Thay vì đề xuất ly hôn khi có mâu thuẫn, gần đây, một số bà vợ đã chọn cách đốt, giết chồng khiến dư luận thật sự choáng váng. Sự đứt gãy, lệch chuẩn trong việc theo đuổi các giá trị đạo đức, tinh thần trong xã hội hiện đại chính là sát thủ giấu mặt đằng sau những bà vợ "máu lạnh.


Đốt chồng cho bõ tức

Khoảng 1 giờ 15 sáng 19/1/2011, khi đang ngủ ở nhà (số 39, khu phố Bình Cư 1, phường 6, TP Tân An, Long An), nhà báo Hoàng Hùng (Lê Hoàng Hùng, phóng viên báo Người Lao Động) đã bị kẻ lạ bất ngờ xông vào phòng ngủ phóng hỏa đốt anh bỏng nặng. Anh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12 giờ 40 phút ngày 29/1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau 11 ngày điều trị tại đây dù được các bác sĩ tận tâm cứu chữa.

Hơn một tháng sau ngày nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, tối 20/2/2011 bà Trần Thúy Liễu, vợ của nhà báo Hoàng Hùng được người nhà đưa đến cơ quan công an tỉnh Long An tự thú.


Bà Trần Thị Thúy Liễu.

Những lời khai nhận của Trần Thúy Liễu tại cơ quan điều tra cho thấy động cơ khiến Trần Thúy Liễu đốt chồng là vì nhà báo Hoàng Hùng cũng nghi ngờ bà Liễu có “mối quan hệ bất chính” bên ngoài nên anh tỏ ra không vừa lòng. Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn là tối ngày 18/1, nhà báo Hoàng Hùng đã to tiếng và mắng bà Liễu.

Quá uất ức vì bị chồng mắng nên tối ngày 18/1, Liễu đã có ý định đốt chồng cho hả giận. Rạng sáng ngày 19/1, Liễu đổ xăng lên người anh Hoàng Hùng đang ngủ trên tấm nệm và châm lửa đốt.

Gần 3 tháng sau ngày nhà báo Hoàng Hùng bị vợ đốt gây bỏng nặng và tử vong sau đó, ngày 25/3, một bà Liễu khác cũng đã dùng 4 chai xăng đốt chết người chồng tên Hùng của mình.

Tại cơ quan điều tra, Cao Thị Liễu (32 tuổi, trú ở xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn) khẳng định đã một mình thiêu, chôn chồng là anh Nguyễn Thế Hùng ở gần nhà và nghĩ không cần phải báo ai vì nghĩ đó là “việc bình thường thôi! Giờ nghĩ lại mới thấy việc làm của mình là sai trái và ân hận nên tôi phải ra đầu thú trước pháp luật”.

Một vụ án vợ giết chồng khác cũng “máu lạnh” không kém hai vụ án trên là việc Nguyễn Thị Đát (SN1971), trú xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình dùng sợi dây cước siết cổ chồng đến chết. Lý do chỉ vì chồng Đát hay uống rượu và hôm giết chồng Đát nghi chồng xúc trộm gạo đi đổi rượu.

Hành vi dã man cần phải loại bỏ

Rõ ràng, ở góc độ pháp luật, hung thủ trong những vụ đốt, giết chồng nói trên đã phạm tội “giết người” theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng cũng sẽ bị trừng trị thích đáng trước pháp luật. Tuy nhiên, vì sao lại có chuyện xảy ra một cách khá nhiều những vụ đốt, giết chồng - những người tay ấp, má kề - như trên?

Phân tích ở khía cạnh luật pháp, có thể những hành động giết người của các hung thủ ở trên là do bột phát và không có chủ ý từ trước. Nhưng, hành vi lại thuộc hành vi dã man.

Bởi, người bị giết chết là những ông chồng, một nửa thân yêu, người gần gũi nhất nên ít phòng ngừa nhất.

Còn theo phân tích của các chuyên gia tâm lý gia đình, hành vi giết chồng của các bà vợ là không thể tha thứ được, bởi quan niệm truyền thống của phương Đông, người vợ là người giữ lửa trong gia đình. Người vợ chỉ luôn hiện thân cho sự nhân từ, hiền hậu, đảm đang, chịu thương, chịu khó chứ không phải là những hung thủ máu lạnh như trên.

Nhà tâm lý gia đình Trịnh Trung Hòa cho rằng, lẽ ra khi hôn nhân quá bất hạnh, người ta có thể tìm đến giải pháp ly hôn để thoát ra khỏi mối quan hệ một cách hợp pháp. Còn việc giết người một cách dã man như vậy tất yếu dẫn đến phạm tội rất nghiêm trọng, có thể phải tù tội suốt đời.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thì cho rằng, nguyên nhân sâu xa do động cơ sống.

"Khi con người quay cuồng, đảo điên với hàng loạt các vấn đề về sự hưởng thụ, ích kỷ, họ có thể trở nên toan tính, lạnh lùng hơn và dễ tạo nên những tội ác".

Sau những sự kiện vợ chồng giết nhau cho thấy, mái ấm gia đình, thiết chế gia đình đang bị phá vỡ bởi những thành viên chủ chốt trong lòng nó khi người ta không có được tính hướng thiện, những hành xử lành mạnh.

Đó là sự suy giảm đạo đức, chà đạp lên luân thường đạo lý. Đây không chỉ là sự đứt gãy, lệch chuẩn trong việc theo đuổi các giá trị của đời sống khi người ta kiếm tìm những giá trị khác cơ học hơn, kém nhân văn và trở nên “máu lạnh”.

Ông Bình cho rằng, những gia đình ở Việt Nam vốn dĩ bình lặng, người ta khiêm nhường, ẩn nhẫn và chịu đựng. Con người Việt từng chịu ảnh hưởng sâu sắc đạo lý của Nho giáo. Do vậy, nhiều người dân Việt Nam đã thờ chữ nhẫn, nhẫn nại để tìm cách sống trên cơ sở sự thỏa hiệp nhất định.

Khi họ đã chối bỏ chữ đó để đi đến một văn hóa khác, cơ học và có toan tính, lạnh lùng hơn thì tính nhân văn có phần suy giảm.

Chính vì vậy đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức gia đình.

Đúng là trước hàng loạt những sự việc kiểu chồng vợ giết nhau, con cháu giết bố mẹ, ông bà… vấn đề đạo đức gia đình cần được xem xét lại. Có điều, nếu mỗi người không tự giới hạn được hành vi của mình, đặc biệt là những bà vợ, thì dư luận khó lòng tha thứ cho những phút “thú tính” này…

(Theo VnMedia)