- Trong phần tiếp theo của bàn tròn về Y đức và phong bì bệnh viện, Phó Giám đốc bệnh viện K và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã có những tranh luận khá độc đáo về vấn đề phong bì, quà biếu  cảm ơn bác sĩ.
 

Phần 1: 'Ngày xưa trẻ em mơ làm BS, nhưng bây giờ...'
"Chúng ta cần có cái nhìn tổng thể về y đức và vấn đề phong bì. Sau khi báo chí đưa thông tin về một số hành vi xấu, tôi thấy thái độ của người bệnh ở viện K khác hẳn", ông Trần Văn Thuấn, PGĐ BV K chia sẻ.


Theo quy định của Bộ Y tế, để đảm bảo sự minh bạch, công bằng và khách quan, tránh thói nhũng nhiễu thì cán bộ Y tế không được nhận tiền của người bệnh trước và trong quá trình điều trị.

Ông Trần Tuấn lại cho rằng nếu người bệnh đồng lọat cảm ơn kể cả sau khi đã chữa xong bệnh thì rõ ràng là có cái gì đó “lệch lạc” trong hành động cảm ơn này, nhất là trong bối cảnh người bệnh ở ta đa phần là người nghèo và họ chẳng muốn mất thêm một đồng chi phí nào ngoài chi phí khám chữa bệnh, thuốc thang, ăn uống, đi lại, vv…

Đâu là gốc rễ của nạn phong bì bệnh viện?
 
Ông Trần Tuấn (trái) và ông Trần Văn Thuấn (phải) tham gia tranh luận về vấn đề y đức, phong bì bệnh viện với những ý kiến trái chiều nhau (Ảnh: Phạm Hải)

- Là người tham gia nghiên cứu nhiều đề tài về các vấn đề của ngành y tế, trong đó có vấn đề y đức, theo ông Trần Tuấn, đâu là gốc rễ của nạn phong bì trong các bệnh viện của ta hiện nay?

Ông Trần Tuấn: Như trong bài trước tôi đã nói y đức xuống cấp và nạn phong bì hoành hành không thể đổ lỗi cho một mình cá nhân người bác sỹ. Môi trường không tốt đã dung dưỡng cho cái xấu phát triển.

Tuy nhiên, cần khẳng định lại rằng bác sỹ không một mình gây ra nạn phong bì này nhưng họ đóng vai trò quan trọng.

Tôi cho rằng những “rối nhiễu” của cấu trúc hệ thống y tế nước ta (công – tư lẫn lộn, người bệnh bị coi là đối tượng sinh lợi khổng lồ, việc phân chia và giới hạn các tuyến khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng, vv…) là những nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất dẫn đến việc y đức xuống cấp và nạn phong bì phát sinh.

Những rối nhiễu đó tạo nên một hệ thống y tế thiếu minh bạch, không công bằng và hiệu quả. Cộng với việc bác sỹ lương không đủ sống thì những rối nhiễu đó nó vô tình đã tạo ra điều kiện “thuận lợi” cho những tiêu cực phát sinh.
 

Ông Trần Tuấn (Ảnh: Phạm Hải) 

- Là người trực tiếp quản lý các bác sỹ và điều dưỡng (cả về chuyên môn lẫn y đức), ông Thuấn cho rằng đâu là gốc rễ của nạn phong bì?

Ông Trần Văn Thuấn: Theo tôi thì nạn phong bì bệnh viện có 4 nguyên nhân.

Thứ nhất là do hiện tượng quá tải. Theo thống kê ở bệnh viện K, giường nội trú quá tải 300% và ngoại trú quá tải 1200%. Một bác sĩ trung bình khám 50-100 bệnh nhân/ngày. Trong khi ở Thái Lan mỗi bác sỹ chỉ khám 10-15 bệnh nhân/ngày nên có nhiều thời gian trao đổi về bệnh cũng như có những biện pháp hỗ trợ tâm lí của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh yên tâm sẽ được phục vụ tốt nhất khiến họ không nghĩ đến chuyện phải có “lót tay”.

