- Trong phân nhóm hội thảo tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 diễn ra tại Tuyên Quang, nhóm hội thảo Thơ với đề tài "Thơ trẻ - Dòng chảy và công chúng" đã thu hút được nhiều gương mặt và tham luận quan trọng.
Diễn ra vào buổi sáng ngày 10/9, hai nhóm hội thảo Thơ "Thơ trẻ - Dòng chảy và công chúng" và hội thảo Văn "Văn trẻ - Nhận diện và phát triển" đều diễn ra sôi nổi, đa số các đại biểu hăng hái đóng góp ý kiến và tranh luận trên đề tài. Dù đôi khi có thảo luận chệch ra khỏi đề tài, nhưng tựu chung, nhiệt tâm và sự chân thành của các đại biểu khi tham dự hội nghị lần này đã được thể hiện rõ nét.
Ban điều hành hội thảo Thơ
Tại hội thảo Thơ, với sự chủ trì chân tình của nhà thơ Bằng Việt, sự dẫn dắt chỉnh chu và có tính kết nối, khơi gợi cao của nhà thơ Phan Huyền Thư đã lôi kéo được những tâm sự quan trọng và thành thật của nhiều nhà thơ trẻ. Đây là một điểm mấu chốt, mặc dù đôi khi  khiến các phát biểu xa rời chủ đề, nhưng ngược lại, nó lại bày tỏ được những khó khăn và tâm huyết của các tác giả trẻ trên con đường cầm bút và làm thơ.
"Đi đến tận cùng của dân tộc sẽ bắt gặp nhân loại"

Nhà thơ Hoàng Chiến Thắng, đại biểu dân tộc Tày đã mở đầu tham luận cũng như phát biểu của mình bằng một giả định khoa học thú vị: một người đứng ở điểm X trên địa cầu và đi, anh ta sẽ có khả năng chệch hướng như thế nào? nếu như có thể tiếp tục đi thẳng, anh ta sẽ đi hết một vòng Trái đất và trở về chính điểm đứng ban đầu. Như vậy anh ta đã hoàn thiện một quá trình nhận diện chính mình.
Đó là một hành trình như thế nào? Hoàng Chiến Thắng cho rằng đó là một hành trình lửa. Khi mà khó khăn vẫn đầy rẫy, các mảng đề tài hầu như đã được khai thác hết, khi mà những cây đa cây đề của lớp người đi trước vẫn tiếp tục phủ bóng ảnh hưởng, khi điều kiện tiếp cận tri thức của những người viết thuộc dân tộc thiểu số còn bị hạn chế và tự ti.... người sáng tạo phải tìm kiếm điều gì, viết như thế nào, viết cái gì? Trong quan điểm của mình, Hoàng Chiến Thắng cũng thể hiện mong muốn kết hợp được xu hướng hiện đại và bản sắc văn hóa, làm sao để ngày càng tiến gần đến đích của mình hơn.
Đại biểu Hoàng Chiến Thắng
Chia sẻ một mối quan tâm gần với công chúng hơn, nhà thơ Phong Việt - đại biểu Tp Hồ Chí Minh cho biết, anh viết từ chính những điều đã đi qua, đã nhìn thấy, từ những câu chuyện của chính mình. Sự phát triển trong thơ của anh còn được chính anh nhận ra khi anh viết về những câu chuyện khác của bạn bè xung quanh. Đến lúc đó, thơ của anh được đón nhận hơn, bớt tính cực đoan hơn. Phong Việt chia sẻ: "Hãy viết những gì mình thích nhất, có khả năng nhất. Tôi viết về tình yêu và hy vọng tìm kiếm sự yêu thương. Đó là thế mạnh lớn nhất của tôi. Tôi thích sự đơn giản và đi vào lòng người."
Đại biểu nữ hăng hái phát biểu trong hội thảo Thơ, phải kể đến Trương Hồng Tú - cô gái với tập thơ "Tự thoại". Hiện đại mà trẻ trung, nữ tính, Trương Hồng Tú mang đến nhiều phát biểu độc đáo, trong đó phải kể đến các quan điểm về việc bắt đầu viết từ chính mình và những công cụ cần thiết với mình (như internet, như mạng xã hội). Hồng Tú vẫn đưa các tác phẩm thơ của mình lên mạng dù cô có ra sách. Đặc biệt hơn, Tú tỏ ra quan tâm thẳng thắn đến "bước đệm nhạy cảm" trong việc kết nối giữa nhà thơ và công chúng - đó là PR - quan hệ công chúng. Hồng Tú cho rằng, việc khoe tác phẩm của mình chắc chắn không phải là sự lố bịch. Độc giả trẻ trên mạng hiện nay biết đến Trang Hạ, biết đến thơ Vi Thùy Linh ... nhưng đó không phải là tất cả, hiện tại có rất nhiều các nhà thơ trẻ có sức viết tốt và không nên phí phạm mảnh đất màu mỡ như thế giới mạng để tiếp cận độc giả của mình.
