- 3 khách mời là TS Khuất Việt Hùng, ông Nguyễn Hoàng Giáp và ông Nguyễn Khánh Toàn đã giao lưu trực tuyến về các vấn đề nóng của giao thông...

Toàn cảnh 'cách mạng giao thông' VN
VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên. Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết.

Sau khi VietNamNet mở diễn đàn 'cách mạng cho giao thông Việt Nam', đã có hàng ngàn ý kiến phản hồi và tham gia đóng góp, kiến kế của độc giả.

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho hay, bản thân ông và Bộ ghi nhận những ý kiến đóng góp trong diễn đàn và mong độc giả VietNamNet tiếp tục ủng hộ những giải pháp của ngành để tình hình giao thông được tốt hơn.

Chưa bao giờ lĩnh vực giao thông lại nóng như bây giờ khi Chính phủ và Bộ GTVT và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM liên tục đưa ra những giải pháp.

Buổi giao lưu trực tuyến diễn ra lúc 9h sáng thứ 5, ngày 3/11, tại toà soạn VietNamNet. Các khách mời tham gia giao lưu gồm:

- Ông Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm hợp tác Quốc tế về đào tạo và nghiên cứu, kiêm Trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội

- Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

- Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

Nguyễn Thanh Lịch, nam, 37 tuổi: Theo các vị, quan điểm của Bộ trưởng Thăng đưa ra nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trước mắt của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là thay đổi giờ làm việc, giờ học có phù hợp không? ông có hoàn toàn ủng hộ quan điểm này không?? tại sao?

Ông Khuất Việt Hùng: Theo quan điểm của tôi, những đề xuất của Bộ trưởng là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển  của giao thông vận tải đô thị trong các thành phố. Trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, các thành phố sẽ nghiên cứu đề có phương án cụ thể phù hợp với đặc thù về phát triển đô thị, hệ thống GTVT và hoạt động KTXH của thành phố và trình chính phủ phê duyệt để thực hiện.
 



 

 

Phạm Mạnh Giao, nam, 57 tuổi: Trong những cảnh ùn tắc luôn là hình ảnh hỗn độn giữa xe hơi và xe máy. Phân làn giao thông là một giải pháp tránh ùn tắc. Nhưng tại sao không phân hẳn một con đường dành riêng từng loại xe?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Hiện trạng trên địa bàn thành phố, đang có đa dạng phương tiện hoạt độngChưa được phân thành các làn phương tiện khác nhau. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây nên tai nạn giao thông. Do vậy việc phân làn giao thông như thành phố đang chỉ đạo hiện nay được coi là giải pháp nhằm làm giảm ùn tắc giao thông và tạo ra sự văn minh trong giao thông đô thị. Tuy nhiên, hiện nay do hạ tầng giao thông của thành phố chưa đủ để đáp ứng với việc phân làn một cách hoàn chỉnh. Các tuyến phố trong nội đô thường nhỏ, gồm nhiều ngã ba ngã tư trong khi nhu cầu đi lại của nhân dân rất lớn vì vậy nếu phân hẳn một con đường dành riêng cho từng loại xe chưa thể đáp ứng ngay được.

Theo các vị, quan điểm của Bộ trưởng Thăng đưa ra nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trước mắt của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là thay đổi giờ làm việc, giờ học có phù hợp không? ông có hoàn toàn ủng hộ quan điểm này không?? tại sao?

Ông Khuất Việt Hùng: Theo quan điểm của tôi, những đề xuất của Bộ trưởng là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển  của giao thông vận tải đô thị trong các thành phố. Trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, các thành phố sẽ nghiên cứu đề có phương án cụ thể phù hợp với đặc thù về phát triển đô thị, hệ thống GTVT và hoạt động KTXH của thành phố và trình chính phủ phê duyệt để thực hiện.

Hoàng Trung Tuý, nam, 60 tuổi: Tại sao trên một số địa phương biển báo hạn chế tốc độ xe 40km/h đã được dỡ bỏ, thay vào đó là biển 50km/g, như đoạn qua Cống Kẻ gỗ, Cầu Tàu Voi hoặc cầu Khe Lũy thuộc Kỳ anh, Hà tĩnh. Mà tại đèo Lý hòa tỉnh Quảng Bình vẫn tồn tại biển 40km/h. Lái xe vẫn bị bắn tốc độ và bị xử lý. Có gì khuất tất trong việc quy định này.

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Hầu hết hiện nay trên các tuyến QL biển báo 40/ km h đã bị giỡ bỏ nhưng trong những trường hợp đặc biệt như những đoạn đường có khúc quơ, tầm nhìn bị che khuất mà chưa khắc phục được....  Không ai có thể tự nhiên để lại biển cấm đó được cho nên không có gì khuất tất ở đây cả. Cũng có thể do sự giải quyết của cơ quan quản lý chưa kịp thời.

Nguyễn Đoan Trang, nữ, 60 tuổi: Với điều kiện hạ tầng giao thông hiện tại của HN và TP.HCM hiện nay ông có lo ngại về việc xe buýt không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại khi tiến hành hạn chế xe cá nhân?

 

 

 

Ông Khuất Việt Hùng: Với điều kiện hạn chế về CSHT hiện tại của HN và TPCM thì  cần phải có giải pháp quản lý, điều tiết nhu cầu sử dụng phưong tiện cơ giới cá nhân phù hợp, đặc biệt là xe ô tô con cá nhân, nhằm ưu tiên quyền sử dụng dụng đường cho xe buýt , tạo điều kiện để nâng cao  năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của xe buýt. Khi đó, xe buýt sẽ hoàn thành nhiệm vụ là công cụ hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Lê Văn Cừ, nam, 33 tuổi: Để giảm ùn tắc GT, Bộ trưởng khuyến khích đi xe bus , như bây giờ chưa hạn chế xe cá nhân xe bus đã quá tải vậy nếu hạn chế xe cá nhân (cấm hoàn toàn xe máy, ôtô), giải quyết thế nào ?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Về vấn đề này, để giải quyết ùn tắc giao thông thì có một giải pháp hết sức quan trọng là tăng cường các phương tiện giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên thực tế mà nói chưa ai có thể cấm các phương tiện cá nhân mà chỉ là hạn chế số lượng các phương tiện xe cá nhân gia tăng và hạn chế xe lưu thông. Và nếu có cấm chăng, chỉ là cấm những tuyến đường nhất định, những giờ nhất định. Về giải quyết vấn đề này thì phải tổ chức lại hệ thống mạng lưới xe bus, thiết lập lại trật tự mạng lưới xe bus, nâng cao chất lượng phục vụ của loại hình phương tiện này.

Vũ Nam Thái, nam, 55 tuổi: các giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông HN và TP HCM đã được đưa ra từ nhiều năm, nay lại nhắc lại. Vậy tác giả của các giải pháp này đã tìm được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là gì? kinh nghiệm của các nước đã giải quyết là gì? giải pháp nào phù hợp với hoàn cảnh VN?

Ông Khuất Việt Hùng: Hà Nội và TPHCM chưa bao giờ có một chiến lược quản lý GTVT đô thị toàn diện để đảm bao có thể giải quyết hiệu quả vấn đề ùn tắc giao thông đô thị mà thường chỉ là những giải pháp đơn lẻ, rời rạc và không đuợc thực hiện một cách khoa học, quyết liệt, đến nới đến chốn. Vì vậy, chúng ta chưa đạt đựoc mục tiêu là giải quýet ùn tắc giao thông đô thị. Các nứoc khác để chống ùn tắc giao thông đô thị, ngưòi ta phải tiến hành nghiên cứu xây dựng những chiến lược toàn diện về quản lý GTVT đô thị một cách khoa học và thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả.

