- Chuyện kể những chiếc giày đã làm được điều giản dị mà nhiều chương trình lớn vẫn không làm được: khiến người xem khóc và giữ họ ngồi xem đến tiết mục cuối cùng.

Nhà hát TP.HCM trở nên chật chội trong đêm tái diễn đầu tiên, 2/8/2011, của vở múa Chuyện kể những chiếc giày. Vé đã được bán hết, kể cả trên lầu và ở những hàng ghế ngoài rìa thường khó bán. Sau ba lần công diễn, đây được xem là đêm diễn đông khách nhất từ trước tới nay của vở vũ kịch này.

Rất nhiều nghệ sĩ làng giải trí cũng đã đến để thưởng thức và cổ vũ cho đồng nghiệp như NSƯT Thành Lộc - khán giả quen thuộc của vở, NSƯT Mỹ Duyên, đồng môn trên khóa của Tố Như - diễn viên của vở thời học múa ở Nga, các ca sĩ Hồng Nhung, Hà Anh Tuấn, Phạm Anh Khoa, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, diễn viên Hứa Vĩ Văn, người mẫu kỳ cựu Xuân Lan...

Màn múa phụ họa cho ca sĩ Hồ Ngọc Hường

Khánh Chinh trình diễn tiết mục Tuổi 18 - bài múa giúp cô đoạt giải đồng cuộc thi múa đương đại ở Hàn Quốc tháng 6/2011

Chuyện những chàng trai, với tâm điểm là Genta, diễn viên múa người Nhật đang làm nghề tại Việt Nam

Giống như mọi lần, dù Chuyện kể những chiếc giày đã được công diễn nhiều lần, nhiều khán giả đã xem đi xem lại, nhưng nhiều người vẫn khóc vì những câu chuyện kể đầy xúc động của vở múa, trong đó có những khán giả đặc biệt như Thành Lộc, Hồng Nhung...

Cuộc sống thật của người nghệ sĩ múa đằng sau cánh màn nhung, sau những tiếng vỗ tay, đóa hoa rực rỡ hay ánh đèn chói lóa, là những khoảng lặng khác, đầy mồ hôi, nước mắt và những nhọc nhằn không gọi được thành tên. Vở múa không "trưng bày", kể khổ những điều khán giả ít được biết ấy, mà như một lời tự sự có chọn lọc, trau chuốt. Nhưng vẫn rất đời.

Tiết mục Chuyện kể tiếp

"Chúng tôi giới thiệu về mình, những diễn viên múa thật lộng lẫy, xinh đẹp, có chuyên môn cao chứ không đổ đồng với những người khác. Diễn viên múa còn là những con người sống rất tình cảm. Chúng tôi còn cho khán giả biết mình muốn làm gì và đạt được gì với nghề múa", đạo diễn Tấn Lộc chia sẻ.

Cho đến nay ở Việt Nam nghề múa vẫn chưa được xem trọng, nhiều người vẫn cho đây đơn giản là những nhân vật phụ giúp cho các ca sĩ. Rất nhiều nghệ sĩ múa không sống được với nghề, bằng nghề, phải đi múa minh họa đám cưới để duy trì cuộc sống và giữ lửa nghề được chừng nào hay chừng đó.

Biên đạo múa Tấn Lộc cho rằng mình luôn có khao khát làm được điều gì đó về múa, khi đi học múa ở nước ngoài anh chứng kiến nhiều điều thiên hạ làm được, vì sao mình không làm được. Ngành múa Việt Nam có nhiều người giỏi chuyên môn, chỉ thiếu đơn vị, thiếu người tổ chức.

"Múa không chỉ có chuyện giơ tay chân mà trong đó là cả một đời sống nội tâm", Tấn Lộc tâm sự. Nhưng biên đạo múa nổi tiếng này cũng khẳng định mình không cố gắng làm chuyện vượt quá sức mình, mà đi từng bước và cố gắng không để thất bại.


Nghệ sĩ Tố Như trong "Kỷ niệm"

Thùy Chi mới mẻ trong tiết mục solo trên nền nhạc do anh trai Tạ Tôn trình tấu


Màn giới thiệu những loại giày múa

Chuyện của Mén

Tiết mục "Ước"

Quỳnh Ly diễn trích đoạn tiết mục Đom Đóm - dự thi ở cuộc thi múa đương đại tại Hàn Quốc.

Trong bối cảnh nghề múa còn bị xem nhẹ, cộng với thị hiếu khán giả khó chiều, dù chia sẻ rất thật rằng "chưa biết đến điều khán giả thích để làm đạt đến chỗ đó, chỉ cần một nhóm nhỏ thích đã rồi nhân dần số lượng", song Tấn Lộc cùng 50 diễn viên của mình và Chuyện kể những chiếc giày đã làm được điều giản dị mà nhiều chương trình lớn vẫn không làm được: giữ khán giả ngồi xem đến tiết mục cuối cùng, chứ không phải khi màn kết trên sân khấu vẫn đang hoành tráng mà bên dưới khán giả đã lục tục ra về.

V.Tiến - Ảnh: DucDT