Họ từng là những người vợ thảo hiền, yêu thương chồng con hết mực nhưng khi mâu thuẫn, xung đột gia đình nổi lên, thay vì tìm cách điều hòa họ lại chọn giải pháp “giải thoát” cho người từng đầu gối tay ấp.

TIN BÀI KHÁC


Đốt chồng vì uất ức

Vụ việc nhà báo Hoàng Hùng (PV báo Người lao động, trú tại ấp Bình Cư, phường 6, TP.Tân An, Long An) bị đốt đã khiến dư luận xôn xao, bàng hoàng trong suốt một thời gian dài. Người ta xót thương cho cuộc sống gia đình không trọn vẹn của anh bao nhiêu thì căm hận người đã ra tay với anh bấy nhiêu.

Theo đánh giá của bạn bè và những người quen biết, nhà báo Lê Hoàng Hùng là một người đàn ông ít nói, chỉn chu và yêu thương vợ con hết mực. Nhiều hôm dù đi viết bài ở xa, đêm đã muộn anh vẫn gắng về với con. Ngay cả khi gia đình không có đủ tiền để cất nhà, chiều theo ý vợ, anh vẫn chạy vạy khắp nơi để gắng xây một cơ ngơi bề thế. Khi vợ không có việc làm, anh sẵn sàng mua xe để vợ chạy chợ… Chừng ấy đủ thấy anh là người sống có trách nhiệm và biết vun vén cho gia đình.

Duy chỉ có vụ việc vào tối 18/1, sau khi nghi ngờ vợ mình có “mối quan hệ bất chính” với người đàn ông khác, anh Hùng đã nổi nóng và tỏ ra không vừa lòng. Đỉnh điểm của mâu thuẫn, anh Hùng đã to tiếng và mắng bà Liễu.

Mãi sau này khi tự thú trước cơ quan công an, bà Trần Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng) mới khai nhận vì quá uất ức khi thấy chồng chửi mắng nên trong lúc tức giận đã mua xăng về đốt chồng cho hả giận.


Bà Trần Thúy Liễu cùng 2 con gái trong đám tang chồng - nhà báo Hoàng Hùng (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)

Cách đó 19 năm, cũng tại ấp Bình Cư đã từng xảy ra một vụ vợ đốt chồng tương tự. Điều đáng nói giữa hai vụ việc này có sự trùng hợp đến lạ lùng.

Theo nguồn tin của báo Phunutoday, nạn nhân trong vụ đốt chồng xảy ra năm 1992 cũng là một nhà báo, từng công tác tại báo Long An, hung thủ cũng là một người vợ vô công rồi nghề, thích đua đòi. Vụ việc cũng xảy ra vào đúng 1h đêm và nguyên nhân đốt chồng cũng bởi mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm.

Có chăng, điểm khác biệt lớn nhất trong vụ việc này là anh N. đã hồi phục sức khỏe và có cơ hội đối chất người đã từng định thiêu sống mình và chị vợ đã vội vã chạy đi kêu cứu thay vì im lặng thông báo chồng tự sát.

Vẫn biết giết người phải đền tội, nhưng khi ấm ức, bực tức dâng đến cao trào, một số bà vợ đã không thể kiểm soát được hành động của mình.


Cao Thị Liễu tẩm xăng thiêu sống chồng rồi lặng lẽ phi tang (Ảnh: 24h)

Gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn, Nghệ An. Một bà Liễu khác (Cao Thị Liễu) đã nhẫn tâm kéo người chồng bất tỉnh (Nguyễn Thế Hùng) ra chuồng heo tẩm xăng thiêu sống. Lý do mà thị đưa ra thật đơn giản, vì mâu thuẫn vợ chồng, thấy chồng liên tục say rượu và cảm thấy ức chế nên đã xuống tay “giải thoát”.

