HTML clipboard
- Trải qua 7 năm tù tội, từng bị 2 lần tuyên án tử hình, nhưng vào tháng 5/2011 “tử tù” Lê Bá Mai được HĐXX TAND tỉnh Bình Phước tuyên vô tội. Vụ án xuất hiện tình tiết mới, Viện KSND tỉnh Bình Phước kháng nghị theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm thuộc TAND tối cao tại TP.HCM tuyên Lê Bá Mai phạm tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

Xung quanh vụ “kỳ án vườn mít” gây chú ý của dư luận trong nhiều năm qua, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng LS Người Nghèo) – người nhận bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai trong vụ kỳ án.

Kháng nghị của VKS không đúng luật tố tụng?

- Là người bào chữa cho Lê Bá Mai, ông có cảm giác như thế nào về thông tin Viện KSND tỉnh Bình Phước đã chính thức kháng nghị bản án và đề nghị cấp phúc thẩm tuyên Mai phạm tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”?

Theo tôi Viện KSND tỉnh Bình Phước kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm, tuyên Lê Bá Mai phạm hai tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” thì về mặt câu chữ là không đúng quy định Bộ luật tố tụng hình sự.

Luật sư Trịnh Thanh chúc mừng Lê Bá Mai trong ngày đầu tự do sau 7 năm bị giam giữ.


Theo điều 250 của Bộ luật này thì Viện KSND chỉ có quyền kháng nghị theo hướng đề nghị tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng có tội mà thôi. Tất nhiên trong trường hợp này luật sư chúng tôi còn phải chờ xem Viện phúc thẩm Viện KSND tối cao có kháng nghị thêm hay không, bởi cơ quan này vẫn còn thời hạn còn quyền kháng nghị tiếp.   

- Bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai trong một vụ án phức tạp và kéo dài như thế này, cá nhân ông có cảm thấy áp lực?  
 
Tất nhiên trách nhiệm để xảy ra oan sai thì luật đã dự liệu, nhưng vẫn còn một vấn đề khác, đó là trách nhiệm của giới luật sư đối với thân chủ của mình. Chẳng lẽ cơ quan tố tụng để xảy ra oan sai thì phải kỷ luật, còn luật sư thì không sao?

Người ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Luật sư bào chữa thế nào khi thân chủ bị oan sai, bị giam giữ 7 năm trời mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ. E rằng, luật sư muốn tự bào chữa cho mình cũng khó. Do vậy không thể nói là ở giai đoạn này tôi không còn bị áp lực nữa.          

- Trách nhiệm bào chữa của luật sư cho thân chủ của mình có đồng nghĩa với bảo vệ sự thật của vụ án, bảo vệ pháp luật?  


Về trách nhiệm bảo vệ sự thật, bảo vệ pháp luật, pháp luật ta đã giao cho ngành công an, Viện KSND, TAND…. Còn với luật sư, trách nhiệm là bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trên cơ sở pháp luật.
 

Đại diện Viện kiểm sát Bình Phước trong phiên xét xử”ký án vườn mít” vào tháng 5/2011.


Theo tôi, người luật sư thông qua cơ chế tranh tụng dân chủ mà pháp luật đã giao, bào chữa cho thân chủ của mình, thì cũng chính là bảo vệ sự thật, bảo vệ pháp luật chứ còn gì nữa. Đây cũng là thiên chức của nghề luật sư, nhưng cũng không nên nhầm lẫn trách nhiệm của luật sư với trách nhiệm của các cơ quan khác.

Đã có một bản án tiến bộ

- Vậy theo luật sư thì Lê Bá Mai có bị oan hay chỉ vì vụ án không có chứng cứ buộc tội vững chắc nên tòa phải tuyên vô tội?

Oan chứ sao không. Trong vụ án này không có bất cứ chứng cứ vật chất nào như dấu vết, hay các đồ vật gì tại hiện trường có liên quan đến Lê Bá Mai và đến giờ này cũng đã có thể khẳng định là của người khác rồi.