Nguyễn Lâm Hoài, nam, 29 tuổi: Bộ GTVT đang có kế hoạch hạn chế xe taxi vì cho rằng taxi là xe cá nhân, trong khi Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội lại cho rằng taxi cũng là phương tiện vận tải công cộng và không nên cấm. Vậy theo các chuyên gia nếu cấm xe cá nhân vào nội đô có nên cấm taxi không?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Tôi nghĩ rằng hạn chế các phương tiện xe cá nhân chúng ta cần xác định thế nào là xe cá nhân. Không nên gộp các loại xe dưới 10 chỗ là xe cá nhân, trong đó taxi cũng là loại hình vận tải công cộng. Với taxi nên có những quy hoạch tổng thể để phát triển trong quy hoạch. Trước mắt hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nên tạm dừng phát triển về số lượng taxi. 

Huy Hoàng, nam, 45 tuổi: Hiện nay Bộ GTVT và Hà Nội đang khuyến khích người dân chúng tôi đi xe buýt, nhưng con đường đi bộ từ nhà đế điểm dừng xe buýt đang bị lấn chiếm làm nơi để xe, buôn bán kinh doanh. Vậy xin hỏi thanh tra giao thông phải làm như thế nào để dân chúng tôi có đường đi bộ?

 

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Việc khuyến khích người dân đi xe bus và tạo thói quen đi bộ đối với các đô thị lớn như HN và TP. HCM. Trong bối cảnh sự phát triển về dân số và phương tiện cá nhân ở khu vực trung tâm thành phố ngày càng nhanh, đã vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, dùng các phương tiện công cộng là một trong những biện pháp nhằm giảm bớt sự tham gia của các phương tiện cá nhân trên đường.

Tuy nhiên hiện nay còn nhiều đường phố còn tình trạng kinh doanh buôn bán, việc để xe đạp xe máy đang chiếm dụng một phần hè phố là một thực trạng nhức nhối trên địa bàn thành phố. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và một bộ phận nhân dân vì lợi ích riêng của mình mà cố tình chiếm dụng hè phố. Vì vậy để giải quyết tình trạng trên cần có sự phân cấp trong quản lý một cách rõ ràng, cụ thể hơn.

Đồng thời lực lượng thanh tra cũng phải tăng cường kiểm tra, phối hợp xử lý các vi phạm. Chúng ta cũng cần có những chế tài xử lý mạnh hơn với các trường hợp cố tình vi phạm như tịch thu tang vật, phương tiện, thu hồi giấy phép kinh doanh…

 

Nguyễn Mạnh Hùng, 38 tuổi: Tôi có 2 câu muốn hỏi: 1/Tại sao các cơ quan chức năng không tạm dừng cấp giấy phép đăng ký xe máy và ô tô trong môi trường giao thông hỗn loạn ở Hà Nội hiện nay? dù sao thì cũng giúp không tăng số xe lưu thông lên nữa và ùn tắc giao thông cũng tạm thời không tăng thêm. 2/ Hiện tại, một ngày Hà Nội cấp đăng ký cho bao nhiêu xe máy và ô tô và cả nước một ngày là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Một ngày không thể nói đượ nhưng trong năm tháng đầu năm đã đăng kí mới 82.600 ô tô và khoảng 1 triệu 200 mô tô, xe máy. Từ đó bạn đọc có thể hình dung ra mức độ phát triển về số lượng phương tiện.

Trần Văn Quế, nam, 42 tuổi: Nếu hạn chế xe cá nhân, đồng nghĩa với việc sẽ cấm xe ô tô, xe máy vào nội đô, vậy theo các chuyên gia Hà Nội và TP HCM sẽ bố trí nơi để xe như thế nào cho người dân đi lại vào nội thành?

Ông Khuất Việt Hùng: Tôi tin rằng tại thời điểm này cần tiến hành nghiên cứu  đầy đủ và khoa học để  có thể xây dựng một đề án quản lý, sử dụng phưong tiện cơ giới cá nhân trong đô thị trong đó bao gồm cả những giải pháp về đỗ xe, về nang cao năng lực và hiệu quả phương tiện công cộng cũng như các giải pháp cải thiện điều kiện sử dụng phưong tiện phi cơ giới,.. trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt rồi mới thực hiện. Không nên cứ nghĩ ra ý tuởng rồi thực hiện ngay theo cách "thử-sai"

Nguyễn Cao Sơn, nam, 36 tuổi: Chúng ta đang cùng cả xã hội tìm giải pháp về vấn đề giao thông hiện nay.Các giải pháp đưa ra rất nhiều mà cái nào cũng có phần đúng, vậy tại sao cơ quan chuyên môn của ngành giao thông công chính không tổng hợp các ý đúng đó lại thành một giải pháp chung của toàn xã hội. Đừng giữ một giải pháp nào là của riêng ai vì có ai đúng cả đâu, phải vì trách nhiệm cộng đồng và sinh ra trưng cầu dân ý là thế. Vẫn còn nhiều vô văn hóa giao thông thì chúng ta chưa giải quyết được vẫn đề giao thông. Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát TTXH thay vì việc rình bắt phạt người vi phạm thì hãy ra đường hướng dẫn giao thông giải quyết ách tắc và phân làn đi. Những chiếc xe chở đất cát và chất thải quá tải hãy chở đủ tải trọng để khỏi vương vãi ra đường, không dùng còi hơi để làm náo động giao thông và gây ra cái chết bất chợt cho người bạn đường thì vấn đề giao thông cũng phần nào được tháo gỡ. Chương trình hạn chế vô văn hóa giao thông được các bộ liên quan tiến hành như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Các giải pháp về chống ùn tắc giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông đã được chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện từ nhiều năm. Các giải pháp này đã tổng hợp, định hướng những việc làm trước mắt và trong tương lai. Hiện nay các cơ quan chức năng tập trung thực hiện các giải pháp này theo tinh thần nghị quyết 32, 16 và 88 của chính phủ. Vấn đề quan trọng ở đây là tổ chức thực hiện các giải pháp này thế nào cho có hiệu quả, về cơ bản những ý kiến của các tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội gần đây quan tâm cũng chính để thực hiện các giải pháp mà chính phủ đã đưa ra.

Các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác cũng đang tiến hành đồng bộ hai biện pháp vừa tăng cường công tác hướng dẫn phân luồng giao thông ví dụ như phân làn phương tiện như hiện nay. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc xử lý nghiêm các vi phạm cũng là một  biện pháp giáo dục.

Xuân Quang, nam, 34 tuổi: Trong điều kiện cơ sở Hạ tầng giao thông Hà nội như hiện này, xin hỏi ông Khuất Việt Hùng nên có quy hoạch giao thông như thế nào để giảm được ùn tắc giao thông mà không ảnh hưởng nhiều đến đồi sống của người dân nội đô Hà Nội và TP.HCM?

