Các nhà khoa học đã tiến hành xử lý xác ướp mộ cổ Cầu Xéo (ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) và phát hiện thi thể trong ngôi mộ là phụ nữ.

TIN BÀI KHÁC


Ngày 20/9, tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, các nhà khảo cổ học và các bác sĩ của Trường ĐH Y dược TP.HCM đã tiến hành xử lý xác ướp mộ cổ Cầu Xéo. Các nhà khoa học trực tiếp xử lý và nghiên cứu xác ướp trong quan tài cho biết, người chết được tẩm liệm rất cầu kỳ, với táng thức đại liệm và tiểu liệm, thi thể được tẩm liệm với áo gấm dài phủ đến gót chân; chân mang hài đính chỉ màu vàng, hai chân để trên gối da hình vuông có cạnh 43cm; bên trên phủ vải lụa và nhiều lớp giấy; bên trên ở phần chân có rất nhiều hạt thực vật và được trải một lớp lá sen bên trên cùng với toàn bộ quan tài, thông tin trên báo Đồng Nai Online.

Di cốt mộ cổ Cầu Xéo (Ảnh: Đồng Nai Online)


Theo báo này, thi thể trong ngôi mộ là phụ nữ, toàn bộ phần xương cốt được bảo tồn khá nguyên vẹn. Các thông số ban đầu cho thấy, người phụ nữ nằm trong quan tài khá cao to, chiều cao trên 1,6m; tóc dài, màu đen; răng nhuộm đen và từ trần ở độ tuổi khoảng 50-55.

Từ các họa tiết hoa văn dây, lá và hoa cúc trên tấm vải phủ quan tài, câu đối còn lại ở bình phong hậu với 4 chữ Hán “Phu nhân chi mộ”, các loại gấm và lụa được dùng tẩm liệm và những hiện vật đi kèm cùng di cốt bên trong, các nhà khảo cổ học khẳng định người trong quan tài là một mệnh phụ phu nhân có gắn bó mật thiết với triều Nguyễn và đóng góp nhiều công sức vào quá trình khai phá và xây dựng vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Hiện toàn bộ xương cốt đã được đưa về Trường ĐH Y dược TP.HCM để xử lý và tiếp tục nghiên cứu.

Trước đó, như báo VietNamNet đã đưa tin, vào ngày 16/9 vừa qua, xác ướp với niên đại trên 200 năm này đã được phát hiện trong cuộc khai quật mộ cổ Cầu Xéo. Phía trong quan tài, khối xác ướp này được bao bọc bằng vải và phía trên cùng được phủ lá sen. Đoàn khai quật đã đưa quan tài trong đó có xác ướp trên về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.

Khai quật mộ xác ướp thời Hậu Lê tại khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản, Nam Định) (Nguồn: Công an Nhân dân)

Vào ngày 1/4 vừa qua, trong khi thi công làm đường thuộc Dự án công nghiệp Bảo Minh, tại cánh đồng Đầu Đín, thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Nam Định), các công nhân cũng đã phát hiện ra 5 ngôi mộ, trong đó có 1 ngôi có cấu trúc đặc biệt. Đến ngày 15/9, Bảo tàng Nam Định phối hợp với PGS. TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam - chủ trì buổi khai quật ngôi mộ xác ướp nói trên. Ngày 17/9, công tác khai quật đã hoàn tất.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là ngôi mộ cổ có quách dài 94,5cm, rộng 27,3cm, cao 33,4cm làm bằng hợp chất mật, cát, vôi, than. Ngôi mộ này là loại hình mộ “hợp chất”, hay còn gọi là mộ “xác ướp” thời Hậu Lê, thế kỷ 17-18. Bên trong quan tài là một bộ xương người được phủ bên trên một lớp vải thô. Trên mặt xác ướp phủ một tấm giấy dó. Bộ xương còn khá nguyên vẹn, vẫn còn 32 chiếc răng và 8 sợi tóc dính trên xương hàm dưới và xương dưới sọ. Các nhà chuyên môn đánh giá, người nằm trong quan tài có thể là một người đàn ông khoảng 40 đến 45 tuổi.

Thu Hằng (Tổng hợp)