Bình thản, nhẫn tâm đến lạ lùng

Khi mâu thuẫn được đẩy đến cao trào, thay vì lựa chọn ly hôn để giải thoát cho nhau thì những người vợ này đã lựa chọn giải pháp “loại bỏ vĩnh viễn”. Xét trên khía cạnh lý trí, hành vi giết người dã man vì bực tức, uất hận phần nào có thể hiểu được nhưng không thể tha thứ được, nhất là khi đó lại là người đã từng đầu gối tay ấp với mình.

Đáng nói hơn, sau khi gây án, những bà vợ này vẫn tỉnh bơ nói chồng tự sát hoặc mất tích nhằm che dấu tội ác của mình.

Bà Trần Thúy Liễu đã từng khiến cơ quan CSĐT, công an tỉnh Long An đau đầu hơn một tháng ròng khi liên tiếp đưa ra nhiều bằng chứng ngoại phạm. Trong một lần trả lời phỏng vấn cơ quan báo chí, bà Liễu từng “buột miệng” nói rằng có thể anh Hùng tự sát vì buồn chuyện gia đình.

Có lẽ nếu không có áp lực từ nhiều luồng dư luận, từ sự hối thúc của người thân, bà Thúy Liễu đã không có ý định đầu thú. Cuối cùng những giọt nước mắt ân hận muộn mằn cũng rơi, bà Liễu thừa nhận mình đã đốt chồng bằng 20.000 đồng tiền xăng.

Vụ việc sẽ không có gì đáng để dư luận phẫn nộ đến tột độ nếu như bà Liễu không khai nhận rằng sau khi thấy chồng bị lửa bén, bà lặng lẽ quay về phòng ngủ cùng con hai con. Ngay cả khi thấy chồng bỏng nặng, lần nữa bà mới đưa chồng đi cấp cứu. Không ai nghĩ người vợ vốn chân yếu tay mềm lại nhẫn tâm đến thế, một người mẹ lạnh lùng giết bố của con mình.

Hiện công an vẫn đang điều tra mở rộng xem có hay không đối tượng đồng phạm với bà Liễu trong vụ việc này.


Chuồng heo, nơi bà Cao Thị Liễu đổ xăng đốt chồng (Ảnh: Công an Nghệ An)

Cũng với ý muốn che đậy hành vi giết người, bà Cao Thị Liễu thông báo với người thân là anh Nguyễn Thế Hùng rằng anh bị mất tích.

Tối 25/2, sau khi đi nhậu về, anh Hùng ra giếng múc nước thì bị ngã, đập đầu vào thành giếng, bất tỉnh. Bức xúc vì mỗi lần say xỉn, anh Hùng đều đánh đập, chửi bới vợ con, uất ức dồn nén nên Cao Thị Liễu đi mua 4 lít xăng, kéo chồng (vẫn còn sống) ra chuồng heo, chất quần áo lên đốt để phi tang.

Đêm 26/2, Thị Liễu đem xác chồng đến hố đất cách nhà 80m và vùi đất rồi ung dung đến cơ quan công an trình báo chồng mình bị mất tích khi xuống thị xã chữa tay.

Với lời khai này, công an địa phương cùng người thân anh Hùng đã ráo riết đi tìm kiếm khắp nơi hơn nửa tháng ròng. Trong khoảng thời gian đó, Thị Liễu vẫn sốt sắng thăm dò tin tức chồng như không có chuyện gì xảy ra. Đến sáng 11/4, trong khi mọi người vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thì Cao Thị Liễu bất chợt đến cơ quan công an thú nhận hành vi giết người của mình.

Dưới góc độ tâm lý, các nhà phân tích cho rằng sở dĩ có những vụ việc đau lòng trên là do tính ích kỷ, sự xuống cấp của các giá trị đạo đức, tinh thần trong gia đình. Các bà vợ vốn ngoan hiền đã chà đạp lên luân thường đạo lý, chạy theo những giá trị kém nhân văn và trở thành “sát thủ máu lạnh”.

Minh Anh
(tổng hợp)