Ông Khuất Việt Hùng: Quy hoạch giao thông như thế nào  ư? Cần quy hoạch theo phưong pháp quy hoạch khoa học dựa trên năng lực thực hiện, không quy hoạch theo kiểu "thánh gióng", quy hoạch theo kiểu"cho đẹp" quy hoạch theo kiểu "quy hoạch ấy mà". Còn hiện nay, việc cần làm là có một chiến lược quản lý GTVT đô thị toàn diện và phải trả lời đựoc 7 câu hỏi sau:

1. Chiến lược này có giúp làm giảm tổng thời gian đi lại của toàn bộ nhân dân sống và làm việc trong đô thị không?

2. có làm tăng số chuyến đi hay không?

3. Có làm tăng đựoc số hoạt động kinh tế-xã hội hay không?

4. Có làm giảm tổng chi phí vận tải đô thị không?

5. Có làm giảm đựoc lưọng phát thải và tiêu thụ nhiên liệu không?

6. Có làm giảm đuợc số vụ tai nạn và số người chết hay không?

7. Có làm giảm đựoc nhu cầu sử dụng đất đai/1 chuyến đi của người dân hay không?

Khi nào các chiến lựoc và các phương án trả lời và thoả mãn đựoc những câu hỏi này thì hãy nên thực hiện.

Nguyễn Ngọc Thạch, nam, 50 tuổi: 1/ Có 2 vấn đề nóng hiện nay về giao thông là: “Kẹt xe tai TpHCM” và “tai nạn giao thông”. Đã rất lâu, nước ta thực hiệu rất nhiều giải pháp nhưng tình hình không được cải thiện. Theo tôi, cũng như việc trị bệnh vậy, nếu không đánh giá đúng loại bệnh; hoặc không xác định được đầy đủ, không chính xác các nguyên nhân; thì sẽ không có thuốc để làm bệnh nhân hết bệnh. “Kẹt xe tai TpHCM” và “tai nạn giao thông” cũng tương tự: Nếu không đánh giá đúng và đủ các nguyên nhân; sẽ không có giải pháp tốt được và tất nhiên tình trạng này vẫn còn, có khi là mãi mãi. Vậy làm thế nào để xác định được nguyên nhân và giải pháp tốt. Theo tôi, cần đầu tư xây dựng đề tài này một cách khoa học, khách quan. Muốn như vậy, cơ quan xây xựng đề tài cũng cần là cơ quan khoa học và độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông (cơ quan không trực thuộc Bộ Giao thông và Sở Giao thông). Vấn đề này, từ trước đến nay, ta chưa làm được một cách khoa học và hợp lý. Từ đó các giải pháp chưa phát huy tác dụng như mong đợi. 2/ Hạn chế xe cá nhân - Chưa chắc là giải pháp quan trọng và ưu tiên nhất: Tôi là người lao động bình thường, trong tình hình hiện nay, tôi sẽ chọn phương tiện xe 2 bánh để đến cơ quan, bởi vì: - Không đi được bằng xe bus: Mặc dù rẻ, nhưng tốt nhiều thời gian. - Không đi bằng xe con: vì tôi không có xe con, lại gây ra tắt đường nhiều hơn. - Không đi xe taxi và xe ôm vì chi phí quá cao. Như vậy, tôi đâu có lỗi gì, kẹt xe đâu phải do tôi. Nói đúng hơn, việc chọn giải pháp hạn chế đi làm bằng xe cá nhân là không quan trọng bằng các giải pháp khác.

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Độc giả nêu ra vấn đề rất tốt, bạn muốn tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Tuy nhiên nguyên nhân thì có rất nhiều, do công tác tổ chức giao thông của chúng ta chưa tốt, phương tiện cơ giới tăng quá nhanh (15% - 20%/ năm) trong khi các cơ sở hạ tầng phát triển không kịp, các quy mô của các doanh nghiệp và các HTX hầu hết là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cho nên các điều kiện để bảo đảm an toàn là không đủ. Thứ hai, công tác khoán của chúng ta gần như là khoán trắng, vì vậy người lái xe chưa chú tâm đến an toàn giao thông mà chủ yếu lo đủ nộp khoản… Thêm vào nữa, ý thức của một bộ phận người lái xe chưa tốt…

Về các biện pháp thì theo tôi, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục PL đến các đối tượng tham gia giao thông, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý cần công khai, minh bạch… Một ĐB QH đã nói việc thực thi pháp luật chưa nghiêm tạo nên ý thức chấp hành luật của người dân chưa tốt. Cần có quy hoạch đô thị, khu dân cư, bệnh viện, trường học cho hợp lý… Đây là những giải pháp mang tính lâu dài.

Còn trước mắt phải giải quyết tốt công tác giao thông đô thị, nhất là giao thông tĩnh như điểm đỗ, bãi đỗ xe nhằm giảm số xe chạy rỗng trên đường. Nếu chúng ta giải quyết giao thông tĩnh tốt thì sẽ giảm bớt được mật độ giao thông trên đường.

Bùi Hải Nhung, nữ, 18 tuổi: Cháu xin có 1 số ý kiến như thế này. Có 1 số đường, lòng đường bé nhưng vỉa hè lại rộng như Chùa Bộc thường xuyên tắc đường, sao không thu nhỏ vỉa hè lại để đi lại dễ dàng hơn. Những đường 1 chiều như phố Huế, Bà Triệu được phân làn không hợp lý cho lắm, khi ôtô muốn rẽ phải, xe máy xe đạp muốn rẽ trái, xe bus tạt phải để đón trả khách rất khó khăn, gây ra tình trạng lộn xộn. Nhất là ở phố Huế, đường bé, mà ôtô được đi 50% đường, trong khi xe máy đông hơn ôtô nên hay không có đường đi, toàn phải chiếm làn. Cháu nghĩ nên cho làn ôtô ở giữa, xe máy với xe đạp ở 2 bên, người dân muốn rẽ về bên nào thì đi làn bên đó từ trước, như thế ít xảy ra lộn xộn.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Việc phân làn trên địa bàn thành phố, trên một số tuyến đường như phố Huế, Bà Triệu là những tuyến phố ngắn có nhiều ngã tư, do vậy việc phân làn có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện thì đông đảo nhân dân đã có sự ủng hộ và thực hiện ngày càng tốt hơn. Còn ý kiến của bạn cũng là một vấn đề mới, các cơ quan chức năng sẽ tham khảo.

Minh Hiếu, nam, 41 tuổi: Nếu tôi nói luật giao thông đường bộ lỗi thời, thiếu cụ thể dẫn đến nhận thức và ý thức chấp hành luật lệ giao thông vô cùng yếu kém của phần lớn đối tượng tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tệ nạn ùn tắc giao thông ở Hà nội, TP HCM và một số đô thị lớn ở nước ta, xin các ngài cho ý kiến phản biện. Nếu các ngài đồng ý với ý kiến của tôi, xin các ngài cho hướng giải quyết. Xin cám ơn.

TS. Khuất Việt Hùng: Theo tôi thì chưa nên chê luật hiện hành lỗi thời vội mà hãy thực hiện luật lệ hiện nay cho tốt. Bảo rằng tại ý thức tham gia giao thông kém là đúng. Nhưng nguyên nhân nào gây ra ý thức kém mới là gốc rễ của vấn đề. Theo tôi, nếu các cơ quan chức năng thực hiện tốt, đầy đủ vànghiêm minh chức năng, nhiệm vụ của mình thì sẽ giúp cho người dân cải thiện ý thức của mình rất nhiều. Nếu ngành giao thông không đảm bảo đuờng phố đựoc thiết kế đúng quy định, cảnh sát giao thông không cưỡng chế luật lệ cho nghiêm thì không thể đòi hỏi ngưòi dân có ý thức cao được.

