– Lái xe loại nào cũng có áp lực nhất định, nhưng với tài xế lái xe cứu thương, áp lực bị nhân lên nhiều lần do luôn phải chạy xe trong trạng thái hết sức cấp bách. Song không hiếm tài xế xe cứu thương đã lạm dụng “quyền ưu tiên” để “phóng nhanh vượt ẩu” (ngay cả khi không có người bệnh trên xe), gây nên những tai nạn đáng tiếc.


 
LTS: Vụ xe cứu thương gây tai nạn kinh hoàng tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày 12/4 vừa qua để lại hậu quả đau đớn cho nhiều gia đình. Mang trọng trách vận chuyển người bị bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng đi cấp cứu nhưng cũng có nhiều khi xe cứu thương “lạm dụng” sự ưu tiên dành cho mình để “phóng nhanh, vượt ẩu”, và không ít lần trở thành “hung thần”. Trên thực tế, đã có không ít vụ tai nạn đau lòng xuất phát từ xe cứu thương, trong đó có nhiều xe không chở bất kỳ một bệnh nhân nào!
 
Song song với tình trạng “hung thần” xe cứu thương ngày càng nhiều thì các loại xe cứu thương “dù” hoạt động chui không đảm bảo chất lượng cũng không còn là chuyện hiếm. Vấn đề cấp phép, quản lý xe cứu thương hiện nay đã đến lúc cần phải được “xốc” lại để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Tai nạn nối tiếp tai nạn

Cách đây 3 năm (ngày 14/4/2008), trên đường chở bệnh nhân đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Bà Rịa, xe cứu thương BKS 72C- 0705 của Trung tâm y tế huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) do lái xe Huỳnh Ngọc Minh điều khiển đã lấn sâu sang trái và sau đó đâm vào xe môtô BKS 51N2-5683 lưu thông hướng ngược lại do anh Hoàng Ngọc Tỷ (43 tuổi, trú tại TP.HCM) điều khiển.

Vụ tai nạn làm anh Tỷ chết tại chỗ và chị Nguyễn Thị Thu Hà (43 tuổi, là vợ anh Tỷ, ngồi sau xe) chết trên đường đưa đi cấp cứu. Sau khi đâm vào xe mô tô, xe cứu thương mất lái đâm tiếp vào trụ điện của trạm biến áp bên vệ đường rồi lật nghiêng xuống mương thoát nước khiến y sĩ Tạ Duy Hào và điều dưỡng viên Phạm Ngọc Sơn ngồi trên xe bị thương nặng.
 
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày 12/4 vừa qua cũng là do xe cứu thương gây nên - (Ảnh: VietNamNet)

Vào hồi 13 giờ ngày 14/11/2008, tại km 446+50 trên địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, xe cứu thương mang biển số 37N - 5853 thuộc Trung tâm cấp cứu vận chuyển bệnh nhân Trường An trên đường từ bệnh viện về đã đâm chết một người đàn ông. Nạn nhân là anh Đặng Doãn Thành, 49 tuổi, thường trú tại xóm 3, xã Nghi Long đang đạp xe trên đường.

Cú va chạm rất mạnh khiến cả xe và người văng xa hơn 30m, khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Theo lực lượng cảnh sát giao thông huyện Nghi Lộc, nguyên nhân xảy ra tai nạn do xe cứu thương đi quá nhanh, lấn sang phần đường ngược chiều. Trong khi đó, lại có những chiếc xe cứu thương không chở người bệnh cũng gây tai nạn liên hoàn!

Ngày 5/12/2009, xe cứu thương mang biển số 47T-1388 của Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (Đắc Lắc) trên đường chạy về hướng TP.HCM. Khi đến ngã tư Tân Lập, trên Đại lộ Bình Dương, đoạn qua phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), xe phát tín hiệu ưu tiên, vượt đèn đỏ và đụng phải chiếc xe du lịch biển số 93N-1031 làm chiếc xe này bị hư hỏng nặng.

Sau đó xe cứu thương tiếp tục đụng phải người đi xe đạp và người đi bộ bán vé số ở lề đường, làm một người bị thương nặng phải đi cấp cứu. Tại thời điểm gây ra tai nạn, trên xe cứu thương này không chở bất kỳ một bệnh nhân nào.

Trong khi đó, cũng có những vụ tai nạn xảy ra do chất lượng xe cứu thương có vấn đề. Vào khoảng 15h30 chiều 16/10/2010, khi đang lưu thông trên cầu Vĩnh Tuy, chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Hà Nội) đột nhiên nổ lốp, mất lái, rồi đâm liên tiếp vào 2 chiếc xe máy đi ngược chiều, khiến 2 người trên xe máy bị thương nặng.

Và còn nhiều vụ xe cứu thương gây tai nạn thương tâm không thể kể hết trong phạm vi một bài báo.

Rủi ro luôn cận kề

Hiện nay, chưa có một con số thống kê chính thức nào từ cơ quan chức năng về các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe cứu thương, nhưng ngoài những tai nạn đã được nhìn thấy trên thực tế, các lái xe cứu thương cho biết còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn (và rất dễ trở thành tai nạn thực) khi lái loại xe đặc biệt này.

Anh Quốc, một người từng làm tài xế xe cứu thương cho Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thuật lại: “Ai cũng biết lái xe cứu thương căng thẳng ở chỗ làm sao vừa phải nhanh nhất nhưng lại vẫn phải đặt an toàn khi tham gia giao thông lên hàng đầu. Hai điều này khó mà đi song song với nhau được. Đó là chưa kể đến chuyện vẫn còn một số người dân ở ta cũng chưa có ý thức “nhường” đường cho xe cứu thương, dù xe có hú còi inh ỏi. Vì thế, cứ mỗi ca cấp cứu được đưa đến viện “suôn sẻ” là tôi đều thót tim vài lần”.

Mặt khác, trong tình trạng nhu cầu sử dụng xe cứu thương của người dân thành phố (và cả các tỉnh lân cận Hà Nội) luôn cao hơn khả năng đáp ứng từ phía các nhà cung cấp thì việc các tài xế, các phương tiện luôn trọng trạng thái “quá tải” cũng là điều dễ hiểu.

Thực trạng này đã khiến nhiều tài xế xe cứu thương làm việc liên tục, quá giờ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng phương tiện.

Cũng chính trong vụ tai nạn thảm khốc ngày 12/4 tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa vừa qua, nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế Phùng Văn Hùng bị buồn ngủ nên đã lái xe đâm thẳng vào xe tải đang lưu thông phía trước.

N.Anh

(còn nữa)