“Tiểu thuyết giống như một thứ nghệ thuật chính thống vậy….” – chàng trai 25 tuổi chia sẻ.

Minh Nhật sinh năm 1987 tại Hà Nội. Thời cắp sách, Nhật học chuyên Toán, rồi chuyên Lý, lại đi thi học sinh giỏi Văn. Hình ảnh của Minh Nhật - cũng có thể nói là đại diện cho một thế hệ 8X đời cuối tại thành phố lớn ở Việt Nam. Trải nghiệm quãng thời gian du học tại Singapore, Nhật học Business Management (Quản trị Kinh doanh) và đi viết báo cho teen - tạp chí Seventeen của Singapore.  Hơn 10 năm cầm bút với hàng trăm truyện ngắn lãng mạn, những tập sách của Minh Nhật thường được tiêu thụ rất nhanh trên thị trường. Câu chuyện về nghề viết của chàng trai này có lẽ cũng là câu chuyện của nhiều cây bút trẻ lãng mạn tại Việt Nam như Hoàng Anh Tú, Phan Hồn Nhiên, Phan Việt hay Dương Thụy...

- Anh bắt đầu viết truyện từ khi nào?

Tôi viết truyện ngắn đầu tiên cách đây 10 năm (2001), năm đó tôi 14 tuổi. Truyện có tên là "Nơi bắt đầu một tình yêu", đăng trên báo Hoa Học Trò. Nó cũng chẳng có gì đặc biệt, là một câu chuyện trà sữa với tình yêu gà bông học trò.

- Câu chuyện tình yêu đầu tiên đó xuất phát từ thực tế hay tưởng tượng?

Hầu như là tưởng tượng. Hồi đó tôi chẳng có kinh nghiệm gì về tình yêu, mới học chừng lớp 8, lớp 9 gì đó, cũng chưa bao giờ viết. Sau này tôi nhận ra rằng nên viết những câu chuyện, những trải nghiệm mà mình biết, như vậy sẽ thật hơn và sống động hơn.

Ban đầu chẳng thể ngờ được tôi sẽ theo nghề viết. Tôi đã thử, cho rằng đó chỉ là một cuộc chơi, trước tiên vì thích xây dựng tính cách nhân vật. Mẹ tôi vốn làm trong tạp chí Mỹ Thuật đã lâu năm. Bà đã động viên tôi, lúc đó bên Hoa học trò cũng ủng hộ, hầu như những truyện ngắn đầu tiên của tôi đều được các anh chị chọn đăng hết.

Minh Nhật

- Có thể nói anh đã rất may mắn khi bắt đầu, vậy trong quãng thời gian 10 năm đó, khó khăn mà anh gặp phải là gì?

Tôi nghĩ đó là vốn sống. Thời gian đầu tôi viết được rất nhiều, nhưng rồi đột nhiên mọi nguồn trở nên cạn kiệt. Khác với viết báo đã có sẵn nguồn tin, (tôi cũng đã từng làm việc một thời gian cho một trang tin điện tử) viết truyện có thể bị cạn vốn vì không có nhân vật, ngôn ngữ, không thể xây dựng được một hình tượng nhân vật mới mẻ.

Nửa năm ở Singapre tôi hầu như đã không viết được chút gì, cứ ngồi trước màn hình Word trắng xóa cả giờ đồng hồ. Có thể giống như nhiều người viết trẻ khác, do tôi đã viết quá nhiều trong giai đoạn khởi đầu, phải sống thêm, phải lấy thêm nguồn để chuyển thành chữ.

Cơ bản là tôi cũng không muốn lặp lại chính mình. Tôi đã thấy nhiều người đã thành công và  không muốn thay đổi bởi đã thành công. Họ mãi trung thành với một lối viết, như J.K.Rowling hay Stephenie Meyer chẳng hạn. Tôi hâm mộ những người có thể biến hóa được nhiều như Dan Brown hay Leonardo Di Caprio. Họ không bao giờ dừng lại với những gì mình đang có.

- Tại sao trong tập truyện ngắn “Café yêu” vừa được xuất bản của anh, tôi thấy nhiều truyện đã cũ, được viết từ rất lâu rồi, cách đây chừng 4 năm?

Cuốn sách không hoàn toàn là những tác phẩm tôi gửi cho đơn vị xuất bản. Bản thảo của tôi gồm 40 truyện ngắn, nhưng trong quá trình làm việc, ban biên tập chỉ giữ lại một số.

- Anh đã nói về những nhà văn không thay đổi lối viết và tỏ ra yêu thích những người làm nghệ thuật có thế giới quan lớn như Dan Brown hay Leonardo DiCaprio, thế nhưng không gian và nhân vật trong truyện của anh cũng bị giới hạn bởi motif người trẻ, sự lãng mạn, tình yêu và bối cảnh thường nhật xung quanh họ, dù là ở VN hay nước ngoài.

Bạn đã đưa ra một điểm yếu trong truyện của tôi. Thực ra tôi vốn cộng tác với những tờ báo, tạp chí ở lứa tuổi HSSV nên những gì tôi viết cũng phù hợp cho đối tượng độc giả này. Hơn nữa, người ta luôn muốn viết những gì mình hiểu. Tôi là một người trẻ, nên tôi hiểu người trẻ hơn những người trưởng thành. Có thể là sự bế tắc, tâm tư, tình cảm, niềm đam mê của tôi vẫn thuộc giới trẻ....