Nguyễn Hoàng Lộc, nam, 34 tuổi: Nhiều người dân vẫn thường xuyên đâm vào cột phân làn. Vậy xin hỏi việc phân làn sẽ thực hiện trong thời gian bao lâu và tại sao cột phân làn không được làm bằng các giải phân cách mềm để tránh nguy hiểm cho người dân?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Khi mới thực hiện, một số người tham gia giao thông chưa quen với việc này. Nên vẫn còn tình trạng như bạn nêu. Tuy nhiên để hạn chế việc này sở giao thông đã bố trí thêm trước các cột phân làn một đoạn phân cách di động phản quang đặt trước cột phân làn, người tham gia giao thông đã quan sát được tốt hơn nhưng vấn đề quan trọng là họ đã quen hơn với việc phân làn này nên tình trạng đâm cột phân làn đã hạn chế. Bên cạnh đó lực lượng thanh tra giao thông tiếp tục duy trì, hướng dẫn tạo dần thói quen cho người tham gia giao thông.

 

 

Vũ Mạnh Sơn, nam, 36 tuổi: Cho phép tôi được hỏi Ông Khuất Việt Hùng Hiện nay tốc độ phát triển ở các Thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rất lớn, do đó dân số ở các thành phố này cũng tăng nhanh do nhiều lý do. Tôi được biết, Ông hiện nay đang nắm giữ nhiệm vụ Trưởng bộ môn Quy hoạch giao thông và Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế về Đào tạo và nghiên cứu tại Trường Đại học Giao thông vận tải. Vậy với tư cách là Trưởng bộ môn Quy hoạch giao thông ông đã có sáng kiến hay ý tưởng gì để gợi ý hay tư vấn cho Bộ giao thông giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn hiện nay tại Việt Nam ?

TS. Khuất Việt Hùng: Tôi và Bộ môn đã bắt đầu đuợc Bộ GTVT và các Sở GTVT thành phố tham khảo ý kiến. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ gửi những đề xuất cụ thể về chiến lựoc quản lý GTVT đô thị cũng như các giải pháp phát

Hùng, nam, 36 tuổi: Thưa ông Giáp và ông Hùng, là một người tham gia giao thông bằng oto hằng ngày từ Hàđông và Hà nội, tôi thấy thành phố có thể làm ngay một việc mà không gây xáo trộn nhiều, đó là việc chỉ cho phép oto chở từ hai người trở lên được lưu thông ở nội đô trong giờ cao điểm (vdu: 7h-8h30, 16h30-18h00). Việc này đã được áp dụng rất hiệu quả ở một số thành phố trên thế giới. Nó cũng giải tỏa được bức xúc về tỉ lệ chiếm diện tích lưu thông của oto so với xe máy trong giờ cao điểm. Các ông đã nghĩ tới chưa và đánh giá của các ông về ý tưởng này thế nào?

TS. Khuất Việt Hùng: Đây là một ý tưởng hay, tôi hy vọng thành phố sẽ xem xét và nghiên cứu, nếu chứng minh đựoc hiệu quả thì sẽ có thể đựoc áp dụng.

Nguyễn Cẩm, nam, 45 tuổi: Ông nhận xét gì về tính khả thi của việc cấm xe máy?

TS. Khuất Việt Hùng: Nếu cấm xe máy chạy quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm thì sẽ khả thi.

Nguyễn Văn Phúc, nam, 45 tuổi: Các giải pháp đều đã đề ra và thực thi, nhưng giải pháp di dời các trường đại học và cơ quan nhà nuớc ra ngoại thành đã thực hiện tới đâu?

TS. Khuất Việt Hùng: Đây là giải pháp dài hạn, ở các nứoc để thực hiện thì ngưòi ta thường phải mất từ 15 đến 20 năm. Hy vọng giải pháp này đã đuợc quan tâm trong bản quy hoạch chung xây dựng thủ đô vừa đựoc duyệt. Đến năm 203 ta sẽ hoàn thành!?

Nguyễn Văn Toàn, nam, 30 tuổi: Xin ông góp ý để xây dựng lộ trình hạn chế xe gắn máy ở Tp. Hồ Chí Minh?

TS. Khuât Việt Hùng: Nên cấm xe máy đi trên các tuyến phố đi bộ mà thành phố đã dự kiến thực hiện.

Mr Tinh, nam, 32 tuổi: Tôi rất bức xúc với tình hình giao thông tại Hà nội hiện nay. Những giải pháp đã được bộ giao thông, Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội đề xuất. Nhưng tôi không hiểu sao vấn đề lấn chiếm lòng lề đường là nguyên nhân chính thì lại không thấy nhắc đến và không có biện pháp quyết liệt hơn? Tôi thấy đâu đâu ở Hà nội, lòng đường lề đường cũng bị lấn chiếm, người đi bộ xuống đường, người dừng xe mua bán...lung tung, lộn xộn. Thử hỏi quý ngài làm sao không tắc đường? Xin các Quý Ngài giải thích giúp tôi?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Việc lấn chiếm lòng lề đường có nhiều nguyên nhân. Các lực lượng chức năng cũng nhiều lần ra quân giải quyết, tuy nhiên việc duy trì còn hạn chế. Nhu cầu của nhân dân trong vấn đề kinh doanh buôn bán là rất lớn. Để giải quyết tình trạng như hiện nay thành phố sẽ có những quy định cụ thể hơn về những khu vực được phép và không được phép buôn bán, và sẽ xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm. Đồng thời cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý trật tự đô thị.

Xuyên Tuyên, nam, 31 tuổi: Thưa ông Khuất Việt Hùng, khi trả lời báo chí ông có nói: tôi chỉ mong 5 năm nữa giao thông Hà Nội được như hiện nay. Nói như vậy phải chăng ông lo ngại 5 năm tới giao thông Hà Nội còn ùn tắc nặng hơn? ÔNg có cảnh tỉnh gì với các cơ quan lãnh đạo về nguy cơ ùn tắc giao thông ở Hà Nội?

TS. Khuất Việt Hùng: Vâng vì Hà Nội vẫn đang phát triển, đường phố thì khó mở rộng, ô tô thì vẫn gia tăng, nên nếu giữ đựoc tốc độ bình quân như hiện nay thì đã là một cố gắng lớn của thành phố.

Vĩnh Lâm, nam, 22 tuổi:  Xin hỏi ông Hùng, qua nghiên cứu của ông, ông thất vọng gì nhất với gt việt nam và ông kỳ vọng gì sắp tới?

Ông Khuất Việt Hùng: Tôi luôn hy vọng vào Việt Nam và tôi tin chúng ta sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phạm Văn Diệu, nam, 33 tuổi: Nếu để ý kỹ thi thời điểm sinh viên nghỉ về quê thì Hà Nội không bị tắc đường và xe bus không bị quá tải. Vậy tại sao không chuyển hệ chính quy của các trường Đại Học ở Hà Nội ra ngoài?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Việc chuyển các trường ĐH ra ngoại thành Hà Nội đã được chính phủ đưa vào các giải pháp quy hoạch phát triển thành phố. Tuy nhiên để thực hiện cần phải có thời gian.

