao gồm cam kết nghiêm túc từ các chính phủ nhằm cân đối ngân sách của họ, một đồng Euro yếu và một Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiên phong hơn nữa. 

Tuy nhiên, trong khi các yếu tố này có thể phát tín hiệu tới các thị trường rằng châu Âu thực sự nghiêm túc về liên minh chính trị, chúng có thể vẫn là sự hồ nghi rằng các nền kinh tế và các ưu tiên khác nhau của lục địa này có thể kết hợp lại như một Hợp Chủng quốc châu Âu. 

Dĩ nhiên, một thời hạn vào tháng 3/2012 mà Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đặt ra cho một EU đổi mới dường như là quá tham vọng. 

Ông Callow đồng ý với nhận định này: "Hãy xem họ mất bao nhiêu năm để tạo ra Hiến pháp Mỹ", ông nói.

Một phần của vấn đề, tất nhiên, là mỗi một thành viên then chốt của Eurozone có danh sách ý muốn của riêng mình. 

Đức muốn một liên minh khắc khổ với vay mượn chính phủ ở mức tối thiểu, mọi người chơi theo luật và các lệnh trừng phạt nặng nề đối với những ai vi phạm. Còn Pháp lại muốn một hệ thống mà mỗi nước riêng rẽ có quyền kiểm soát mọi thứ ở một mức độ quốc gia.

Tây Ban Nha và Italy sẽ có những vấn đề khác biệt, và các nước nhỏ hơn thì muốn đảm bảo rằng họ được đại diện tại mức châu lục ở nhiều quy mô khác nhau. 

Cộng thêm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012 vào thì bức tranh tổng thể thậm chí còn phức tạp hơn. 

Giữa bối cảnh đó, ECB phải làm sao để giữ cho các thị trường tốt đẹp - một nhiệm vụ mà ông Callow cho rằng định chế tài chính này phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện.

Thêm nữa, Italia nói riêng phải tận dụng IMF để loại bỏ những nghi ngờ về năng lực tài chính của họ, ông Callow nói và cho biết thêm: "Nếu có một giới hạn tín dụng mang tính đề phòng, điều này sẽ mang lại cho các thị trường nhiều tin tưởng hơn vào nợ của Italia".

Điều đó dẫn đến mong muốn quan trọng nhất của Callow cho năm 2012: Ổn định Italy. 

"Nếu bạn có thể giải quyết bài toán Italy, nếu bạn có thể xóa bỏ nỗi lo mà các thị trường đang trải qua, tôi tin rằng mọi lo ngại sẽ thực sự tiêu tan", ông nói.

Tập trung vào Italia dường như là điều không thể tránh khỏi, vì các thị trường đã phải chấp nhận những thiệt hại về Hy Lạp và giờ đang dịch chuyển chú ý sang các nước khác với các vấn đề nợ chồng chất, cụ thể là Italy, Bồ Đào Nha, Ai Len và Tây Ban Nha. 

"Các thị trường đang thể hiện rằng họ không tin tưởng 100% rằng một vài trong số các nước này đủ khả năng thanh toán về tài chính và đó là lý do phần lớn nhiệm vụ của các chính phủ và giới hoạch định chính sách là phải trấn an thị trường", ông Callow nói.

Italy - theo ông Callow - có thể làm điều này bằng cách đưa ra một cam kết chắc chắn về một kế hoạch khắc khổ mới. Trong khi đó, Tây Ban Nha có cơ hội để cắt giảm thâm hụt ngân sách và áp dụng các kế hoạch nhằm củng cố ngành ngân hàng của nước này. 

Bồ Đào Nha và Ai Len thì đủ nhỏ để được các chương trình của IMF và cho vay châu Âu bao phủ.

Nói tóm lại, trong năm 2012 và hơn nữa, khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ cần một bộ luật tốt hơn để khiến toàn bộ hệ thống hoạt động. Hiện nay, trọng tâm là sự khắc khổ về tài chính và khôi phục lòng tin về khả năng thanh toán trong con mắt các nhà đầu tư. 

Thách thức lớn hơn là các chính phủ phải chứng tỏ họ cực kỳ nghiêm túc trong mục tiêu đạt được các ngân sách cân bằng và thực thi các chính sách khắt khe để thúc đẩy tăng trưởng. 

Chỉ khi đó các thị trường mới sẵn sàng tin rằng mong ước dài hạn của châu Âu về một liên minh chính trị sẽ trở thành hiện thực vào một ngày nào đó. 

Thanh Hảo
(Theo CNN)