- Vắng vẻ, uể oải là những từ để việc miêu tả tình trạng nhân viên các công sở sáng 4/5. Sau kì nghỉ dài ngày, tâm lí “ngại đi làm” xuất hiện với dân văn phòng.

XEM LẠI THÔNG TIN DIỄN RA TRONG KỲ NGHỈ


“Ngái nghỉ” sau 4 ngày xả hơi

8h sáng, ngoại trừ một số công sở yêu cầu bắt buộc nhân viên phải có mặt đúng giờ để quẹt thẻ ra vào tính điểm, nhiều cơ quan thoải mái về giờ giấc hơn vẫn không thấy một bóng người. Lác đác đến 8h30 mới thấy một vài người uể oải đến với tâm trạng mệt mỏi.

Rất nhiều gia đình đi du lịch vào 4 ngày nghỉ dài nên 'dư âm' của những ngày vui chơi vẫn còn đọng lại. Nhiều người rơi vào tâm lí “ngại dậy sớm, ngại đi làm”.

Máy tính đã bật nhưng người còn đi …buôn chuyện
Chị Lương Hoàng Anh, nhân viên văn phòng tại phố Láng Hạ (Hà Nội) cho biết: “Mình đến công ty lúc 8h30 mà chả thấy ai xuất hiện, biết ngay là mọi người đi chơi về mệt vẫn còn ngủ ngon, nhất là hôm nay trời lại se lạnh nên chả ai muốn dậy sớm đâu. Nhưng chả nhẽ cả cơ quan mà chả thấy ai đến lúc 8h30 thì cùng kì nên mình cố đến. Giờ đến cũng chưa định hình ra mình sẽ làm việc gì trong ngày”.

Với những công sở bắt buộc phải đi làm đúng giờ, tâm trạng “ngái nghỉ” vẫn còn theo đuổi mọi người. Lên cơ quan, nhưng chủ đề chính mà mọi người bàn luận là về các khu vui chơi dịp nghỉ lễ “Sa Pa có đông khách lắm không”, “Đà Nẵng bắn pháo hoa đẹp thế, mình lười chen nên giờ mới thấy phí”…

Facebook sáng nay sáng rực các nickname online, mọi người thi nhau ngồi chỉnh ảnh, đưa ảnh lên trang cá nhân để khoe chuyến đi, bình luận về ảnh của bạn bè.

Một lí do nữa khiến các công sở trở nên vắng vẻ như vậy, là bởi, một số người chọn điểm du lịch tại các nơi đông khách, không lường trước được nên không đặt vé tàu, vé máy bay để về.

Cuối cùng, đến sáng hôm nay, một số du khách vẫn đang kẹt lại tại điểm du lịch.

Trao đổi với PV VietNamNet, anh Linh, nhân viên một trung tâm dạy tiếng Anh cho biết, đoàn của gia đình anh đi Sa Pa đến 20 người, nhưng do nghĩ rằng vé tàu về mua dễ nên đến lúc ra ga cả đoàn mới ngã ngửa là đã hết vé từ lâu.

Vì thế, sáng hôm nay, anh mới mua được vé tàu cho cả nhà về Hà Nội. Nhiều người trong đoàn đang phải gọi điện xin sếp nghỉ thêm 1 ngày.

Trong khi đó, một số công sở cũng vắng bóng vì chị em rủ nhau đi mua thêm quần áo chào hè vào buổi sáng hôm nay vì gần như công sở nào cũng được tiền thưởng nhân dịp 1/5 và các trung tâm mua sắm thì lại đang vào đợt giảm giá, khuyến mại.

Người lãng đãng, kẻ căng thẳng

Chị Ngọc Minh, nhà ở khu Tập thể Vĩnh Hồ cho biết, mặc dù cơ quan không ép giờ đi làm sớm, nhưng chị vẫn phải dậy đưa con đi học lúc 7h30.

Vì thế, chị vẫn đến cơ quan đúng giờ sau ngày nghỉ lễ. Nhưng lên đến nơi, chị chưa định hình được mình sẽ làm gì. “Nghĩ mãi cũng vẫn thấy đầu mơ màng đến sóng biển, nắng vàng thì chắc là đến đầu giờ chiều mới tập trung làm việc được, giờ cứ phải lên blog khoe ảnh và xem bạn bè mình đi chơi ở đâu đã”.

Facebook tràn ngập hình ảnh khoe chuyến đi chơi
Cùng tâm trạng với chị, nhiều dân công sở thừa nhận, đi làm sáng ngày 4/5 chỉ là 'đối phó với sếp' về việc có mặt sau ngày nghỉ, chứ thật ra, nghỉ dài ngày cũng muốn tụ tập café với bạn bè để nói chuyện chuyến đi chơi, nhất là hôm nay, trời Hà Nội mưa lâm thâm, rất thích hợp cho việc... tán chuyện.

Tuy nhiên, với một số người, ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ là khá căng thẳng. Bởi, khối lượng công việc đồ sộ chất lại sau 4 ngày khiến nhiều người cảm thấy bị quá tải ngay khi ngồi vào máy tính để làm việc.

Chị Hồng Hà, nhân viên một công ty du lịch cho biết, 4 ngày nghỉ lễ, cả công ty chị phải gồng mình lên để phục vụ du khách. Nhưng đến ngày hôm nay thì cả bộ máy vẫn phải làm việc hùng hục để lo cho khách về, giải quyết các vấn đề với nhà xe, khách sạn, nhà hàng… Thành ra, với nhân viên công ty chị, không có khái niệm “lãng đãng” vào ngày này.

Còn chị Thu Hương, giáo viên trường Marie Curie cho biết: “Nghề giáo sau những ngày nghỉ kiểu này vất vả hơn nhiều. Vừa phải lo giữ nề nếp học lại phải nhanh chóng ‘khôi phục’ những chệch choạc giờ giấc, lại vừa phải làm sao kéo học trò 'về lại việc học', chứ đừng để đầu óc trên mây trên gió”.

Thu Lý