- Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú khiếu nại về trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước không phải để tranh giành danh hiệu mà là quan hệ giữa biên kịch và đạo diễn từ lâu đã cơm không lành, canh không ngọt.

>>Giải thưởng nghệ thuật thừa thãi scandal
>>Bố mẹ cãi nhau vì “đứa con” nghệ thuật

Các chị ấy có tính chiến đấu rất cao!

Một sự kiện rất nóng liên quan đến việc xét tặng giải thưởng nhà nước kỳ này là việc hai nhà biên kịch Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư gửi đơn khiếu nại Bộ VHTTDL về trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước. Bà nhìn nhận sự việc này thế nào với tư cách là một nhà biên kịch cũng như với tư cách của phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh?

Đây không phải chuyện kiện cáo hay khiếu nại mà nói đúng ra đó là đơn kiến nghị của các nhà biên kịch Hãng phim Tài liệu khoa học TƯ. Năm nào cũng vậy, chuyện đơn thư kiến nghị là rất bình thường ở mỗi đợt xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước hay xét danh hiệu NSND, NSƯT.

Về biên kịch, quả thực từ xưa đến nay cũng rất thiệt thòi. Tôi làm nghề biên kịch nên cũng rất hiểu tâm trạng của các anh chị cùng nghề. Do đặc thù nghề nghiệp của chúng tôi là hay im lặng, ngồi một mình để làm việc với những con chữ. Sự âm thầm thì ít được nổi hơn và được để ý hơn như diễn viên, đạo diễn. Nghề biên kịch đã rất nặng nhọc rồi lại còn thiệt thòi.

Tôi nghĩ, ở đây ứng xử với các biên kịch cần có một sự trân trọng. Họ âm thầm và im lặng thế nhưng không có nghĩa anh được phép quên người ta. Ở đây tôi nghĩ không phải các anh chị ấy muốn tranh giành danh hiệu hay giải thưởng đâu mà bản chất sâu xa là quan hệ giữa biên kịch và đạo diễn từ lâu đã cơm không lành, canh không ngọt. Điều này chất chứa, bức xúc và ức chế từ lâu rồi và giờ có dịp để bùng lên.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

Bản thân đạo diễn Nguyễn Thước trong trường hợp này cũng không sai khi ông làm hồ sơ xét duyệt giải thưởng nhà nước với những bộ phim được làm từ kịch bản của Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú, thưa bà?

Từ những đợt xét trước đã có người làm đạo diễn giờ là NSND xin xét duyệt giải thưởng nhà nước và họ cũng được nên những người sau thấy vậy thì cũng làm. Có người chất vấn chúng tôi rằng cũng có ngần ấy việc, ngần ấy phim mà sao lại lắm giải thưởng danh hiệu thế. Thành tích chỉ có một mà được cả danh hiệu NSND và giải thưởng nhà nước.

Nhiều người nói rằng như vậy thì có công bằng không? Nhà nước có ưu ái quá không và nếu hỏi ngược lại thì các đạo diễn có tham lam quá không? Đa phần các đạo diễn đã xin xét duyệt danh hiệu NSND đều xin xét luôn giải thưởng nhà nước, hiếm người nào chỉ xin một thứ. Bản thân anh Nguyễn Thước làm thế không hề sai vì các đạo diễn khác cũng làm vậy.

Theo trí nhớ của bà thì trong giới biên kịch đã từng xảy ra chuyện kiến nghị rùm beng như lần này chưa?

Nếu tôi nhớ không lầm thì chưa nên phải nói rằng các chị ấy có tính chiến đấu rất cao. Còn đa phần các nhà biên kịch tặc lưỡi cho xong, chẳng muốn nói năng gì. Tôi cũng phải nói rằng không chỉ có tài liệu mà phim truyện, khi viết kịch bản thì ngày nào đạo diễn cũng hỏi han, chăm sóc đến khi xong phim, được giải này giải kia là quay lưng luôn. Do vậy các nhà biên kịch không được quên chính mình. Mình lao động miệt mài vậy thì cũng phải đòi hỏi sự nhìn nhận, công nhận lao động của mình. Và thay vì tranh luận trên mặt báo hãy làm hồ sơ trình lên để được xét giải thưởng theo ngạch biên kịch.