Thứ hai là từ bản thân người bệnh. Tôi thấy ở đâu đó có một sự ích kỉ của người dân, ví dụ như khi tham gia giao thông ai cũng muốn chen ngang để mình được đi trước, còn trong bệnh viện thì bệnh nhân đến sau muốn khám trước, muốn được ưu tiên. Tôi nghĩ đây là lí do chính, tạo thành thói quen trong suy nghĩ và là động cơ đưa phong bì của người bệnh.

Nguyên nhân thứ ba là do trong ngành y tế cũng còn có đâu đó những cán bộ y tế có động cơ không được lành mạnh, là con sâu làm rầu nồi canh.

Thứ tư là do lối suy nghĩ của người Việt: khi xong việc họ thường muốn trả ơn người giúp mình. Và khi bác sĩ phục vụ chu đáo thì người bệnh muốn trả ơn người đã cứu chữa cho mình.

Nếu ai cũng “cảm ơn” thì có cái gì đó bị hiểu “lệch lạc” đi

- Theo như ông vừa nói, nếu đưa phong bì theo tính chất như trên thì có gây ra bức xúc trong người bệnh và người nhà của họ như bấy lâu nay không?

Ông Trần Văn Thuấn: Trong 12 điều y đức của cố bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương, có một điều cấm là cấm nhận phong bì trước, trong quá trình điều trị. Nhưng thực sự là nếu bệnh nhân đưa phong bì sau khi điều trị thì rất khó kiểm soát. Ví dụ người bệnh đến nhà cám ơn chẳng hạn, mình không thể biết và cấm được điều đó.
 
Ông Trần Văn Thuấn cho biết nguyên nhân khiến tình trạng phong bì nảy sinh đến phần nhiều từ phía người bệnh (khi họ ích kỷ, đến sau nhưng lại muốn khám trước trong khi tất cả những người còn lại đều phải chờ) - (Ảnh: Phạm Hải)

 - Xin được hỏi là ông Trần Tuấn có đồng ý với cách lý giải trên của ông Thuấn không?

Ông Trần Tuấn: Văn hóa cảm ơn là tốt (theo truyền thống của ta từa xưa đến giờ) và trong y tế cũng vậy. Nhưng trước đây người ta không coi y tế là dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Còn bây giờ là dịch vụ chăm sóc.

Thế nào là dịch vụ? Y tế trong tâm trí người dân hiện đã khác xưa rồi. Dịch vụ là loại hình được tổ chức ra để đáp ứng nhu cầu người dân, trên cơ sở thanh toán sòng phẳng. Giờ là thu phí y tế rất rõ ràng: Tôi đã bỏ tiền thì anh phải phục vụ tôi.

Nó cũng giống như chuyện khi may 1 cái áo, người ta may xong mình trả tiền là xong. Nhưng vấn đề là nếu may được cái áo đẹp thì khách hàng họ nhớ ơn, trân trọng, lần sau quay lại. Với nghề y cũng thế. Nếu chữa khỏi bệnh thì người bệnh biết ơn. Việc biết ơn đó thông qua thái độ, tình cảm, ánh mắt, chào hỏi khi gặp lại những lần sau, rồi giúp đỡ được cái gì thì giúp.

Nhưng liệu người ta có đưa quà không? Tôi cho rằng nếu ngành y tế, các bệnh viện và cán bộ y tế tạo ra được một dịch vụ đúng với các yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn, thái độ phục vụ thì tôi tin đến 99% người bệnh không chuẩn bị thêm các loại quà cáp làm gì ngoài tiền khám chữa bệnh, ăn uống, đi đường, thuốc thang (ta cần nhìn vào cấu trúc là nước ta có tới 70% là nông dân và họ không muốn phải chi thêm bất cứ một khoản nào).

Có bộ phận nào kinh tế khá hơn thì họ sẽ cảm ơn nhưng nó là hiện tượng nhỏ lẻ, không phổ biến.

