Một trong những vấn đề nan giải trước thềm V-League 2012 là bản quyền truyền hình. Việc VPF ra đời khiến hợp đồng đã kí kết trước đó giữa VFF và AVG phải xem xét lại…

TIN BÀI KHÁC:


Đầu mùa giải 2011, VFF công bố bản quyền có giá trị tài chính và thời gian thực hiện ở mức kỉ lục. Bỏ qua vấn đề tiền bạc, nhiều người cảm thấy thắc mắc khi thời hạn hợp đồng được kí kết lên tới 20 năm. Việc để một hãng truyền thông nắm giữ độc quyền truyền hình V-League trong thời gian dài như vậy bị coi là bất cập, thậm chí là “có vấn đề”.

Thế nên, VPF ra đời và “quyền lực” trong làng bóng đá được trao nhiều hơn cho các CLB thì bản quyền truyền hình ngay lập tức bị đưa lên hàng đầu trong danh mục các vấn đề cần phải thay đổi của cả làng bóng. Các CLB không chấp nhận việc họ “sản xuất” ra dịch vụ bóng đá nhưng khi không được nắm phần nhiều trong nguồn lợi nhuận thu được từ bản quyền truyền hình mà “miếng bánh” ấy lại rơi vào tay VFF – những người vốn bị nhận định là chỉ “ngồi không”.


Cuộc chiến truyền hình ở V-League vẫn chưa có hồi kết


Nhưng muốn thay đổi không phải là dễ, đặc biệt là trong một bản hợp đồng kinh tế đã kí kết và được pháp luật bảo hộ. AVG có cái lí của họ để giữ nguyên cam kết đang có với VFF, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ VPF. Thế nên mới có chuyện, AVG và VTV tranh chấp nhau bản quyền trận Siêu cúp 2011 trên sân Vinh khiến BTC trận đấu tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng lại phải để cả hai hãng ghi hình song song. Tình trạng tương tự chắc chắn không được để xảy ra ở V-League 2012. VPF đang cố gắng để AVG từ bỏ ý định giữ độc quyền truyền hình.

Rõ ràng, để AVG độc quyền vào thời điểm này là chưa hợp lí khi họ chưa có hệ thống truyền hình đủ mức độ phổ cập. Trong trường hợp cuộc chiến truyền hình bị đẩy lên cao trào và “khoảng cách” giữa AVG với các nhà đài như VTV, VTC… lớn thêm thì rất có thể, khán giả sẽ là nạn nhân khi không được theo dõi trực tiếp các trận đấu V-League qua truyền hình. Điều này không phải là không thể xảy ra vì VTV, VTC… hoàn toàn có thể “quay lưng” không chịu tiếp sóng AVG để bày tỏ sự phản đối của mình.

V-League vốn đã chịu cảnh đìu hiu trên các khán đài và bây giờ nếu không còn xuất hiện trên truyền hình nữa thì sẽ trở thành một “ốc đảo” và càng không nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ cả nước.

Thiết nghĩ, tất cả các bên liên quan cần gạt bỏ lợi ích riêng của mình để mang đến điều tốt đẹp thật sự cho V-League – giải đấu đang rất cần được phổ cập rộng rãi để không “ra rìa” trong tâm trí người hâm mộ.

MAI HƯƠNG