Vụ án chỉ được dựng lại thông qua hai nguồn lời khai mà thôi. Một là lời khai của các nhân chứng, nhưng những người này lại có mâu thuẫn với lời khai của Mai từ trước và cũng liên tục thay đổi lời khai nên không thể dùng để buộc tội được.

Còn bị cáo đã phải ở trong trại giam gần 7 năm, có lúc đã nhận đi, nhận lại rồi mà có phù hợp với nhân chứng, hiện trường… đâu. Điều này cũng đã cho thấy Mai không phải là hung thủ nên không thể khớp được với những gì thể hiện trong hồ sơ vụ án.  

- Ông vừa nói đến chi tiết thân chủ của mình đã từng “nhận đi nhận lại”, vậy tại sao bị cáo đã nhận tội rồi mà tòa lại không tuyên phạt tử hình như trước đây mà lại tuyên vô tội?

Tại sao bị cáo lại khai nhận ư? Đây cũng là câu hỏi đã được lật đi lật lại tại phiên tòa sơ thẩm và cũng đã được bị cáo lý giải là do trình độ nhận thức thấp, lại bị đánh đập,… nên mới nhận bừa đi thôi.

Nhiều người sẽ còn nhắc đến bản án của HĐXX TAND tỉnh Bình Phước khi tuyên Lê Bá Mai vô tội vào phiên xử tháng 5/2011.


Vả lại Bộ luật tố tụng của ta cũng đã có quy định: Không được dùng lời khai nhận tội của bị cáo để buộc tội nếu những lời khai đó không phù hợp với các chứng cứ khác. Do đó, HĐXX vận dụng quy định này để tuyên bị cáo vô tội là hoàn toàn đúng luật.  

- Theo chúng tôi được biết, theo luật, HĐXX có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Thực tế cũng đã có trường hợp 1 vụ án ở Khánh Hòa tòa trả đã hồ sơ đến…10 lần. Vậy tại sao vụ án này lại không?

Vụ án này HĐXX cũng đã trả hồ sơ rồi nhưng cơ quan tố tụng không thể làm rõ và cũng không lý giải được những mâu thuẫn như đã nói ở trên. Bên cạnh đó, bị cáo cũng đã bị giam giữ gần 7 năm rồi còn gì. Nếu tiếp tục trả hồ sơ vụ án, lại “du di” cho Viện KSND thì quyền công dân sẽ không được tôn trọng.

- Nói như luật sư thì bản án sơ thẩm là đúng luật không có gì phải bàn cãi, đúng không?

Không hẳn thế. Theo Bộ luật tố tụng hình sự, thì tòa cấp phúc thẩm vẫn có quyền chấp nhận kháng nghị của Viện KSND hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Nhưng dù cấp phúc thẩm có chấp nhận kháng nghị hay bác kháng nghị, thì chắc chắn những tư tưởng tiến bộ khi quyết định tuyên vô tội mà không tiếp tục trả hồ sơ vụ án đã là một dấu ấn khó phai và giới luật sư chúng tôi và sẽ còn nhiều người phải nhắc tới bản án này.

Theo tôi, nếu không có tài liệu chứng cứ gì mới làm thay đổi bản chất vụ án thì khả năng bản án sơ thẩm được giữ nguyên là rất cao. Bởi bản án cũng đã đánh giá tương đối khách quan, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Còn giả sử bản án có những sai sót “râu ria” thì chỉ cần cắt tỉa đi thôi, không nên câu nệ quá.

- Ông dự đoán như thế nào về kết quả của phiên xét xử phúc thẩm sắp tới?

Theo suy nghĩ của tôi, nhiều khả năng phiên tòa sẽ y án sơ thẩm.

Xin cám ơn luật sư !

Đàm Đệ (thực hiện)