- Sau bố mình là NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh được nhiều người trong nghề phong cho danh hiệu "nghệ sĩ thổi kèn sona" (hay còn gọi là kèn đám ma - PV) hay thứ nhì của Việt Nam. Nhưng Nguyễn Ngọc Anh thì rất khiêm tốn, anh bảo chỉ muốn được gọi là một nghệ sĩ bình thường thôi.

Qua nhạc sĩ Lê Minh Sơn, tôi liên lạc với nghệ sĩ sáo, kèn Nguyễn Ngọc Anh để xin anh một cuộc hẹn, anh tỏ vẻ bất ngờ. Bởi theo lời của anh sau gần chục năm trở thành nghệ sĩ sáo trúc, 3 năm gần đây kiêm thêm nghệ sĩ kèn sona cùng với khá nhiều giải thưởng như: Giải nhất Độc tấu sáo cuộc thi Độc tấu nhạc cụ dân tộc 2008. 2 huy chương vàng kèn Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc 2009, 2010 thì anh chưa bao giờ được một nhà báo nào tìm gặp để phỏng vấn viết bài cả.

Nguyễn Ngọc Anh mào đầu câu chuyện bằng những tình cảm dành cho ông nội và bố mình. Anh bảo may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình "con văn, con võ". Ông nội là một nghệ sĩ nghiệp dư, tự học và có thể chơi được 6 loại nhạc cụ dân tộc. Còn bố anh, NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh hiện vẫn là cán bộ của Nhà hát Tuồng trung ương. Được sống trong môi trường văn nghệ nhưng Nguyễn Ngọc Anh lại yêu thích bộ môn nhào lộn nên từng theo học ở Trung cấp nghệ thuật xiếc 4 năm.

Nhưng sau đó vì sức khỏe không cho phép, hay bị ngất nên anh được bố hướng chuyển sang học sáo trúc ở Học viện âm nhạc quốc gia. Ra trường, anh xin vào Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long và trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp từ đó đến nay. Nguyễn Ngọc Anh thú nhận nếu không có sự động viên từ bố chắc anh không có ý định học thêm kèn sona. "Bố bảo với tôi, nếu con không học để chơi kèn sona thì khi mất đi bố sẽ mang theo nó mà không truyền lại được cho ai. Vì vậy tôi đã quyết tâm học mặc dù ban đầu có nhiều mặc cảm" - Nguyễn Ngọc Anh thổ lộ.

Sau hai năm được bố truyền nghề, lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Anh xuất hiện trên sân khấu với tiếng kèn sona là ở chương trình Bài hát Việt thổi trong bài hát "Giọt sương bay lên" của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến do ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện. Dù lần tái xuất đó vẫn còn những lỗi, theo lời của Nguyễn Ngọc Anh tự nhận, nhưng may mắn lại được một số nhạc sĩ phối khí để ý, thích tiếng kèn và tìm gặp anh sau đó để mời hợp tác, trong số ấy có nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Cũng nhờ Trần Mạnh Hùng mà Nguyễn Ngọc Anh gặp được nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Tiếng kèn của Nguyễn Ngọc Anh như "thôi miên" vị nhạc sĩ này bởi vậy trong những liveshow tổ chức gần đây, Lê Minh Sơn luôn mời Nguyễn Ngọc Anh chơi kèn trong những tác phẩm được coi là "đinh" của chương trình như: Hạn hán, Đá trông chồng, Một khúc sông Hồng và sắp tới là tác phẩm dài 17 phút mang tên Dòng chảy được Nguyễn Ngọc Anh trình diễn theo phong cách kèn đám ma trong liveshow "Ôi quê tôi" sẽ diễn ra tối 28, 29/11 tại Nhà hát Lớn.

Bên cạnh những công việc của Nhà hát, Nguyễn Ngọc Anh hiện cũng đang dạy thêm kèn cho một số người nhưng đều là những người đã và đang đi làm vì yêu tiếng kèn nên xin học. Anh thật thà bảo không thích dạy trẻ con vì dạy cho người lớn nhanh hiểu hơn và riêng bộ môn sáo, kèn cần phải có làn hơi tốt mới thổi được. "Với riêng bộ môn kèn sona, không phải ai đến xin học tôi và bố mình cũng nhận dạy cả. Bởi thực tế bố tôi đã từng bị chính một số học trò, họ không có Tâm, học nghề rồi... phản lại" - Nguyễn Ngọc Anh trải lòng.

Hỏi Nguyễn Ngọc Anh có tự lên "thời khóa biểu" để tập sáo, kèn từng ngày cho mình để rèn luyện, nâng cao kỹ thuật không?, cười rất tươi, Nguyễn Ngọc Anh bảo rằng chỉ tập khi có cảm hứng bởi anh quan niệm nghệ thuật thì không nên ép vì nếu ép sẽ không làm được, không có... hồn. Anh nói: "Nhiều người hay hỏi bố tôi và tôi rằng theo đuổi bộ môn kèn sona (kèn đám ma) vậy có gặp khó khăn gì với những người xung quanh hoặc hàng xóm nơi mình ở sau những lần tập không. Tôi phải nói thật rằng điều may mắn nhất đối với bố tôi và tôi là đến giờ vẫn chưa gặp những phản ứng nào".

Không chỉ là một nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc mà bà xã của Nguyễn Ngọc Anh cũng là một nghệ sĩ tam thập lục. Anh bảo, nhờ việc đi tuyển lựa nhân viên cho cơ quan mà anh gặp cô gái gốc Hà Nội có cái tên rất đẹp: Bích Ngọc. "Chúng tôi học cùng nhau 8 năm trong trường Nhạc nhưng đến năm cuối mới quen, yêu được một năm rồi cưới. Bây giờ hai vợ chồng làm cùng Nhà hát, cuộc sống không đến nỗi khó khăn nhưng để bảo là giàu có thì không phải. Nhưng chúng tôi biết thế nào là đủ, chỉ hi vọng tình yêu của cả hai dành cho nhạc cụ dân tộc là mãi mãi bền vững" - Nguyễn Ngọc Anh thổ lộ.

Sơn Hà