"Tôi từ bỏ bản thân"
Tuy nhiên, đột phá nhất, độc đáo nhất, thú vị nhất, kì dị nhất cũng như khó hiểu nhất (bởi sự không giãi bày và diễn giải đầy đủ ý tưởng của mình) - cái mà những người quan sát có thể xem như bóng dáng của thiên tài - đó là Tuệ Nguyên (giảng viên vật lý lý thuyết, con trai của  nhà thơ/nhà văn hóa Chăm Inrasara). Anh cho biết hiện nay đề tài anh quan tâm là "những thứ rác rưởi", là những con vật có khả năng truyền bệnh, lây lan sang nhân loại. Anh chú ý đến những thứ chưa thành hình, bị vứt bỏ như một chiếc lá, con chuột hay con gián. Tuệ Nguyên cũng bày tỏ về sự từ bỏ bản thân. Anh cho rằng sáng tác là quá trình sáng tạo và tìm hiểu bản thân. Bản thân sẽ tiếp tục thay đổi trong quá trình sáng tạo.  
Đại biểu Tuệ Nguyên phát biểu và sự lắng nghe chăm chú của nhà thơ Vũ Quần Phương
Đại biểu Phạm Thúy Nga (Hải Phòng) phát biểu với những tâm sự gắn liền với đời sống của cô. Là trụ cột kinh tế của gia đình 5 người, có mẹ già, con nhỏ  và em trai, theo đuổi nghiệp viết với Phạm Thúy Nga không ít có những đắn đo về những giá trị vật chất và tinh thần, về những khái niệm của dấn thân cực độ trong văn chương.
Quân Tấn, đại biểu của tỉnh Cần Thơ chia sẻ, anh xuất thân từ nghề nông, gia đình có 4 đời làm ruộng. Công chúng  của những bài thơ của anh lúc đầu là bố, mẹ, là bác Hai, ông Tư hàng xóm. Mọi người nghe thơ anh thấy vui, thấy xúc động. Đó là niềm hạnh phúc của anh. Nhưng anh lại cũng có những cảm hứng đến từ bình luận trên mạng. Thế nên Quân Tấn từng trăn trở trước câu hỏi "Tôi chọn ai?" trong số những công chúng của mình. Nhưng rồi anh tự nhận mình "muốn ăn cả cá và tay gấu", tham lam và chấp nhận. Anh đặt mình vào vị trí cực đoan không thể quay đầu, để rồi cô đơn với chính mình, nhưng "Tôi không nghĩ tránh né là một phương pháp dở, tuy thế tôi lại chọn một phương pháp dở hơn, là lao đầu vào nó."
Là một đại biểu nhiệt huyết, Trương Hồng Tú tiếp tục đưa ra ý tưởng của mình khi bảo vệ quan điểm lựa chọn công chúng là giới trẻ. Đó là những người không cô đơn về mặt vật chất, nhưng cô đơn trong chính gia đình mình, trường học của mình. Cô cho biết, trường học đã khác đi rất nhiều so với các thế hệ trước, các thầy cô giáo cũng đã khác rất nhiều. Những người trẻ hiện nay bị đánh giá sớm, bị áp lực dư luận và phải đối diện với chính mình sớm chính là lý do cô chọn viết cho họ và về họ.
Trương Hồng Tú - đại biểu Hà Nội
Có thể thấy, những suy tư, trăn trở hay day dứt của những người trẻ viết văn, làm thơ có nhiều điểm giống nhau. Tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, họ cùng chia sẻ những cái đích gần giống nhau dù con đường đi và xuất phát điểm của mỗi người mỗi khác. Thế kỉ 21 cũng trao cho những người viết trẻ này những công cụ tương đương nhau, thuận lợi so với các thế hệ trước. Nhưng khó khăn của họ, giờ đây không phải là một cuộc chiến tranh với sự sống và cái chết về mặt thực thể và những hệ lụy có liên quan, mà là tinh thần thuần túy -  khi đối mặt với những phản biện đa chiều của đời sống văn hóa, xã hội, sự phát triển kinh tế và tâm sinh lý con người. Tuy nhiên, bản chất quá trình sáng tạo của mỗi người viết, đa số vẫn mang tính cá nhân và cô đơn, nên việc tìm kiếm, đặt ra các câu hỏi và câu trả lời vẫn là những công việc chủ động của mỗi người trẻ.
Hồ Hương Giang