Xin xét duyệt không phải vì háo danh

Vậy theo bà, việc các nhà biên kịch lên tiếng là do họ cảm thấy thiệt thòi trong những lần xét giải thưởng trong khi vinh quang lại thuộc về các đạo diễn?

Biên kịch bao giờ cũng vậy, khi chọn nghề này cũng là mình đã chọn sự thiệt thòi đầu tiên. Như thông tư đã hướng dẫn thì các nhà biên kịch có quyền trình phần tác giả kịch bản của mình lên xin giải thưởng nhà nước hoặc giải thưởng Hồ Chí Minh mà không ảnh hưởng gì. Họ có quyền làm hồ sơ xin xét giải với tư cách biên kịch mà không cần phải khiếu nại về chuyện đạo diễn. Có thể các nghệ sĩ vì mải đi làm phim, mải viết lách nên cũng không nghiên cứu các thông tư hướng dẫn để làm hồ sơ. 

Bản thân tôi năm nay cũng làm hồ sơ xin xét duyệt giải thưởng nhà nước với những kịch bản tôi viết đã trở thành phim. Đến lúc này, khi đã 60 tuổi, tôi nghĩ cũng đã đến lúc Nhà nước công nhận cống hiến của tôi chứ không phải tôi háo danh. Do vậy các chị ấy phát biểu cũng có cái đúng là cứ cố có khi cũng được. Mỗi người đều có một ví trí của mình. Anh Nguyễn Thước xin như vậy cũng không có nghĩa là đã tranh mất phần của các chị ấy bởi Phan Huyền Thư hay Phan Thanh Tú đều có quyền trình hồ sơ của mình.

Đặt giả thiết đạo diễn của các phim bà viết kịch bản làm hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu hay giải thưởng nhà nước mà không hề nhắc đến tên mình thì bà có hành xử như trường hợp của hai NBK Phan Huyền Thư hay Phan Thanh Tú không?

Tôi sẽ không hành xử như vậy vì các kịch bản tôi viết được giao cho nhiều đạo diễn khác nhau. Nhưng với phim tài liệu thì công của biên kịch cũng lớn. Tuy nhiên, trong giới biên kịch, kể cả phía phim truyện rất nhiều nhà biên kịch nổi tiếng đến giờ vẫn chưa được gì. Không hiểu sao quy chế của Bộ VHTTDL lần này lại hất các nhà biên kịch sang xét giải trong hội đồng của Hội nhà văn VN. Mà bên đó họ chỉ chú ý đến thơ và văn xuôi còn giới biên kịch, chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng chỉ là nhà văn hạng hai.

Vì sao mỗi đợt xét danh hiệu, giải thưởng nhà nước đều xảy ra chuyện kiện tụng, khiếu nại kiến nghị?

Tôi nghĩ các lần trước là do nhiều nguyên nhân, do thông tư hướng dẫn không rõ ràng và nhiều người lại đem cái cá nhân vào, không ưa thì nhiều khi không bỏ phiếu. Như chị Tố Uyên chẳng hạn. Nghệ thuật cần gì nhiều, chị ấy chỉ đóng "Con chim vành khuyên" là ổn rồi. Vậy mà có mỗi danh hiệu NSƯT mà cũng mấy lần gạt người ta đi. Chính vì nhiều lần oan ức vậy nên chị ấy mới kiến nghị. Chị Đức Lưu cũng vậy, không diễn nhiều, mỗi vai Thị Nở xấu xí nhưng lại được nhiều người thích và nhớ đến. Cả hai đều được xét danh hiệu lần này. Nhiều người thiệt thòi! 

Cũng có người lần nào xét cũng nộp hồ sơ xét NSND nhưng đều trượt hết như chị Tuệ Minh. Vì sau khi xét danh hiệu NSƯT thì phải có những cống hiến tiếp theo. Phải vẫn làm nghề và vẫn có giải thưởng thì mới được xét. Trong khi đó nhiều người khi đã có danh hiệu NSƯT rồi thì không làm thêm gì nữa.

Hạnh Phương