Hoàng Quy, nam, 60 tuổi: Nhiều người rất kính phục tầm nhìn xa và cái tâm sáng của ông Khuất Việt Hùng về vấn đề giao thông. Có ý kiến đề nghị ông Hùng mở một diễn đàn trên mạng để mọi người KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP HỢP LÝ VÀ MỔ XẺ CÁC GIẢI PHÁP CHƯA HỢP LÝ về giao thông. Chỉ có ông Hùng mới cầm chịch được việc này. Ý của ông Hùng thế nào?


 

 

TS Khuất Việt Hùng: Tôi sẵn sàng mờ diễn đàn này, và tôi hy vọng Vietnamnet tạo điều kiện để tôi đuợc thưòng xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của người dân và các chuyên gia, từ đó có thể học hỏi và cùng đề xuất các giải pháp hay cho nhà nứoc

Phạm Văn Diệu, nam, 33 tuổi: Cần phát triển nhà ở cho thuê bố trí đều ở nhưng nơi tập trung trung tâm thương mại, các cớ quan để mọi người làm ở đâu thi ở luôn gần đó. Như vậy hạn chế việc họ phải tham gia giao thông hàng ngày.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Nhu cầu làm việc và đi lại của người dân là rất đa dạng. Để giải quyết vấn đề này cần phải đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch phát triển thành phố đã được chính phủ phê duyệt.

Lê Hoài Nam , nam,. 33 tuổi: Tôi muốn đặt câu hỏi cho ông Khuất Việt Hùng như sau: Nghe nói ngoài việc tham gia giảng dạy tại trường ĐH GTVT, ông còn làm Đồng giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức tại Tp.HCM, ông có thể cho biết các hoạt động cũng như công việc của trung tâm này? Nó có đóng góp gì được trong việc làm giảm ách tắc giao thông không?

 

 

Ts. Khuất Việt Hùng: Ồ, đây chính là cơ hội để tôi đuợc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các GS ngưòi Đức, các đồng nghiệp tại TPHCM để có thể nghiên cứu va đề xuất đựoc những giải pháp quản lý GT hay hơn.

Lê Văn Lực, nam, 29 tuổi: Theo các chuyên gia nên giải quyết bài toán đón con cho các phụ huynh như thế nào khi rất nhiều người có con học trái tuyến cứ tan giờ làm là bằng mọi cách phải ra đường để đón con tan giờ học?

TS Khuất Việt Hùng: Cái này theo tôi thì phải tiến hành nghiên cứu cẩn thận về chuỗi chuyến đi trong ngày của các nhóm dân cư, xay dựng thành mô hinh giao thông rồi thì mới có thể thực hiện.

Tran Anh, nữ, 37 tuổi:  Tôi xin phép được hỏi kế hoạch thay đổi giờ làm có dụa trên nghiên cứu nào không?

Ts. Khuất Việt Hùng: Hình như có, nhưng chưa đủ thì phải vì các nuớc họ nghiên cứu thôi cũng mất từ 3-6 tháng (kinh nghiệm tại 1 thành phố châu Âu có 150.000 dân là mất 3 tháng). Vì vậy, nếu ta nghiên cứu có mấy tuần mà đã có phưong án đầy đủ thì có lẽ trường Đại học GTVT phải chuẩn bị chỗ để đón các sinh viên giao thông từ Đức, Anh, Hà lan sang học tập và nghiên cứu đẻ họ về giải quyết vấn đề giao thông tại châu Âu.

Nguyễn Văn Huấn, nam, 38 tuổi: Cho hỏi ông Nguyễn Khánh Toàn là với những biện pháp của Bộ GTVT và của TP.Hà Nội thì hiệp hội đã có chủ trương đầu tư và nâng cấp các phương tiện vận chuyển hành khách mới và phù hợp trong các đô thị đặc biệt là các loại vận chuyển chất lượng cao như các nước.

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Để thực hiện chủ trương và biện pháp của Bộ GTVT về việc nâng cao chất lượng phục vụ của các loại hình phục vụ công cộng thì Hiệp hội Vận tải cũng có những khuyến cáo các doanh nghiệp là cần đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phương tiện, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Tuy nhiên, hiện nay khả năng để tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn và hiện đang mất cân đối giữa cung và cầu, cung đang lớn hơn cầu. Do đó, việc đầu tư và đổi mới càng cần có sự cân nhắc kĩ càng và chỉ có thể đầu tư đối mới khi có nhiệm vụ, không đầu tư một cách tràn lan để tạo thêm áp lực về vốn.

Quang nghị, nam, 45 tuổi: Theo ông, những giải pháp phân làn, thay đổi giờ làm giờ học, hạn chế xe cá nhân để thực hiện liệu chỉ mình Bộ trưởng Thăng lên tiếng còn các bộ khác chưa có động thái tích cực gì, liệu mình ông Thăng có giải quyết được không?

TS. Khuất Việt Hùng: Một mình Bộ truởng thì chỉ đi xe buýt thôi cũng không thời gian mà cần phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống và sự ùng hộ của nhân dân thì mới có thể thành công.

Lê Hoài Nam, nam, 36 tuổi: Một câu hỏi nữa cho ông Khuất Việt Hùng. Tôi cũng nghe nói ở trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức (VGTRC) có một số nghiên cứu sinh đang làm việc tại đây. Các đề tài của các nghiên cứu sinh có nhằm giải quyết tình hình giao thông ở Việt Nam không? Xin ông cho biết một số thông tin.

TS Khuất Việt Hùng: Tại Trung tâm NCGTVt Việt Đức (VGTRC) có 6 NCS đang làm viẹc, họ đều nghiên cứu các giải pháp để góp phần giải quyết các vấn đề giao thông của các đô thị phụ thuộc xe máy như Hà Nội và TPHCM.

Vũ Xuân Trường, nam, 46 tuổi: 1.Khi quy hoạch đô thi xây nhà trung cư cao tâng có tính đến mật độ giao thông sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng không? Tai sao có nhiều khu trung cư cao tâng xây dựng xong đã đưa vào sử dung rồi. Làm mật độ giao thông trong khu vực đó tăng nhưng đương thì lại vân giứa nguyên thi lam sao không ùn tắc cho được. Định giải quyết thế nào? 2. Khi đào và lấp đường để lại những hố những mô lamg giảm diện tich bề mặt giao thông thi ai chịu trách nhiệm? Tai sao khi làm đương không quy hoach đương ông ngầm để sau sử dung cho viecj luồn dây hoặc ống cho các công trinh khác như viên thông, Truyên hinh.. để khi xong đương không phai đào bới?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhân dân thì thành phố cần phải cải tạo lại các chung cư cũ. Tuy nhiên việc xây dựng các chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố sẽ làm tăng mật độ giao thông tại khu vực. Vấn đề này thành phố cũng đã đưa vào quy hoạch và đã hạn chế dần việc xây dựng chung cư cao  tầng.

Việc làm các đường hầm để chứa đựng hệ thống cấp nước, thoát nước, viễn thông, điện lực…là cần thiết. Tuy nhiên với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại thì chúng ta  chưa thể triển khai ngay được. Trong tương lai chúng ta sẽ phải thực hiện điều này.

