- Nhiều phụ nữ đã nghĩ đến cái kết cho cuộc hôn nhân của mình vì họ quá sợ hãi, áp lực bởi một cuộc sống thiếu thốn đủ đường vì lấy phải chồng nghèo.

TIN BÀI KHÁC


Cám cảnh lương chồng “ba cọc ba đồng”

Chị Ngân (Mỹ Đình, Hà Nội) năm nay 30 tuổi, đang làm việc cho một công ty nước ngoài lương cũng ngót nghét 10 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm cho công ty cơ khí của nhà nước với mức thu nhập thấp chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng.

Hai anh chị là dân tỉnh lẻ lên thành phố ăn học rồi ở lại lập nghiệp nên họ đều xuất phát điểm từ “hai bàn tay trắng bốn bàn tay không”. Bởi vậy, sau khi cưới, tiền thuê nhà, điện, nước…cũng chỉ trông chờ vào mấy đồng lương của hai vợ chồng.

Chị bảo: “Riêng phòng trọ cũng đã 2.5 triệu một tháng rồi bao nhiêu khoản phát sinh nữa. Chỉ có hai vợ chồng thì chi tiêu thế nào cũng đủ nhưng nếu có thêm con cái nữa không biết tính sao đây. Chồng mình cứ bàn là nên “kế hoạch” thêm một thời gian nhưng chuyện con cái chần chừ mãi sao được, mình cũng có tuổi rồi”.

Nhiều phụ nữ ở các thành phố lớn e ngại cảnh lấy chồng nghèo (Nguồn: giadinhnho.com)

Chị là phụ nữ mà phải gồng gánh quá nhiều, bao nhiêu khoản chi tiêu trong nhà cũng một mình chị lo, đâm dần tôi bị stress và cáu gắt với chồng. Cưới nhau đã lâu mà hai vợ chồng cũng chẳng tích góp được bao nhiêu, tiền làm tháng nào là tiêu tháng đấy, nhìn về tương lai chị Ngân đâm ra lo ngại.

Nhiều lúc túng quẫn chị lại ân hận giá như ngày xưa đừng chọn chồng nghèo…

Phận lấy chồng “tay trắng”

Cầm trên tay đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, lại lúc giá cả đua nhau leo thang chị Nga (Tạm trú Mễ trì, Từ Liêm, Hà Nội) càng buồn lòng. Mỗi ngày lại phải lo bữa ăn, các khoản chi tiêu sinh hoạt, học hành cho con cái khiến chị càng mệt mỏi, căng thẳng.

Vợ chồng chị bằng tuổi nhau, cùng ra trường và lập nghiệp ở Hà Nội với tài sản không có gì ngoài tiền mừng cưới của họ hàng hai bên. Bố mẹ hai bên ở quê cũng không khá giả gì nên không thể giúp đỡ thêm cho vợ chồng chị. Mọi người vẫn bảo yêu người bằng tuổi thì khổ vì cùng xuất phát điểm như nhau, người con trai sẽ không đủ khả năng bao bọc cho người con gái cả về vật chất lẫn tinh thần.

Gia đình đã khuyên chị như vậy từ thời hai người vừa “có ý” với nhau nhưng vì tình yêu chị bỏ qua tất cả. Lúc tình yêu còn đẹp, chị cứ đinh ninh chỉ cần hai người thật lòng với nhau, bảo ban nhau làm ăn và tích lũy, cuộc sống cũng sẽ chẳng đến nỗi nào. Nhưng khi về làm vợ chị mới thấm thía những lời khuyên ấy. Chồng chị đi làm cho công ty nhà nước, lương lại thấp, có bao nhiêu là tiêu hết bấy nhiêu.

Hạnh phúc bắt đầu bằng chữ tiền liệu có bền vững (Nguồn: chaobuoisang.net)

Thời gian đầu, khi hai vợ chồng còn son rỗi, nên họ vẫn đảm bảo được chuyện tiền nong. Nhưng đến khi có con, nảy sinh bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Hàng tháng phải đối mặt với các khoản thu chi mới phát sinh, chị mới thở dài ngao ngán. Tình trạng ấy kéo dài khiến chị ức chế, mệt mỏi nên thường hay cáu gắt, bực bội mỗi lần chồng đi làm việc về.

Chồng Nga cũng rất thương vợ nhưng anh đi làm ở công ty cả ngày rất mệt mỏi cũng không thể kiếm việc làm thêm. Bù lại anh cũng đã cố gắng hạn chế rất nhiều những khoản chi tiêu bù khú, nhậu nhẹt bạn bè để cuộc sống vợ chồng bớt khó khăn nhưng thực sự họ vẫn cảm thấy stress và áp lực. Thoáng nghĩ đến cảnh phải thuê nhà hàng chục năm nữa rồi phải sống chắt bóp, tằn tiện, vay mượn mà chị ngao ngán.

Thà làm vợ ba, không lấy chồng nghèo


Một entry của một nữ sinh viên đại học nhan đề “Thà làm vợ ba, không lấy chồng nghèo” đăng trên Diễn đàn của mạng “Sina.com” chỉ sau 3 ngày đã thu hút trên 70 vạn lượt người đọc cũng nói về chủ đề lấy chồng nghèo, chồng giàu. Cô sinh viên giấu tên thật lấy nick là “Tôi con nhà nông” đã post bài này lên diễn đàn , sau đó nó được nhiều báo điện tử đăng lại đã gây nên “cơn bão mạng”.

Bài viết sau khi được đăng tải đã gây nên tranh luận sôi nổi. Tuy cũng có ý kiến phản đối, nhưng đại đa số đều đồng tình ủng hộ, bày tỏ cảm thông và mong cô gái trẻ này thoát khỏi đáy hình sin tuyệt vọng.

Về vấn đề này nhiều người lại có quan điểm ngược lại. Chị Lê Hồng (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Trên đời này còn biết bao nhiêu người nghèo. Quan trọng là có ý chí và quyết tâm vươn lên để thoát nghèo hay không. Vợ chồng tôi cũng trong hoàn cảnh là dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp, nhưng chăm chỉ làm ăn và tích góp đến nay mười năm trôi qua gia đình tôi vẫn đầm ấm và rất hạnh phúc”.

Một số độc giả khác lại cho rằng, người chồng sẽ rất buồn khi biết vợ có ý định ly hôn chỉ vì nghèo. Và sau này cũng không có người đàn ông nào dám yêu những người vợ như thế, khi họ biết những phụ nữ này là người không có ý chí đồng cam cộng khổ để cùng chồng xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Cuộc sống giàu sang và hạnh phúc là từ chính từ đôi bàn tay mồ hôi và nước mắt của ta xây dựng nên, chứ nó không từ trên trời rơi xuống và đừng nên hi vọng lấy được chồng giàu là sẽ đổi đời.

Ngọc Lê (tổng hợp)