- “Để sư tử biển chết, chúng tôi xin nhận trách nhiệm về công tác tuyên truyền, vận động của chi cục chưa tốt, nên chưa hiệu quả, chưa thuyết phục được ngư dân bắt được con sư tử biển đó”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Bình.

Sau khi sự việc cá thể sư tử biển chết tại nhà ngư dân Nguyễn Văn Diện (thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), dư luận quan tâm đến trách nhiệm của  các cơ quan chức năng tại Quảng Bình.

Để rõ hơn về vấn đề này, ngày 11/10, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Phú, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình.

Ông Lê Minh Phú Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình trả lời phỏng vấn.
- Xin ông cho biết sau khi nhận được thông tin ngư dân ở xã Quảng Đông bắt được con sư tử biển thì Chi cục KT&BV nguồn lợi thủy sản tỉnh đã làm gì?

Chúng tôi đã cử đại diện về làm việc với gia đình ngư dân đó và tuyên truyền, vận động họ bàn giao con vật đó cho cơ quan chức năng mà họ không chấp nhận.

Những lần sau đó, chúng tôi tiếp tục về làm việc với gia đình các ngư dân để vận động họ nhưng họ vẫn không chấp nhận bàn giao.

Khi vận động họ bàn giao không được, chúng tôi tạm thời thỏa thuận để họ giữ con vật đó lại, đảm bảo sự sống cho nó trong thời gian chúng tôi liên lạc với Viện Hải Dương học ở Nha Trang đề nghị họ tiếp nhận con vật này.

Nhưng sau đó, ngư dân này đã đòi hỗ trợ 25 triệu là quá cao. Trong khi chi cục không có nguồn quỹ nào để làm việc đó. Xưa nay chưa hề có tiền lệ hỗ trợ kiểu như thế.

- Trong thời gian gia đình ngư dân nuôi con sư tử biển tại nhà, theo phản ánh, đại diện Chi cục KT&BV nguồn lợi thủy sản không về kiểm tra, tư vấn kĩ thuật chăm sóc?

Thực ra, Chi cục cũng không có ai có trình độ chuyên môn về chăm sóc loài sư tử biển này. Nó là loài vật lần đầu tiên xuất hiện ở Quảng Bình nên Chi cục cũng lúng túng, không am hiểu để mà tư vấn cho người ta.

- Trước đó, ngày 15/8, đại diện Chi cục là ông Lê Minh Tuấn- Phó phòng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đưa ra mức hỗ trợ 5 triệu đồng cho ngư dân bắt được con sư tử biển. Đến ngày 24/8, ngư dân này chấp nhận mức hỗ trợ đó và đã cùng với chính quyền địa phương xã Quảng Đông nhiều lần liên lạc với đại diện chi cục mà không nhận được hồi âm?

- Tôi không nhận được thông tin đó, cũng không được báo cáo lại. Nếu nhận được thông tin đó thì chúng tôi đã về làm việc với gia đình để tiếp nhận con sư tử biển đó.

Nếu như việc ngư dân và chính quyền xã Quảng Đông thật sự đã liên lạc nhiều lần mà ông Tuấn không báo cáo lên thì chúng tôi sẽ làm rõ để xem xét, xử lý với cấp dưới của mình.

Hình ảnh con sư tử biển khoẻ mạnh khi còn sống đang được nuôi tại nhà ngư dân Nguyễn Văn Diện.

- Sau khi nhận được thông tin con sư tử biển đã chết, Chi cục đã làm gì?

Thứ 7 tuần trước, chúng tôi đã liên lạc với gia đình ngư dân nuôi con sư tử biển đó và chính quyền địa phương xã Quảng Đông để làm việc nhưng chưa được. Thứ 5 tới, chúng tôi sẽ về làm việc cụ thể.

- Theo ông, dựa vào cơ sở nào để tìm được nguyên nhân cái chết của con sư tử biển?

Sẽ rất khó để xác định được nguyên nhân cái chết của nó. Vì Chi cục không ai có năng lực, trình độ chuyên môn về loài vật này.  

Chúng tôi cũng chỉ có thể nhận định nó sống trong điều kiện môi trường chăm sóc của con người là không phù hợp.

- Mục đích của việc về tìm hiểu nguyên nhân cái chết của con sư tử biển của Chi cục trong những ngày tới là gì?

Cũng chỉ để rút kinh nghiệm, tuyên truyền, vận động ngư dân lần sau đi biển có gặp loài vật đó thì đừng bắt nó. Còn về việc xử phạt thì khó có cơ sở và chúng tôi cũng không có thẩm quyền.

- Việc để cho ngư dân nuôi con sư tử biển đó hơn 2 tháng rồi chết, cơ quan chức năng, mà ở đây là Chi cục KT&BV nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm gì?

Với loài vật đó, chúng tôi cũng chỉ biết vận động, tuyên truyền chứ không có chức năng gì khác.

Để nó chết, chúng tôi xin nhận trách nhiệm về công tác tuyên truyền, vận động của chi cục chưa tốt, nên chưa hiệu quả, chưa thuyết phục được ngư dân bắt được con sư tử biển đó.

- Ông đánh giá thế nào về mức độ quý hiếm của con sư tử biển đã chết?

Thật ra mà nói, loài sư tử biển đó không phải là động vật quý hiếm. Mặc dù nó có tên trong công ước CITES, không được khai thác, chế biến, vận chuyển… với mục đích thương mại. Hộ gia đình vẫn có thể nuôi nó với điều kiện được cấp phép.

Xin cảm ơn ông!

Trần Văn – Duy Tuấn (thực hiện)