Hoa, nam, 43 tuổi: Theo ông thay đổi giờ làm, giờ học có nên đổi cho lệch giờ đi không?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm là hoàn toàn cần thiết và có tính khả thi cao. Nó tác động đến hàng triệu người nên cần tính toán kĩ giữa mục tiêu của nhà quản lý và lợi ích của người dân. Tuy nhiên đây là một việc khó, yêu cầu phải đồng bộ, có tính tổng thể và khẩn trương. Hiện tại không thể có phương án nào thỏa mãn tất cả các yêu cầu đặt ra cả. Tôi ủng hộ phương án của Hà Nội vì việc chia nhóm các đối tượng phù hợp hơn, độ lệch giờ phù hợp hơn; sự xáo trộn ít hơn trong khi làm việc, trong sinh hoạt của các nhóm đối tượng và nhất là nhịp sinh học của các cháu nhỏ tuổi, từ đó dễ hiểu và dễ thực hiện hơn.

Bui Linh giang, nữ, 40 tuôỉ: Xin hỏi ông Khuất Việt Hùng: Khi ông đảm nhận công tác ở cả hai cương vị đều rất quan trong: Là Giám đốc Trung tâm HTQT và là Trưởng Bộ môn Quy hoach và Quản lý Giao thông Vận tải,làm thế nào để ông có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ như một nhà quản lý giỏi nhưng cũng đồng thời là một giảng viên chuyên môn -một chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực Giao thông vận tải? Với cương vị là Giám đốc TRung tâm HTQT, ông có đóng góp thế nào đối với công tác giảgn dạy, nghiên cứu khoa học của Bộ môn nói riêng và lĩnh vực quy hoạch, quản lý GTVT Hà nội nói chung?

TS. Khuất Việt Hùng: Trên cả hai cương vị thì đúng là bận rộn nhưng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo và ủng hộ của lãnh đạo nhà trưòng, và đặc biệt là sự hỗ trợ của các đồng nghiệp. Việc làm giám đốc Trung tâm HTQT về ĐT và Nghiên cứu sẽ giúp tôi có điều kiện tham gia các nghiên cứu quốc tế về GTVT, giảng dạy các chưong trình tiên tiến, các chuơng trình chất lượng cao về Kỹ thuật và Quản lý giao thông vận tải cùng với các đồng nghiệp nước ngoài. Giúp tôi học hỏi được nhiều hơn để có thể đề xuất đựoc nhiều giải pháp quản lý giao thông hay hơn.

Lê hoàng sơn, nam, 30 tuổi: Theo tôi, việc Bộ trưởng thay đổi giờ làm việc là việc làm cần thiết để tạm thời giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Nhưng để giải quyết lâu dài thì cần phải có lộ trình giải quyết bài toán mật độ = số lượng người tham gia GT/diện tích đường. Vì vậy tôi ủng hộ phải giảm phương tiện cá nhân, tăng cường phtien công cộng. Nhưng lộ trình như thế nào cho phù hợp và phải nâng cao chất lượng phtien công cộng cũng như thái độ phục vụ. chứ cứ như bây giờ thì nhân dân không thể ủng hộ được, chất lượng phục vụ kém quá.

TS. Khuất Việt Hùng: Cám ơn anh đã chia sẻ.

 

 

Đỗ Quang Dũng, nam,. 31 tuổi: Gửi ông Nguyễn Hoàng Giáp: Hà Nội đã thực hiện phân làn trên 5 tuyến phố. Hiệu quả và hậu quả của nó đã được báo chí mạng và các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Ương cũng như của Hà Nội đăng tải trong suốt thời gian vừa qua, những bất cập và nhiều hạn chế cũng đã được nêu ra. Vậy trong thời gian tới, ngành GTVT Hà Nội sẽ quyết định như thế nào? Ý tôi muốn hỏi sẽ dừng phân làn để nghiên cứu tiếp, hay cứ tiếp tục mở rộng các tuyến phố phân làn như cách làm như hiện nay hay có cách nào khác? Quan điểm đánh giá của cá nhân ông về cách thức phân làn hiện nay có hợp lý hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Trong thời gian tới ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục triển khai thêm các tuyến phân làn mới. Vì qua thực tiễn việc phân làn như hiện nay bước đầu đã được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Và đã góp phần làm cho văn hoá giao thông trên địa bàn thành phố được tốt hơn. Trên một số tuyến phân làn thì trật tự giao thông đã có sự chuyển biến tích cực. Ngành giao thông tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh những vấn đề còn bất cập, rất mong sự đồng tình ủng hộ từ phía những người tham gia giao thông để chúng ta tạo được thói quen tham gia giao thông một cách trật tự, an toàn và có văn hóa.

ngô thanh Am, nam, 60 tuổi: tôi xin hỏi ông Hùng, Ông thừa biết mạng lưới xe buýt HN trong hiện tại kém liên thông, phủ rộng nhưng không kín, nhiều trục lộ hệ số trùng tuyến cao nhưng không hiệu chỉnh điểm dừng đón khách của từng tuyến dẫn đến tại một số điểm dừng đón khách, xe buýt đến như "đoàn tầu vào ga"... và còn nhiều khuyết tật khác về nghiệp vụ cần phải hiệu chỉnh thì tại sao ta chỉ "trảm" lái xe về tội làm giảm chất lương dịch vụ xuống dưới 5 ?

TS. Khuất Việt Hùng: Theo tôi thì ngoài việc cần phải thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức với lái xe thì ta cần phải thực hiện nghiêm cả các quy định khác nữa. KHông phải là không  có bác sĩ nhận phong bì, không có thầy giáo nhận tiền của học sinh, không có cảnh sát không làm tròn nhiệm vụ ,...

Hòa Bình, 35 tuổi, nam: Sau khi Bộ trưởng Thăng lên làm Bộ trưởng Bộ GTVT có đưa ra nhiều giải pháp để giảm ùn tắc. Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp Bộ trưởng đưa ra?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng là một người dám nghĩ dám làm. Trong quá trình thực hiện có cái được, có cái chưa được nhưng thà làm mà có một số khiếm khuyết còn hơn là không làm gì. Bộ trưởng đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, mang tính kế thừa quá trình thực hiện của ngành GTVT. Trong chỉ đạo điều hành nhiều việc mang tính quyết liệt và rõ ràng, nhiều việc được dư luận ủng hộ. Việc giải quyết ùn tắc giao thông là việc làm cần thiết, có tính khả thi cao. Tuy nhiên, cần làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi ý thức người tham gia giao thông trong việc thi hành luật cũng như sự đồng thuận của toàn xã hội.

KHuất Việt, nam, 45 tuổi: THưa ông Hùng, tại sao Việt Nam cứ loanh quanh và lẩn quẩn hết giải pháp này đến giải pháp khác mà vẫn không ăn thua? ông đi nhiều nước chưa, có nhiều nghiên cứu không và áp dụng như thế nào?

TS. Khuất Việt Hùng: Tôi mới đi khoảng 15 nuớc, và nghiên cứu về trạng thái giaio thông của khoảng 100 thành phố. Họ cũng quanh quẩn như ta thôi. Ví dụ như Bắc Kinh cấm xe đạp, cấm xe máy trợ cấp cho việc mua ô tô, sau đó lại phải cấm ô tô, mặc dù đã có 8 tuyến tàu điện ngầm. Tuy nhiên, cũng có 1 số thành phố sau một hồi quanh quẩn thì cũng thành công, ví dụ như Singapore hoặc nhiều thành phố ở Châu Âu.

