- Sau vụ chìm tàu Dìn Ký, các nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn vẫn còn chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn cho thực khách.

Toàn cảnh vụ chìm tàu
Vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 20/5 đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, người nước ngoài.


Áo phao cất trong kho

Tối 23/5, lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy (Sở GTVT TP.HCM) kết hợp với Cảnh sát giao thông đường thuỷ TP.HCM bất ngờ kiểm tra các nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn.

Nhiều nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn có thiết kế giống tàu Dìn Ký
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, khi đoàn tiếp cận tàu SG 0168 (kinh doanh dịch vụ ăn uống), đang neo đậu tại bến Bạch Đằng (Q.1) thuỷ thủ trên tàu mới vội vội vàng vàng lấy áo phao cứu hộ cất trong tủ ra đặt dọc trên booong.

Theo giấy phép, chiếc tàu này được phép chở 350 hành khách, nhưng số ao phao tại thời điểm kiểm tra trên boong chỉ có 210 chiếc. Chủ phương tiện biện minh, do tàu đang chỉnh trang nên nhiều áo phao được cất ở… trong kho.

Khi đoàn tiếp cận tàu SG 0168, thuỷ thủ mới mở tủ lấy áo phao ra.
Chưa hết, theo ghi nhận của chúng tôi, tất cả các áo phao trên tàu được bọc chặt trong bịch nylon. Liệu khi xảy ra sự cố, thực khách có đủ bình tĩnh để xé bịch nylon, lấy áo phao ra mặc vào người!?

Chưa hết, theo biên bản kiểm tra, chiếc tàu này hiện đang hoạt động trong tình trạng không có giấy phép Bến thuỷ nội địa (giống như tàu Dìn Ký - PV).

Nhiều áo phao cũ kỹ, lại bọc trong bịch nylon.
Kiểm ra một chiếc tàu khác, có thiết kế giống như tàu Dìn Ký, theo đoàn kiểm tra, chiếc tàu này có đầy đủ giấy tờ theo qui định.

Tuy nhiên, các áo phao cứu hộ lại được đặt khuất bên dưới các bàn ghế. Trong khi đó, nhiều thực khách không biết có sự hiện diện của các áo phao này.

Ngày 24/5, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho hay, sáng nay đoàn kiểm tra của Bộ bắt đầu kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về an toàn tàu thủy chở khách tại TP.HCM và Bình Dương.

Theo biên bản kiểm tra, tàu SG 0168 hiện không có giấy phép neo đậu tại khu vực bến Bạch Đằng.
Nói với báo này, ông Đỗ Trung Học - Trưởng phòng Đường sông - Cục Đăng kiểm VN cho biết qua kiểm tra sẽ đưa ra những quy chuẩn bắt buộc tàu thủy chở khách phải thực hiện. Hiện nay tàu thủy chở khách và chở hàng có quy trình kiểm định tương đương nhau nhưng đối với tàu chở khách cần phải được kiểm soát chặt, có chế tài hành chính nhằm tránh những tai nạn thương tâm.

Thuyền dỏm, bằng giả

Chỉ trong vòng 4 tháng, Phòng Cảnh sát đường thuỷ TP.HCM đã phát hiện hơn 18.000 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, trong đó có hơn 1.200 trường hợp tái phạm.

TP.HCM đang vào mùa mưa, nguy cơ xảy ra tai tạn đường thuỷ cao nhưng nhiều ghe, thuyền cũ kỹ vẫn chở khách vượt số lượng qui định…

Đò không đảm bảo an toàn vẫn chở đầy ắp khách vượt sông Sài Gòn.
Ngày 23/5, theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại bến dò An Lợi Đông (Q.2, TP.HCM), nhiều chuyến đò nhỏ bé vẫn chở đầy ắp khách vượt sông Sài Gòn bất chấp nguy hiểm.

Nhìn những chiếc đò này chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến cảnh trời đổ mưa, nổi gió bất thường khi đò ra giữa sông…

Nhiều phương tiên lưu thông trên sông Sài Gòn không đảm bảo an toàn, nguy cơ xảy ra tai nạn cao
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2011, đơn vị này đã phát hiện và lập biên bản hơn 18.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ, trong đó có hơn 1.200 trường hợp vi phạm tái diễn.

Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ còn phát hiện 4 trường hợp sử dụng bằng giả để điều khiển phương tiện. Ngoài ra đơn vị này còn tước quyền sử dụng bằng (có thời hạn) 5 trường hợp và tạm giữ nhiều phương tiện đường thuỷ không đảm bảo an toàn.

Được biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường thuỷ.

Đình chỉ hoạt động bến du thuyền Dìn Ký Cầu Ngang

Ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nói: “Sau vụ tai nạn này, tỉnh Bình Dương xem đây là một bài học đau xót trong công tác quản lý. Tỉnh sẽ tập trung xử lý vụ tai nạn, đồng thời xem xét quy định trong phân công trách nhiệm của từng ngành liên quan để tránh trường hợp khi có chuyện thì đùn đẩy trách nhiệm”.

Cũng theo ông Nam, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định đình chỉ hoạt động bến du thuyền khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang (xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, Bình Dương), đồng thời buộc ngừng mọi hoạt động phục vụ du khách tại nhà hàng - khách sạn Dìn Ký trên bờ sông Sài Gòn cũng như khu vực nhà hàng nổi đang lấn ra bờ sông.

Công tác quản lý quá buông lỏng

Ông Lê Quang Thuần - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch tỉnh Bình Dương - cho biết: “Có rất nhiều ngành quản lý khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang. Sở không cấp phép mà chỉ quản lý về mặt lưu trú, kinh doanh ăn uống”. Ông Thuần giải thích: Luật du lịch chỉ quy định khách sạn nổi cố định hoặc không cố định chứ không có khái niệm nhà hàng nổi. Vì vậy, sở không thể kiểm tra khi nhà hàng nổi đưa khách đi trên sông giống như trường hợp nhà hàng du thuyền Dìn Ký bị chìm. “Khi nhà hàng nổi làm du thuyền đưa khách trên sông thì việc kiểm tra cấp phép liên quan đến các ngành khác như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thủy, cục đường sông, đăng kiểm” - ông Thuần nói.

(Theo Tuổi Trẻ)

Trung Thanh

Toàn cảnh vụ chìm tàu
Vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 20/5 đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, người nước ngoài.