– Trong nghệ thuật xiếc, ngoài xiếc người thì xiếc thú là một phần không thể thiếu. Khi tham gia biểu diễn, các con thú cũng là một diễn viên. Nhưng để có những màn trình diễn xiếc thú đủ khả năng thu hút sự chú ý của khán giả, những nghệ sĩ (đảm nhận công việc huấn luyện và trình diễn xiếc thú) đã phải trải qua không ít khó khăn để biến một con thú hoang trở thành một diễn viên!


Biến thú hoang thành diễn viên

Anh Nguyễn Văn Hoàn, diễn viên đoàn xiếc thú (Liên đoàn xiếc Việt Nam) cho biết nhìn những động tác biểu diễn trên sân khấu của một chú gấu tưởng chừng rất đơn giản nhưng huấn luyện viên phải tập luyện cùng chúng cả năm trời chứ không phải chuyện đùa.

“Chỉ để cho nó biết ngồi im trên ghế cũng mất đến nửa năm. Huấn luyện viên không cho phép nó ra khỏi ghế để rèn tính kỷ luật. Hay như động tác đi từ trong cánh gà ra sấn khấu thế nào cũng phải rèn gấu cả năm trời”, anh kể.

Đây là động tác thăng bằng trên dây. Một người bình thường đứng trên dây đã khó khăn, nhưng chú gấu này không những phải đứng ngang trên sợi dây mà còn phải đối mặt với việc sợi dây được đung đưa qua lại. Làm được động tác này, anh Hoàn cho biết chú gấu phải tập luyện suốt cả năm trời (Ảnh: N.A)

 

Tiết mục gấu đi xe đạp (Ảnh: N.A)

Trực tiếp chứng kiến một buổi tập của anh Hoàn với 3 chú gấu mới thấy quá trình ấy khó khăn thế nào, bởi dù bây giờ đã diễn được rồi nhưng chỉ cần “lơ là” một chút là các chú gấu lại làm sai như thường.

Anh Hoàn đặt tên cho 3 chú gấu lần lượt là Nhất, Nhị, Tam (3 chú gấu rất giống nhau và được đưa về Liên đoàn xiếc từ khi mới được vài tháng tuổi). Điều đặc biệt là mỗi chú gấu này đều rất thuộc tên của mình.

Anh Hoàn chỉ cần lớn tiếng gọi “Nhất”, là y như rằng con Nhất lũn tũn chạy từ trong cánh gà ra rồi ngoan ngoãn làm theo lời anh!

“Chúng nó biết hết tên của mình đấy. Và nghe mình nói là nó hiểu”, anh Hoàn cho biết.

Để minh chứng cho sự hiểu của những chú gấu này, anh Hoàn vừa giảng giải cho phóng viên vừa luyện động tác chào cho con Nhị.

Mỗi khi làm xong một động tác, anh Hoàn hô: “Giơ tay” là y như rằng con Nhị lon ton chạy từ giữa sân khấu lên phía trước rồi giơ một cánh tay lên.

Nếu con Nhị “ì” ra, không chịu giơ cao, giơ thẳng, anh Hoàn chỉ cần gằn giọng quát một tiếng: “Tay kìa, tay kìa” là chú gấu tự hiểu mình chào chưa chuẩn và lập tức giơ tay cao hết cỡ!

Các con gấu cũng rất láu cá, chúng thường không muốn họat động nhiều hoặc thực hiện các động tác mạnh để đỡ mất sức. Ví dụ như động tác múa gậy, nếu anh Hoàn không liên tục giục thì chúng sẽ quay rất hời hợt!

Màn trình diễn của chú voi gây thích thú cho các khán giả nhí ở sân khấu của Liên đoàn Xiếc VN sáng 21/8 (Ảnh: N.A)

Hầu hết những con thú ở Liên đoàn xiếc Việt Nam đều được tuyển chọn từ các trại nuôi hoang dã về, vì thế, những ngày đầu mới về, chúng rất nguy hiểm, có thể lồng lên, cắn, vồ, đánh bất kỳ người nào chạm đến.

Có điều đặc biệt là không phải con thú nào cũng đủ tiêu chuẩn để trở thành diễn viên xiếc. Ví dụ với một con ngựa đạt chuẩn phải là “mặt thỏ”, “cổ công”, “chân khô”, “móng tròn” và chạy nước kiệu thật đẹp. Chỉ cần chạy nước kiệu mà mắc lỗi thôi thì có đẹp đến mấy cũng phải bỏ.