Tôi viết như một sự chia sẻ chứ không phải lời giải đáp, nhưng ở đó luôn có mong muốn tìm một hướng đi. Tôi 25 tuổi, và đó là góc nhìn của tôi bây giờ, tôi có thể làm nó tốt nhất bây giờ. Hai mươi, ba mươi năm nữa, biết đâu tôi có muốn cũng không thể hiểu được giới trẻ nữa. Lúc đó họ đã rất khác.

- Với lối viết lãng mạn và theo dấu người trẻ đó, anh có bị ảnh hưởng bởi Phan Hồn Nhiên?

Không chút nào (cười). Theo tôi, Phan Hồn Nhiên có một lối viết khá hay. Những gì chị đã làm được cho đến thời điểm này ghi một dấu ấn lớn và có sức ảnh hưởng không chối cãi. Phan Hồn Nhiên luôn viết ở một phong độ rất cao, chau chuốt trong ngôn ngữ, tả cảnh và tâm lý nhân vật; mặc dù concept không mới, bối cảnh, hay cách mà nhân vật nam và nhân vật nữ gặp nhau... cũng không mới.

Nếu hỏi tôi bị ảnh hưởng từ ai, thì có lẽ là một chút từ Đỗ Hoàng Ngọc Anh - cũng là một cây viết đã lâu của Hoa Học Trò. Nhưng tất nhiên, người ta thích được ảnh hưởng lên ai đó hơn là chịu ảnh hưởng của ai đó (cười).


- Anh nghĩ sao nếu trong cuộc trò chuyện này, người phỏng vấn nói rằng, anh có thể viết được những tác phẩm lớn hơn so với những gì anh đang viết?

Có nhiều lý do khiến tôi chưa viết được hết những gì mình có thể. Đầu tiên là ngôn từ, sự hạn chế về từ vựng là một vấn đề với người viết trẻ. Hai nữa, tôi chưa tìm được lối đi rõ rệt cho văn của mình. Tôi có nhiều fan, nhưng cũng có cả anti fan. Các bạn ấy nói rằng văn của tôi thật nhạt nhẽo, không phản ánh hết được cuộc sống bây giờ, chỉ viết về cuộc sống xa hoa, rồi giới trẻ đi du học..vv.... Tôi thấy các bạn ấy đúng.

Tôi có những hạn chế, sức ì nhất định. Đôi lúc có thể nói là bị bao bọc trong một cái kén lớn - đó là Hoa Học Trò. Tôi viết cho đối tượng của tờ báo này và nó là nơi đã khiến tôi trở nên nổi tiếng. Nhưng môi trường đó cũng giống như một cái kén và người ta chỉ được chạy trong cái kén đó. Không chỉ mình tôi, có lẽ nhiều câu bút của HHT sẽ viết được những đề tài lớn hơn, nếu họ sẵn sàng ra khỏi kén.

Làm nghệ thuật là quá trình đi tìm chính mình. Bản thân tôi giờ đây khi nhìn lại những truyện mình viết cách đây 6-7 năm, đã thấy không hài lòng. Nam Cao từng nói "Nghệ thuật không nên là ánh trắng dối lừa”, có thể tôi chưa phản ánh đúng bản thân mình trên những trang viết, nhưng người ta cần thời gian để tìm thấy chính mình

- Anh có định thử sức với đề tài tiểu thuyết?

Là người viết văn, có lẽ hầu như ai cũng có mơ ước viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết giống như một thứ nghệ thuật chính thống vậy.

Nhưng có một sự thật là nhà văn ở Việt Nam không thể sống được nếu như bạn chỉ viết tiểu thuyết. Ở nước ngoài, nhà văn được NXB "nuôi' theo đúng nghĩa của từ này. Họ trả trước một số tiền lớn để có được những sáng tác độc quyền trong một thời gian. Họ trả các hóa đơn tiền nước, tiền điện, sinh hoạt phí để nhà văn có thể đóng cửa hàng tháng, hàng năm để viết, thậm chí là ra hoang đảo. Viết tiểu thuyết có nghĩa là tôi phải tìm được đề tài sâu sắc, có concept lớn và hệ thống nhân vật lớn hơn, như vậy đòi hỏi một sự tập trung toàn lực. Điều kiện ở Việt Nam không cho phép, chưa kể vấn đề sách lậu và chi phí cơ hội bỏ ra.

Tất cả những truyện ngắn trong cuốn sách xuất bản của tôi đã được đăng trước đó trên HHT, và đã được trả nhuận bút một lần. Đó cũng là cách mà các nhà văn trẻ ở Việt Nam hiện nay đang làm. Những truyện được viết dài hơi như của Hoàng Anh Tú, Phan Hồn Nhiên đều đã cắt thành mảng ngắn, được dùng trước trên báo trước rồi.

Trở lại câu hỏi, tôi có định viết tiểu thuyết không? Có, nhưng không phải bây giờ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh, chúc anh một năm mới thành công!

  • Hồ Hương Giang