– Có hẳn một album đàng hoàng trên các website nghe nhạc mang tên “Thảm họa V-pop” khiến người nghe phải “sốc”...

Vấn đề âm nhạc Việt Nam với những “Thảm hoạ” liên tục diễn ra không còn lạ lẫm với người nghe. Nhưng chuyện những con sâu làm rầu nồi canh là do con sâu tự chui vào nồi hay do chính tay người nấu bỏ vào canh là chuyện đáng để suy ngẫm.

Cá sẽ không là gì nếu không có nước. Thảm họa sẽ không là gì nếu không được truyền thông. Vậy thì vấn đề từ đâu các thảm họa xuất hiện liên tục và dày đặc đến thế?

Môi trường internet đang phát triển với mức độ chóng mặt. Nhu cầu sử dụng mạng để giải trí vẫn đứng đầu trong các khảo sát dành cho người dùng. Hàng triệu triệu người đang mỗi ngày thưởng thức âm nhạc tại các website như: nhaccuatui, zing, nhacso... Với lượng nội dung khổng lồ, thể loại âm nhạc đa dạng cùng với các tính năng chia sẻ của mình, các website ngày một phát triển hơn để phục vụ nhu cầu người dùng.


Vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra sự tồn tại của album này ở không chỉ một – mà là hai website nghe nhạc online lớn nhất hiện nay.

Tuy nhiên, nếu xét ở một góc nhìn khác. Các website chính là nơi mang hình ảnh, giọng hát của ca sĩ đến với người dùng. Nhờ đó, những bài hát hay, những ca khúc ấn tượng được khán giả biết tới. Cuộc chạy đua nội dung giữa các trang là điều đương nhiên. Câu chuyện cũng bắt đầu từ đây. 

Chính việc cạnh tranh đã khiến cho các website trở thành vùng đất khai thác truyền thông cho ca sĩ. Không chỉ việc các ca sĩ có tiếng lần lượt xuất hiện mà còn những thảm họa nổi lên. Bởi vì điều cần thiết của người quản lý trang là đạt được số lượt xem cần thiết còn nội dung thì “trời sinh voi ắt sinh cỏ”.


Những “ca sĩ thảm họa” cũng có album, MV, và nhất là có cả ..“fanpage” với đông đảo thành viên như ai !!

Ca sĩ nổi tiếng chiếm đa số lượt xem, nhưng “thảm họa” còn chiếm nhiều hơn. Chẳng thể hiểu được lý do vì sao các ca sĩ chưa từng nghe tiếng được xuất hiện bên cạnh các tên tuổi lớn. Một hành động để giới thiệu ca sĩ chăng? Có vẻ như những nhà quản lý không thể kiểm soát được bài hát đó nội dung thế nào, thể hiện ra sao nên hầu như bất kỳ ai có bài hát, có album thì đương nhiên là ca sĩ.

Con đường để đến với nồi canh của con sâu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Và nếu cứ tiếp tục đưa những bài hát ca từ quá đơn giản, trình bày sơ sài, giọng hát tầm thường đến với người nghe thì “mưa dầm sẽ thấm đất”. Thính giả phải nghe những “thảm họa” như cơm bữa. Thẩm mỹ âm nhạc sẽ không còn tồn tại và phát triển. Âm nhạc Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?


Thảm họa VPop được chế diễu bằng bài hát

Một thị trường âm nhạc phát triển cần nhiều yếu tố. Ca sĩ cần có đạo đức nghệ nghiệp, đầu tư kỹ lưỡng vào giọng hát. Nhạc sĩ nên trau chuốt nội dung và ca từ. Các nhà quản lý phát hành có kiến thức âm nhạc, quản lý chặt chẽ về nội dung trước khi đưa đến công chúng. Và quan trọng nhất, công chúng phải thật sự chọn lọc âm nhạc khi thưởng thức… Vì âm nhạc là để thưởng thức, không ai ép được người nghe.

V.Sam - DiPu