- Cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” có “phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt” như một số ý kiến gần đây?
Những câu kiểu “Hồn nhiên như cô tiên” thoạt đầu chỉ xuất hiện trong một nhóm nhỏ, lúc đó, nó có tính cách như một kiểu nói lóng. Nói cho vui, nói chỉ để người trong nhóm hiểu. Nhưng rồi, nó có sức lan tỏa ra ngoài xã hội.
Một bức tranh do Thành Phong thực hiện trong cuốn thành ngữ tuổi teen
Như vậy, nó là thứ “vớ vẩn”, “tào lao” chăng? Hãy trở lại hơn 100 năm trước. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) từng có khảo luận L'argot annamite de Hanoï / Tiếng lóng Việt Nam ở Hà Nội công bố năm 1925. Văn hào Pháp Victor Hugo (1802 - 1885) thì nhận định: "Tiếng lóng là gì? Nó là quốc gia, đồng thời là quốc âm”.
Trở lại hôm nay, cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” vẫn tiếp tục gây tranh cãi, và bị NXB Mỹ thuật dừng phát hành “để xem xét” (dù Cục Xuất bản chỉ ra công văn nhắc nhở). Bỏ qua mọi chuyện về văn bản hành chính hay thị trường, còn lại một câu hỏi: cuốn sách có “phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt” như một số ý kiến gần đây?
Hầu như không có ý kiến chính thức nào các nhà ngôn ngữ học, xã hội học. Trong khi những người ủng hộ cuốn sách thì lại vượt trội hơn hẳn về số lượng các nhà chuyên môn. PGS - TS Phạm Văn Tình nói, ông thấy “thú vị với mảng tục ngữ mới được sưu tầm ở đây”, GS Trần Trí Dõi nhận định hiện tượng ngôn ngữ được ghi nhận trong cuốn sách “là bình thường” và khẳng định đây là biểu hiện “sức sản sinh từ ngữ trong tiếng Việt”…
Họa sĩ trẻ Thành Phong
Ngôn ngữ của một cộng đồng là sinh ngữ, tức là thứ sống và luôn phát triển. Mà nói về khía cạnh này thì tiếng Việt là cực mạnh. Nó khác hẳn với tử ngữ, là các ngôn ngữ đã đóng kín; Rất quý, rất hàn lâm nhưng đã chết: Hán cổ, Latin, Sankrit (tiếng Phạn)…
Vậy thì việc ghi lại những từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ mới ra đời từ cuộc sống, kể cả những tiếng lóng của nhiều giới chính là một việc làm hết sức nghiêm túc chứ? Đây là công việc mà nhiều nhà ngôn ngữ, nhà xã hội học trên thế giới vẫn làm và công trình của họ được nhiều nhà xuất bản danh tiếng thế giới in ấn, cập nhật hàng năm. Họ đâu có sợ “phá hoại sự trong sáng của tiếng Anh/ tiếng Pháp”?
Có lẽ tình trạng căng thẳng xung quanh cuốn sách mang nhiều yếu tố giải trí, xả stress “Sát thủ đầu mưng mủ” là vì còn khá nhiều người căng thẳng, hay sợ sệt, và họ không biết rằng tiếng Việt rất khỏe mạnh, đầy sức sống, và không dễ gì làm nó “mất trong sáng”.
Lê Anh Hoài