Tần Văn Th, nam, 34 tuổi: Thưa ông Giáp, Thanh tra Hà Nội đã quá vất vả khi đứng phân làn theo phương tiện. ông có nghĩ việc đứng phân làn này quá nguy hiểm với tình trạng vi phạm giao thôgn ở VN? Thanh tra giao thông liệu có giải pháp nào khả thi hơn?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Rất cảm ơn vì sự chia sẻ của bạn với những người làm công tác như chúng tôi. Ý thức của người tham gia giao thông là hết sức quan trọng nếu được nhân dân ủng hộ và việc tham gia giao thông theo làn trở thành một thói quen thì việc đứng phân làn như hiện nay sẽ không còn nguy hiểm. Việc bổ sung thêm các biển báo, sơn kẻ vạch trên đường sẽ dần thay thế người đứng phân làn. Chúng tôi cũng đã kiến nghị, đến một giai đoạn nhất định sẽ tiến hành xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Phan Tấn Bửu, nam, 45 tuổi: Những vấn đề nóng của giao thông Việt nam như cơ sở hạ tầng kém, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân...còn có một vấn đề rất bức xúc đó là đạo đức và ý thức của người tham gia giao thông tại Việt nam không được tốt như người nước ngoài. Tôi xin phép được đặt câu hỏi: chúng ta có những kế hoạch hay dự án gì nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn và kẹt xe ở các thành phố lớn? Xin cám ơn tòa soạn!

TS. Khuất Việt Hùng: Tôi nghĩ là đã có giải pháp: đó là nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cán bộ thi hành luậ lệ giao thông, hiệu quả và năng lực của các cơ quan chịu trách nhiệm về xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như quản lý việc đào tạo và cấp bằng lái xe. Làm tố t việc này thì tự khắc ý thức của người tham gia giao thông sẽ cải thiện.

Văn Nam, nam, 28 tuổi: Trong điều kiện giao thông hiện nay, Hà Nội lại đang ngày càng mọc thêm nhiều nhà cao tầng. Vậy ông có đề xuất gì để hạn chế việc này?

TS. Khuất Việt Hùng: Trong ngắn hạn, thành phố cần sơm ban hành quy định bắt buộc đánh giá tác động giao thông đối với tất cả các công trình xây dựng dân dụng có diện tích sàn từ 5000m2 trở lên trong bứoc lập dự án. Đảm bảo số luợng chuyến đi phát sinh, thu hút từ các công trình này là ít nhất và không tác động tiêu cực lên hệ thống giao thông đô thị trong khu vực ảnh hưỏng.

Trong dài hạn, cần lập kế hoạch thực hiện quy hoạch đô thị để đảm bảo các tién độ xây dựng các cao ốc phải gắn với tiến độ các dự án đưòng sắt đô thị tiếp cận với các công trình này.

Tuấn, nam, 39 tuổi: Ở nhiều nước công tác nghiên cứu quản lý giao thông là cơ sở để cho các quyết sách về giao thông và quy hoạch xây dựng. Xin các quys khách mời cho biết về tình hình nghiên cứu quản lý giao thông trong nước hiện nay ra sao.

TS. Khuất Việt Hùng: Theo tôi thì ở nuớc ta, hiện nay việc này chưa làm tốt nhưng cũng bắt đầu chuyển biến.

Vinh Thế, nam, 34 tuổi: Thưa ông Toàn, ông nghĩ thế nào về thu phí nội đô. Khi đó taxi và cước vận tải sẽ tăng lên và dân sẽ gánh đủ? Hiệp hội có ý kiến gì không?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Tôi nghĩ việc hạn chế xe vào nội đô là một chủ trương đúng. Việc thu phí là một biện pháp kinh tế thay thế cho các mệnh lệnh hành chính. Tuy nhiên nó sẽ tăng chi phí vận tải. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý điều hành phải tính toán một cách cụ thể, chặt chẽ hơn, làm sao vừa bảo đảm được việc giảm ùn tắc giao thông của thành phố mà không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của DN. Còn việc tăng chi phí vận tải ảnh hưởng đến người dân tham gia giao thông là điều đương nhiên song không phải là đối với tất cả. Còn về mức thu như thế nào cần phải tính toán để không quá mức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp vận tải.

Nguyen Tuan Hai, nam, 50 tuổi: Hang ngay chung toi di lam bang phuong tien xe may tu ngoai thanh HN vao noi thanh lam viec. Neu nha nuoc cam xe may thi chung toi phai chon phuong tien gi khi di lam? Hien tai neu tu hoai duc muon di lam bang xe buys chung toi phai di 2 tuyen voi tong thoi gian khoang 90 phut(cung duong khoang 20Km).Nhu vay de di lam va ve nha 1 ngay chung toi phai mat 3 gio dong ho. Vay nha nuoc co giai phap gi de chung toi chi mat khoang 30 phut cho moi luot di ve. Tran trong cam on

TS. Khuất Việt Hùng: Kính thưa anh Hải, anh cứ yên tâm là khi anh nghỉ hưu rồi thì vẫn chưa cấm xe máy diện rộng đâu (ý kiến cá nhân tôi nhé).

Huy Thắng. nam, 35 tuổi: Chào Bác, Cháu đã từng làm việc tại TP Hồ chí Minh và hiện nay đang ra công tác Tại Hà Nội.Cháu thấy rằng giao thông Hà Nội hỗn loạn hơn TP Hồ chí minh ví dụ như xe không đi đúng làn đường qui định,bến xe thì lộn xộn , đường phố thì rất bẩn. Vậy phải chăng do Công an TP Hồ chí Minh Nghiêm khắc hơn hay là do ý thức chấp hành luật giao Thông của người Sài gòn tốt hơn ?

TS. Khuất Việt Hùng: Theo mình thì cảnh sát giao thông của TPHCM họ cũng nghiêm hơn thì phải.

Nam, HN , 34 tuổi: Thưa ông Giáp, từ khi HN phân làn, người đi đường vẫn không có ý thức và xe máy ô tô đi lộn xộn. Liên tục các cọc phân đường bị đâm và nhiều người bị thương. ông có nghĩ giải pháp này không hiệu quả?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Hiện nay việc va chạm vào cột phân làn cơ bản đã hạn chế. Tuy nhiên vào giờ cao điểm mật độ phương tiện tham gia giao thông quá lớn so với khả năng thông xe trên mặt cắt đường. Việc lấn làn vẫn còn xảy ra nhất là đối với người đi xe máy. Để  giải quyết vấn đề này phải xuất phát từ người điều khiển xe máy vì thói quen, không có sự nhường nhịn. Nếu mọi người có ý thức như người tham gia giao thông ở TP. HCM thì sẽ không cần thiết phải có những biện pháp tăng cường như hiện nay. Thời gian tới sẽ có những giải pháp để xử phạt với những người cố tình vi phạm. Theo tôi, hiện tại việc phân làn như hiện nay đang tạo ra diện mạo mới về văn hoá giao thông trên địa bàn thành phố.

Lê Láp, nam, 25 tuổi: Việc hạn chế xe cá nhân (ô tô, xe máy) sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân nội đô?


