Sáng nay (3/4), hơn 20 lính đặc công nước cùng lồng, lưới bắt rùa đã được tập kết tại Hồ Gươm, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt vây bắt cụ rùa lần 2.

TIN BÀI KHÁC


Theo TTXVN, ông Nguyễn Ngọc Khôi, người phụ trách đội lai dẫn rùa Hồ Gươm cho biết, việc bắt rùa có thể sẽ diễn ra trong nhiều ngày vì cần phải xác định vị trí chính xác của cụ rùa.

Để chuẩn bị cho đợt vây bắt lần này, vào sáng qua (2/4), 20 chiến sĩ đặc công nước cùng các đơn vị trong Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm đã có buổi diễn tập lai dắt cụ rùa về nơi chữa trị tại hồ Đầm Bông (Thanh Xuân, Hà Nội) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Lê Xuân Rao.

Cận cảnh buổi diễn tập vây bắt cụ rùa trên hồ Đầm Bông sáng 2/4 (Ảnh: VTC News)

Dự kiến, sau khi lai dắt cụ rùa lên khu chữa trị thành công, công tác điều dưỡng có thể phải kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn nữa. Ngoài “giường bệnh” là chiếc bể thông minh có đường kính 5m được hạ thủy từ sáng 4/3, cụ rùa sẽ có thêm “khu điều dưỡng” lớn gấp nhiều lần được đặt cạnh đó.

Trước đó, hôm 8/3, đội vây bắt rùa hồ Gươm đã thất bại khi để “cụ” làm rách lưới và thoát ra ngoài ở những giây cuối cùng. Theo nhận định nguyên nhân bắt trượt cụ là do lưới kém chất lượng. Ngay sau đó, Tập đoàn Thương mại Hà Nội – KAT đã đảm trách việc sản xuất lưới mới. Theo tiết lộ lưới này được sản xuất với nguyên liệu nhập từ Nhật Bản gồm 2 lớp có chiều dài 200m, cao 5m và túi lưới dài 25m.

Tuy nhiên, trong đợt diễn tập vây bắt cụ rùa tại hồ Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) hôm 15/3 với sự phối hợp của Tiểu đoàn đặc công nước M8, chiếc lưới này lại tiếp tục bị rách. Ngoài ra, các chiến sỹ đặc công nước cũng cho biết chiếc lưới này quá nặng, do đó ngay cả khi đã bắt được cụ rùa thì cũng sẽ rất khó khăn để kéo lưới vào.

Thiên Thư (tổng hợp)