Cũng tương tự như vậy, nếu như việc đưa quà, đưa phong bì “cảm ơn” sau khi điều trị trở nên phổ biến và ai ai cũng nghĩ rằng mình “phải làm” thì tôi cho rằng cái hành động “cảm ơn” đó nó cũng bị lệch lạc đi mất rồi.

Ông Trần Văn Thuấn (Ảnh: Phạm Hải)

- Ông Thuấn nghĩ sao về ý kiến vừa rồi của ông Tuấn?

Ông Trần Văn Thuấn: Tôi xin nhắc lại là quà ở đây có nghĩa là gì? Đó là cân gạo, gói trà chứ không phải phong bì.

Nếu nói như ông thì người bệnh sẽ rất thoải mái khi đi viện. Nhưng thực tế là người bệnh nào đi viện cũng chuẩn bị tiền cho những chi phí không chính thức, trong đó có cả chi phí “cảm ơn” bác sỹ…

Tôi cho rằng cái đó cần tuyên truyền, giáo dục thêm cho người bệnh và người nhà người bệnh để họ hiểu là họ không nhất thiết phải chuẩn bị các chi phí không chính thức hoặc đưa phong bì hay cảm ơn bác sỹ (dưới bất kỳ hình thức nào) thì mới được chăm sóc tốt.

Xin nói thêm là viện phí giờ mới thu một phần. Sắp tới sẽ duyệt giá viện phí mới. Chúng ta mới chỉ nâng giá viện phí của một phần các dịch vụ thôi và thu cao hơn mức giá hiện tại (vốn đã lỗi thời) để ngành y tế không phải bù lỗ, lấy nguồn thu đó chỉ trả đủ cho các hoạt động hàng ngày, chưa thể nói là có lãi, cũng chưa đủ để cải thiện lương cho cán bộ y tế. Cải thiện được lương cho cán bộ y tế cần nhiều bộ ngành.
 

Phần lớn người dân phản đối chuyện đưa phong bì cho bác sỹ nhưng thấy người khác đưa thì họ cũng đưa vì sợ bị phân biệt đối xử
Năm 2010, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) do ông Trần Tuấn làm giám đốc (trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã tiến hành một nghiên cứu về vấn đề phong bì trong ngành y tế.

Đề án “Nói không với phong bì trong dịch vụ y tế" đã được trao giải sáng kiến phòng chống tham nhũng năm 2011.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy: những chi phí không chính thức của người dân trong khám chữa bệnh tồn tại dưới hình thức phong bì là chủ yếu, quà chỉ là phương tiện để đưa kèm phong bì.

Có nhiều lý do khiến bệnh nhân và người nhà đưa phong bì cho cán bộ y tế nhưng chủ yếu là để mưu cầu một chất lượng dịch vụ, thông tin tư vấn tốt hơn. Một số nhỏ thì muốn qua phong bì để gây dựng quan hệ với bác sỹ.

Khi được hỏi nghĩ vì về việc đưa phong bì, phần lớn người dân phản đối. Tuy nhiên, nhìn thấy người khác đưa họ cũng phải đưa theo vì sợ bị phân biệt đối xử.

Kết luận được đưa ra từ nghiên cứu này là: Phong bì trong dịch vụ y tế không làm chất lượng dịch vụ y tế tốt lên, mà ngược lại, nó làm cho niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế giảm sút, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không tin tưởng nhau giữa các nhân viên y tế.

Điều này cũng dẫn đến nguy cơ trong xã hội người dân mất niềm tin vào nhau, vào chính sách y tế của nhà nước.


Nhóm phóng viên

(Còn nữa)

Phần 1: 'Ngày xưa trẻ em mơ làm BS, nhưng bây giờ...'
"Chúng ta cần có cái nhìn tổng thể về y đức và vấn đề phong bì. Sau khi báo chí đưa thông tin về một số hành vi xấu, tôi thấy thái độ của người bệnh ở viện K khác hẳn", ông Trần Văn Thuấn, PGĐ BV K chia sẻ.