Hay như một con trăn đạt chuẩn phải là con trăn có hoa văn trên lưng sặc sỡ, cổ trăn phải vàng sáng. Gấu, khỉ, chó… được lựa chọn cũng đều có những chuẩn nhất định cần phải đạt (về hình thức, khả năng phản xạ nhanh nhạy và khéo léo, vv..).

Coi thú như con

Anh Hoàn cho biết, các con thú khi được đưa về Liên đoàn xiếc để phục vụ việc biểu diễn ban đầu thường rất hung dữ.

Bản năng tự nhiên của chúng rất mạnh và thường chúng chẳng “từ” ai bao giờ nếu thấy người đó có ý đồ không tốt với mình.

Vì thế, phải có cách để tiếp cận rồi dần dần thuần hóa và phát huy các khả năng của chúng.

Tiết mục chó khiêu vũ (Ảnh: N.A)

Nguyên tắc đầu tiên là phải nắm rõ được đặc tính của từng loài thú, từng con thú là điều tối quan trọng đối với một diễn viên xiếc thú.

“Cái khó nhất là làm sao để các con thú hiểu được mình muốn gì và mình cũng phải hiểu được con thú muốn gì”, anh Hoàn nói.

Chính từ điểm khó khăn này mà quá trình làm quen, huấn luyện thú trở thành một hành trình khám phá, “giải mã” những bí ẩn của cả hai bên.

Anh Hoàn lấy ví dụ: Con thú cũng như con người vậy, có lúc vui lúc buồn và người nuôi thú, gần thú chỉ cần nhìn vào tác phong, thái độ của nó là biết nó đang như thế nào.

“Nếu nó đang buồn mà mình ép nó làm trò này trò khác thì sẽ thất bại, chưa kể đến chuyện nó “nổi khùng” sẽ gây nguy hiểm cho mình. Thông thường vào những hôm “trái nắng trở trời”, vào những lúc nó đang khó chịu thì nó sẽ bật lại mình và không muốn làm bất cứ điều gì”, anh Hoàn kể.

"Với một con thú, người dậy cần dùng tình cảm chân thành để thuần hóa nó. Ngay cả với một con vật rất bướng bỉnh nhưng nếu thân thiện với nó rồi, nó sẽ nghe lời mình", anh Hoàn đúc kết.
Hiểu được thú thì trong lúc như vậy, các huấn luyện viên phải kiên trì tìm mọi cách, thậm chí phải hoãn lại buổi tập để chờ thú “vui vẻ” trở lại. Bởi nếu cứ cố ép thú ngay từ đầu thì con thú sẽ tổn thương…

Ở chiều ngược lại, người dạy thú cũng phải có khả năng khiến con thú hiểu được mình muốn gì bằng cách đưa ra các câu nói đi kèm hành động để rèn phản xạ cho thú.

Qua một thời gian, chỉ cần nghe khẩu hiệu đó là con vật tự hiểu là người huấn luyện muốn nó phải làm gì.

Theo anh Hoàn, các con thú thông minh thường rất dữ. Vì thế, cái tài của người dạy thú là phải hiểu và làm sao khai thác được khả năng của nó trong “hòa bình”!

Để làm được điều này, người dạy thú ngoài việc hiểu được tâm trạng con thú, thì cần nắm rất rõ về đặc tính từng loài, điểm mạnh điểm yếu của chúng để có cách chế ngự.

Ví dụ voi là động vật thông minh nhưng thần kinh yếu. Chỉ cần bị giật mình, voi có thể quay đầu bỏ chạy (dù là đang ở trên sân khấu) và thật hết sức “vô phúc” cho những vật cản trên đường!

Việc chăm sóc một con thú diễn cũng đòi hỏi sự kỳ công. Bởi thú cũng có lúc ốm đau, trái nắng trở trời, nếu không chăm sóc cẩn thận (như chăm trẻ nhỏ) thì chúng có thể ốm dễ dàng. Đặc biệt, chúng có một chế độ ăn khá khắt khe để đảm bảo đủ sức khỏe nhưng không bị gầy hoặc béo phì.

Cũng vì sự gắn kết thân tình này mà có những thời điểm các con thú chết vì ốm đau, già yếu, anh Hoàn cũng như những người trong đoàn rất buồn.

Các con thú thông minh này còn gắn bó với cả con cái của các nghệ sĩ huấn luyện. Khi chúng chết, có nhiều cô bé cậu bé từng được dẫn thú đi chơi cùng đã òa khóc nức nở...

Ngọc Anh

(còn nữa)