"Chỉ cần đặt viên đá vào vết cắn có nọc độc, lập tức viên đá sẽ bị hút vào cho tới khi hút hết nọc độc trong người nạn nhân rồi nó sẽ tự rơi xuống" - "thần y" Vũ Văn Khản chậm rãi nói về phương thuốc chữa rắn bí truyền của gia đình mình.

TIN BÀI KHÁC


Viên đá thần kỳ
Tìm về Thái Bình, từ trên huyện, cho đến xã, rồi cả thôn không ai còn xa lạ với cái biệt danh "thần y" Vũ Văn Khản ở thôn Dương Cốc, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình nữa.
Không khoa trương, không nói quá, không thuốc men... chỉ vẻn vẹn bằng một viên đá - ông đã nói về "nghiệp "chữa rắn của mình như một nhiệm vụ, một trách nhiệm của một con người có tâm được ông bà, tổ tiên tin tưởng lưu truyền lại. Không màng tiền nong, công sá, không bó tay trước bất kỳ một ca bệnh nặng nào, chính vì vậy mà người ta đã gọi ông là "thần y" quả thật không sai chút nào.

Ông Khản cầm viên đá "thần kỳ". Ảnh: giadinh.net
Theo lời ông kể, viên đá đó gia đình ông đã có từ những năm 1954, do hai chiến sỹ cách mạng tặng. Suốt từ đó, gia đình ông đã gìn giữ và dùng nó làm bài thuốc chữa rắn cắn cho không biết bao nhiêu người ở khắp mọi nơi tìm đến.
Nói về cách chữa rắn cắn của mình, ông Khản cho biết nó đơn giản lắm, "tôi chỉ dùng viên đá này, không thuốc men gì cả", ông nói. Khi chữa cho nạn nhân, ông chỉ dùng viên đá đặt vào vết thương. Nếu vết thương có độc, lập tức nó sẽ tự hút viên đá vào, khi đó tất cả nọc độc trong vết thương sẽ được thu hết trong viên đá (thời gian để hút nọc khoảng hơn 1 tiếng) đến khi nào hút hết nọc độc viên đá sẽ tự rơi xuống.
Bằng kinh nghiệm bao nhiêu năm trong nghề, chỉ cần nhìn qua vết thương, ông đã có thể nhận ra ngay vết cắn có độc hay không, vết cắn của loại rắn nào... Nếu vết cắn có nhiều răng thì không đáng ngại lắm, nhưng nếu chỉ có 2 vết răng nanh thì chắc chắn là rắn rất độc. Bên cạnh đó, cũng cần phải theo dõi nhiệt độ của nạn nhân, nếu bị sốt, hoặc sốt cao thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng từ đó để có cách điều trị cho bệnh nhân được hiệu quả, ông cho biết thêm.
Tính đến nay, cũng đã gần 50 năm làm nghề này nhưng ông cho biết mình chưa phải bó tay trước bất kỳ một ca bệnh nào. "Chỉ cần khi bị cắn, mà vết thương chưa có sự can thiệp nào như: rạch, khoét... thì tôi chắc chắn mình sẽ chữa được", ông khẳng định. Ông cũng cho biết, tất cả những nạn nhân đã được ông cứu chữa sau khi về sức khỏe đều ổn định mà không ai phải dùng bất cứ loại thuốc men nào.

Trả tiền tỷ tôi cũng không bán...
Giờ là mùa rét nên người tìm đến ông để nhờ chữa trị không còn đông nữa, nhưng cứ vào dịp Tết xong (tức là khoảng tháng 2 trở đi) thì trung bình mỗi ngày nhà ông có đến 3-4 ca gõ cửa nhờ ông cứu giúp.
Nhưng theo ông, "đá cũng giống người. Người phải hút hết nọc độc thì mới khỏi, đá cũng vậy, nó hút vào thì cũng phải cho nó nhả ra thì nó mới chịu được chứ", câu nói dí dỏm nhưng quả không sai chút nào. Để giữ gìn và bảo quản được viên đá bí truyền này đó là cả một công đoạn phức tạp, mà cũng là điều khiến ông bận tâm nhất.
Để bảo quản được viên đá, thì sau mỗi ca cứu người bị nạn, ông phải đi xin được một ít sữa tươi (đó cũng là công việc ông thấy ngại nhất vì sữa tươi không phải là sữa bò, hay sữa dê mà nó là sữa người, sữa của các bà mẹ mới sinh) cho vào một chiếc cốc. Rồi sau đó thả viên đá vào đó, khi nào thấy nọc độc nổi lên màu đen hoặc màu vàng (tùy nọc của từng loại rắn) có mùi tanh, lúc đó sữa sẽ không còn màu lờ lờ nước gạo nữa mà trong vắt như nước, ông sẽ đem ngọc lau khô rồi cắt vào trong chiếc hộp, ông cho biết.
Tuy nhiên, dù biết việc bảo quản là rất phức tạp nhưng ông chưa bao giờ có ý định sẽ từ bỏ công việc cứu người này cho tới khi nào ông còn có thể.
Đã có người khi nghe tiếng chữa bệnh thần kỳ của viên đá mà tìm đến gia đình ông hỏi mua lại. Họ đã trả giá rất cao, thậm chí sẵn sàng chi cả số tiền lớn hơn gấp nhiều lần số tài sản mà cả cuộc đời làm "thần y" của ông  gom góp. Nhưng ông đã thẳng thắn từ chối, ông cho rằng đó là người không có đức nên mới nói như vậy. Ông cho biết, mình làm nghề này không vì trục lợi, không vì kiếm tiền, nên dù có trả ông cả tiền tỷ, hay nhiều hơn thế ông cũng không bao giờ bán.
Ở cái tuổi chẳng biết khi nào "đi hay ở", ông tâm sự chỉ muốn sau này, sẽ truyền phương thuốc bí truyền của gia đình cho một trong những người con của mình, để họ có thể tiếp nối thay gia đình làm những việc phúc, cứu người.
V.L