Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 15km, một số xã thuộc huyện Thường Tín vẫn tồn tại phong tục: Trong những ngày Tết, con gái đã có chồng không được ngủ qua đêm ở nhà mẹ đẻ.

TIN BÀI KHÁC:


Lấy chồng về Vân Tảo (Thường Tín) đã 10 năm nay, nhưng chị Nguyễn Thị Hòa (quê Tiên Lãng, Hải Phòng) chưa năm nào được về nhà mẹ đẻ dịp Tết. Tất cả vì cái lệ rất “khó hiểu” ở quê chồng.

Con gái là con người ta…

Tết đầu tiên về làm dâu, chị được mẹ chồng giải thích: Các cụ ở đây truyền lại việc cấm kỵ con dâu về ăn Tết nhà đẻ rồi ngủ qua đêm. Vì theo quan niệm của một số gia đình, điều này sẽ đem đến những điều không may mắn cho nhà đẻ và cả nhà chồng suốt năm ấy.

Còn vì sao lại đem lại điềm “gở” thì không ai biết và giải thích cho chị hiểu được. Có gặng hỏi thì mẹ chồng cũng chỉ thở dài: “Con gái là con người ta… các cụ kiêng thế bao đời nay buộc phải theo thôi, chẳng cô con dâu nào dám cưỡng lại, lỡ có chuyện gì xui xẻo xảy ra cho nhà chồng năm ấy thì lại mang tiếng”.

 
(Ảnh minh họa)

Thế là 10 năm nay, Tết nào vợ chồng chị Hòa cũng phải chật vật trăm bề vì mỗi chuyện làm sao về chúc Tết bố mẹ đẻ ở Hải Phòng trong vòng 1 ngày. Có năm vợ chồng chị phải bắt xe đi từ sáng sớm mùng 2, đến nơi ăn vội bữa cơm trưa rồi đi chúc Tết anh em họ hàng vội vã, 3 giờ chiều phải khăn gói quay về nhà cho kịp.

Có năm vì muộn quá không kịp đón xe về, hai vợ chồng phải tìm… nhà nghỉ ở thị trấn cách nhà đẻ 5km để ngủ lại, sáng mai quay trở về chúc Tết tiếp rồi chiều hôm sau bắt xe về.

Không riêng gì xã Vân Tảo, nhiều xã lân cận thuộc huyện Thường Tín như Văn Phú, Văn Tự… rất nhiều gia đình cũng kiêng kỵ điều này. Hỏi thì không ai giải thích được vì sao, chỉ biết là cái tục nó thế rồi, làm dâu thì phải tuân theo.…Và thế là, cái lệ ấy đã khiến cho không ít nàng dâu phải ngậm ngùi mỗi dịp Tết đến.

Tủi phận lấy chồng xa

Nguyễn Thị Dung, 26 tuổi, (quê Kiến Xương, Thái Bình) mới về làm dâu xã Vân Tảo được 2 tháng. Đây là cái Tết đầu tiên cô xa nhà, xa quê. Giáp Tết, cô hào hứng lên kế hoạch cùng chồng về quê ngoại ăn Tết 2 ngày, đưa chàng rể mới về chúc Tết ông bà tổ tiên và ra mắt họ hàng nội, ngoại.

Những năm đầu, họ hàng nhà ngoại không hiểu cũng quở trách vợ chồng chị nhiều lắm, nhưng dần dà biết cái “tục” của làng Vân Tảo, ai cũng chỉ lắc đầu thông cảm…

Chị Nguyễn Thị Hòa

Nhưng cô vừa nói xong, bố mẹ và anh chị chồng đã giội cho gáo nước lạnh bằng việc thông báo cái phong tục “nghe mà không thể hiểu nổi” ấy. Vẫn tưởng chỉ có người già cổ hủ không hiểu nên ngăn cản, Dung thủ thỉ khuyên chồng mọi lẽ, nhà cô ít người, Tết năm nay anh trai cô đang làm việc ở miền Nam không thể về ăn Tết được...

Ngược lại với mong mỏi của cô, chồng cô cho một câu xanh rờn: “Nếu lại bàn về chuyện này thì nên dừng lại, tục ở đây đã thế không làm khác được”. Sau mấy lần thuyết phục chồng không thành công, vợ chồng cô đã xảy ra “chiến tranh lạnh”, và thiện cảm của cô với gia đình chồng, quê chồng cũng không còn như xưa nữa.

Một số phụ nữ ở Vân Tảo cho biết: Người vợ nào cam chịu để phong tục ấy ràng buộc thì được tiếng ngoan ngoãn, ăn ở biết điều nhưng trong lòng luôn tủi thân, ấm ức và thấy thiệt thòi. Nhưng nếu người nào mạnh mẽ “vùng dậy đấu tranh” liền được coi là dâu không thảo, vợ chẳng hiền, có khi vợ chồng, mẹ con mâu thuẫn, xích mích nhau. Đáng chú ý là, nhiều gia đình, nhiều người dù có học hành cao, nhưng tư duy vẫn không thay đổi, thậm chí còn nặng nề, nghiêm khắc hơn.

Nói tới tục này, ông Đỗ Văn Hùng - Trưởng ban Văn hoá xã ngạc nhiên: “Tục này có lẽ chỉ tồn tại trong một số gia đình lớn còn mang nhiều nếp phong kiến. Đây quả thực là một hủ tục nên bỏ nếu có vì nó trái với thuần phong mĩ tục và cuộc vận động xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Xã sẽ có trách nhiệm tìm hiểu và làm rõ vấn đề này, nếu thực có gia đình còn giữ quan niệm đó thì sẽ sớm làm công tác tư tưởng để xoá bỏ”.

Theo Dân Việt