HTML clipboard

Tôi gặp ông Châu Xuân Vũ (Ba Vũ) ở một quán cà phê nhỏ đối diện Hồ Gươm trong một buổi chiều xuân, mưa bụi lất phất bay kèm theo hơi lạnh se sắt. Trầm ngâm bên ly cà phê nóng bốc khói, ông Ba Vũ đưa mắt nhìn về phía Tháp Rùa và kể cho tôi nghe tâm nguyện nhiều năm của ông, một người con phương Nam yêu tha thiết Hà Nội và Hồ Gươm.

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.
 


Ông Ba Vũ sinh năm 1952 ở xứ miệt vườn Sóc Trăng, là một cựu chiến binh, sau khi giải ngũ, từ năm 1984 đến nay ông lăn lộn nghề nuôi ba ba, cá sấu, rắn… ở khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua đủ biến cố thăng trầm của giai đoạn Đất nước mở cửa với không ít đắng cay thất bại và nhiều ngọt bùi của thành công, giờ đây tên tuổi ông Ba Vũ gắn liền với nghề nuôi ba ba, cá sấu khắp miền Nam.

Tuy cả đời gắn bó với sông nước, miệt vườn nhưng ông lại rất tha thiết với Hà Nội và Hồ Gươm. Chuyến này ông ra Thủ đô dự một hội thảo của thành phố để tìm cách cứu Cụ rùa và Hồ Gươm lịch sử.

"Chưa biết Hồ Gươm và cụ Rùa sẽ được phục trạng ra sao nhưng cũng thật đáng trân trọng với một người dân cách xa Thủ đô vài nghìn cây số lại có tình yêu và tâm huyết với Hà Nội như ông".
Ông Ba Vũ tâm sự rằng, với ông cũng như mọi người dân Việt, Hồ Gươm và Cụ Rùa là một biểu tượng linh thiêng không thể thay thế. Vì vậy dù chỉ là một nông dân miền sông nước ở tận phương Nam xa xôi nhưng ông cũng đã ra đây để góp vào đó tâm nguyện, trí óc, kinh nghiệm của mình với Hà Nội.

Thành phố Hà Nội chưa quyết định thống nhất với phương án nào để giải cứu hồ và cụ Rùa nhưng ông cũng đã mạnh dạn trình bày phương án của mình sau nhiều năm ông đi đi, lại lại Hà Nội để nghiên cứu.

Theo ông Ba Vũ, cụ Rùa Hồ Gươm thuộc họ ba ba có tên khoa học là Pelochelys Cantori, trong miền Nam gọi là cua đinh, ngoài bắc gọi là con giải. Trọng lượng của một con rùa lớn có thể lên tới 270-300kg, chúng thường sống ở đầm, hồ sâu và phân bố chủ yếu ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan…

Ông Ba Vũ cho rằng, nguyên nhân gây hại cho cụ Rùa chính là mực nước hồ quá cạn, lòng hồ bồi lắng, nhiều vật rắn ma sát như bê tông, đá gây ra trầy xước cơ thể. Thêm vào đó nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng gây nhiễm trùng, hoại tử, đồng thời mất ô-xi cho quá trình hô hấp của cụ Rùa…

Người nông dân phương Nam đã đề xuất những ý tưởng tâm huyết của mình để bảo tồn, phục trạng Hồ Gươm và cụ Rùa. Ông nhấn mạnh mấy biện pháp chính gồm: Xây dựng khu nuôi dưỡng cách ly, thuần dưỡng thế hệ rùa mới; Nạo vét phục trạng lòng hồ có độ sâu từ 3-5m; Vệ sinh thu gom sạch tuyệt đối các động vật lạ như rùa tai đỏ; Củng cố và bố trí thảm thực vật trong lòng hồ và đặc biệt cần lắp đặt một hệ thống đường ống từ Hồ Gươm ra sông Hồng để phục vụ thải khối lượng bùn lắng tụ, cấp nước từ sông vào và thoát nước từ hồ ra khu xử lý.

Quan trọng hơn, theo ông Ba Vũ, cần kiểm tra, tuyển chọn, đúng loài, chất lượng rùa hậu thế để tiếp tục nuôi dưỡng ở Hồ Gươm và gắn chíp theo dõi…

Giải pháp cuối cùng, chính xác, phù hợp cho Hồ Gươm và cụ Rùa vẫn chưa được quyết định, ông Ba Vũ lại trở về phương Nam với nỗi niềm khắc khoải chưa nguôi.

Chưa biết Hồ Gươm và cụ Rùa sẽ được phục trạng ra sao nhưng cũng thật đáng trân trọng với một người dân cách xa Thủ đô vài nghìn cây số lại có tình yêu và tâm huyết với Hà Nội như ông.

Theo Giang Thanh - QĐND

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.