 

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Việc hạn chế xe cá nhân chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện tai nạn và ùn tắc giao thông đang gia tăng. Hạn chế xe cá nhân sẽ hạn chế đến việc đi lại của một bộ phận dân cư không thuận tiện với các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng vì lợi ích chung của cả cộng đồng thì chúng ta cũng nên đồng thuận và tự giác chấp hành. Mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

lê văn vu, nam, 24 tuổi: Ông Hùng quam tâm nghiên cứu nhất ở lĩnh vực nào của giao thông VN? Tôi muốn biết những chất xám của ông và trung tâm ông có giúp gì cho Chính phủ và Bộ GTVT cũng như HN trong vấn đề hạn chế các mặt kém của GT hiện nay. Cám ơn ông!

TS. Khuất Việt Hùng: Tôi nghiên cứu chủ yếu về Quy hoạch và Quản lý GTVT đô thị. Chúng tôi đang nỗ lực đề xuất và tham gia cùng các cơ quan chức năng để giải quyết những vấn đề giao thông của nứoc ta. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất là một viẹc còn sử dụng đề xuất đó ra sao thì còn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng.

Hoàng Thu Hường, nữ, 27 tuổi: Hà Nội đang tiến hành làm cầu vượt nhẹ, vậy theo các chuyên gia giải pháp cầu vượt nhẹ có khả thi trong việc giảm ùn tắc của giao thông HN hiện nay?

TS. Khuất Việt Hùng: Cái chính là chúng ta áp dụng ở đâu, nếu ta nâng nút Thái Hà-Chùa Bộc-Tây Sơn thì rất nhiều khả năng tắc đường sẽ vào gần với Lăng Bác hơn.

Thành Trung, nam, 24 tuổi:  Sao bộ trưởng ko tính tới giải pháp biển chẵn lẻ cho ô tô như trung quốc, khi mà ai cũng biết rằng phương tiện làm ùn tắc giao thông xuất phát chính từ ô tô cồng kềnh, chiếm diện tích. Bộ trưởng có thể test bằng cách thử 1 tuần cấm toàn bộ xe ô tô ( trừ xe buýt ) lưu thông. Nếu thành công thì các phương tiện lưu thông sẽ tốt hơn và nên hạn chế loại phương tiện gì tham gia giao thông vì tình hình cơ sở vật chất của việt nam vẫn còn ở dạng yêu so với nước khác nhưng phương tiện lại gia tăng chóng mặt.

TS. Khuất Việt Hùng: Hi hi, khổ thân Trung Quốc quá, tự dưng đi cấm xe đạp, sau đó cấm xe máy, bây giờ lại cấm ô tô. Cấm toàn bộ ô tô, hãi quá. Mình chưa nghiên cứu đến đây.

Nguyen Van Toan, nam, 30 tuổi: Xin chào TS. Khuất Việt Hùng. Vừa qua tôi có nghe ông trình bày tại Hội Thảo "Xây dựng tiêu chuẩn đèn tín hiệu giao thông" được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải VIỆT-ĐỨC. Xin ông cho biêt thêm về Trung tâm này và những nghiên cứu góp phần giải quyết các vấn đề nóng của giao thông ở Việt Nam hiện nay. Trân trọng cảm ơn.

TS. Khuất Việt Hùng: Trung tâm NCGTVT Việt Đức là đơn vị thuộc trường Dại học Việt Dức, đuợc thành lập trên cơ sở thoả thuận hopự tác giữa Trường ĐHGTVT, truờng ĐH Việt Đức và đại học Kỹ thuật Darmstadt (CHLB ĐỨc). Trung tâm có chức năng đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ, đào tạo thạc sĩ  (Cấp bằng củaĐH Kỹ thuật Darmstadt) và thực hiện các chưong trình, đề tài nghiên cứu về GTVT. Đặc biệt là nghiên cứu và giải quyết các vấn đề giao thông đô thị ở Việt nam và các nuớc đang phát triển.

Le Nahn, nam, 40 tuổi: Theo tôi thấy, phụ nữ phải làm việc nhà nhiều hơn nam giới, công việc xã hội thì phải như nhau. Vậy, có giải pháp nào để phụ nữ làm việc ngày 7 tiếng và bố trí giờ làm giờ nghỉ cho lệch pha với các hoạt động xã hội khác, thế là vừa giải quyết được nạn kẹt xe, vừa là giải pháp tốt để nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Các bác đánh giá thế nào về giải pháp này?

TS. Khuất Việt Hùng: Giải pháp rất hay, nếu có thể thì chúng tôi sẽ chuyển ý tưởng của bác lên Bộ LĐ-TBXH .

Nguyễn Hữu Vương, nam, 37 tuổi: Xin hỏi ông Nguyễn Hoàng Giáp, vấn đề thi công xây dựng đường trong nội thành, cũng như các công trình nhà luôn tạo ra một lượng bụi vô cùng lớn, nhiều tuyến đường luôn trong trạng thái bụi dày đặc như Láng Hạ, Thái Hà, Phạm Hùng. Vậy, Sở giao thông và cụ thể Thanh tra giao thông đã làm được những gì? có giải pháp gì để hạn chế bụi từ các công trình đang thi công trên địa bàn Hà Nội.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Việc kiểm tra xử lý các công trình xây dựng thuộc chức năng của sở Xây dựng. Việc xử lý các phương tiện vận chuyển gây mất vệ sinh môi trường lực lựơng thanh tra giao thông đã thường xuyên xử lý các vi phạm này. Thời gian gần đây, chúng tôi đã tạm giữ hàng trăm lượt phương tiện vi phạm. Tuy nhiên lực lượng thanh tra còn mỏng, chưa xử lý được hết các vi phạm này. Mặt khác lực lượng thanh tra cũng đã có những biện pháp xử lý khác như buộc các chủ công trình xây dựng phải có cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Phạm Anh Tuấn, nam, 34 tuổi: Thưa ông Giáp, Hà Nội học được gì sau 2 lần phân làn giao thôgn thất bại tại Cầu Giấy - Kim mã và Đại Cồ Việt - Trần Khát CHân?

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Việc tổ chức phân làn ở một số tuyến đường trước đây chưa thành công có nguyên nhân vì triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện chưa đồng bộ. Việc thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông cần một quá trình và cần phải có những biện pháp cụ thể hơn như việc phân làn hiện nay thì kết quả sẽ được tốt hơn.

Lê Văn Tuân, nam, 37 tuổi: Tại sao cứ tắc đường thì mới thấy CSGT và TTGT? Tôi nghĩ nếu giờ cao điểm tại các điểm nóng tăng cường lực lượng điều tiết giao thông thay cho tín hiệu đèn thì không bao giờ bị kẹt vì ở nước ta ý thức chấp hành Gt còn kém, chỉ khi có CSGT, TTGT ý thức được mới chấp hành.

 

Ông Nguyễn Hoàng Giáp: Để giải quyết các điểm ùn tắc giao thông thì có các lực lượng chức năng như CSGT và TTGT là hết sức cần thiết. Tuy nhiên vì địa bàn thành phố rộng, nếu tất cả các vị trí đều phải bố trí người thì với quân số hiện tại của ngành giao thông thì chưa đáp ứng được. Vì vậy cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khác, đặc biệt là phải có sự ủng hộ từ phía người tham gia giao thông.

Mặc dù còn rất nhiều câu hỏi, tuy nhiên, thời gian của các vị khách mời có hạn nên VietNamNet sẽ tiếp tục chuyển các câu hỏi của độc giả để 3 vị khách mời có thể trả lời.

Xin trân trọng cám ơn các ông Nguyễn Hoàng Giáp, Khuất Việt Hùng và Nguyễn Khánh Toàn đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến này!

VietNamNet