– Y đức là vấn đề nóng bỏng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân ở mọi tầng lớp. Việc vận động và phát triển trong nền kinh tế thị trường đã đặt ngành y tế trước những cơ hội và cả thách thức lớn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và sự minh bạch.


Việc Bộ Y tế chủ trương đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử và văn minh trong giao tiếp của cán bộ y tế đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía dư luận. Lại một lần nữa vấn đề không còn mới nhưng luôn luôn nóng bỏng này lại được xới xáo lên.

Nằm trong dòng chảy thông tin đó, báo VietNamNet tổ chức tọa đàm về vấn đề y đức, phong bì bệnh viện.

 

Khách mời tham gia tọa đàm gồm ông Trần Văn Thuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) và ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam).

Dưới đây là phần 1 của buổi tọa đàm.

Ông Trần Tuấn (trái) và ông Trần Văn Thuấn (phải) tại buổi toạ đàm. Ảnh: Phạm Hải

- Xin được bắt đầu buổi tọa đàm bằng câu hỏi liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay, đó là sự xuống cấp của y đức trong một bộ phận cán bộ y tế. Xin được hỏi 2 ông quan niệm thế nào về y đức và các ông đánh giá thế nào về thực trạng y đức hiện nay?

Ông Trần Văn Thuấn: Tôi hiểu đơn giản y đức là làm sao phải mang hết khả năng chuyên môn và tấm lòng phục vụ cho người bệnh.

Bên cạnh thái độ tốt, chuyên môn cũng phải tốt. Tôi xin nhấn mạnh đến chuyên môn bởi một bác sĩ tốt nhưng chuyên môn kém thì hiệu quả điều trị không cao.

Cán bộ y tế trong bệnh viện K làm việc rất tốt và quan tâm đến người bệnh. Đó là theo ý kiến chủ quan của tôi.

Đặc biệt, chuyên ngành ung thư hiện rất vất vả. Hiện nay ngành y tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của người bệnh trên cả nước. Có 2 trung tâm ung bướu trên cả nước, 3 trung tâm đang xây dựng, 24 trung tâm nằm rải rác ở các khoa trong bệnh viện tỉnh nên có thể nói là ngành ung thư bị quá tải lớn.

Đây cũng là điều gây nên những cản trở trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng tốt tới người bệnh.

Ông Trần Tuấn: Y đức nghĩa là anh đang chăm sóc người bệnh và chăm sóc cho nó đầy đủ, chính xác. Người bệnh đến với chúng ta là một nhưng thực chất là 2. Họ là con người sinh học và cũng là con người xã hội.

Với con người sinh học chúng ta phải dùng khoa học kĩ thuật. Với con người xã hội thì phải đối xử với họ như mẹ hiền. Phải kết hợp hai điều này mới hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đánh giá của tôi, hiện nay chúng ta chưa làm được điều này.

- Nếu theo lý giải của ông Thuấn (các bác sỹ của bệnh viện K làm việc rất tốt và quan tâm đến người bệnh) thì đáng ra hình ảnh người bác sỹ trong mắt người bệnh phải rất tốt. Nhưng thực tế thì có vẻ như mọi thứ đang đi ngược với logic vừa nêu. Ông có thể lý giải điểm mâu thuẫn này?

Ông Trần Văn Thuấn: Bệnh viện K coi việc giáo dục chuyên môn và giáo dục y đức cho cán bộ y tế là công việc thường xuyên của bệnh viện. Dù trau dồi thường xuyên cả chuyên môn và y đức cho nhân viên y tế nhưng đâu đó vẫn có trường hợp làm chưa tốt xảy ra.

Nguyên nhân là bởi sự quá tải. Thay vì một bác sĩ khám cho chục người thì nay họ phải khám cho cả trăm người mỗi ngày nên không thể giúp đỡ bệnh nhân tận tình hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải quan tâm hơn đến đời sống của cán bộ y tế.

- Thưa ông Trần Tuấn, ông lý giải mâu thuẫn này thế nào?


 
Ông Trần Tuấn. Ảnh: Phạm Hải
Ông Trần Tuấn: Vấn đề y đức của cán bộ y tế hiện nay là vấn đề phức tạp bởi chính nghề y khá là phức tạp. Đặt nghề y trong nền kinh tế thị trường sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề nếu không có cơ chế quản lý và giám sát tốt.

Phải xét vấn đề y đức trong từng hoàn cảnh cụ thể. Hiện nay, tiền bạc đang được đề cao, chúng ta đang sống trong thời kỳ vật chất, hưởng thụ lên ngôi.

Với môi trường hiện nay, nhiều người dân vô cảm với những hiện tượng cá lớn nuốt cá bé…Bắt bác sĩ ra hoạt động như thế nào được khi họ ra xã hội và chứng kiến những hiện tượng như vậy?

Lương của bác sĩ dăm bảy triệu còn thấp nên hiện tượng phong bì là dễ hiểu (trong khi đó, mức thưởng của ngành dầu khí cho cán bộ công nhân thường là hàng chục triệu, trăm triệu về tết).

Muốn y tế công hiệu quả, cán bộ ở đó phải được trả công xứng đáng. Nếu giữ mức lương không xứng thì không thể làm tốt vấn đề này được. Ít nhất phải cho họ đủ sống cho bản thân họ và cho gia đình họ.

- Vậy có thể hiểu ý ông Tuấn là việc bác sỹ vi phạm y đức là việc khó có thể tránh khỏi trong điều kiện hiện nay?

Ông Trần Tuấn:
Với tham nhũng, phong bì trong ngành y tế, không thể không nói đến vai trò của cá nhân từng bác sỹ nhưng chỉ có vậy thôi thì chưa đủ. Cả hệ thống cũng phải chịu trách nhiệm chung khi xảy ra nhiều trường hợp như thế này.

Chúng ta phải xem xét họ khi đặt họ trong môi trường như hiện nay. Nếu như có trường hợp “sâu mọt” thực sự từ đầu thì việc xử lý, đẩy họ ra là đúng đắn nhưng khi có những người mới vào thì tốt nhưng càng ngày bị thoái hóa thì chúng ta phải xem lại chính mình. Môi trường không tốt đã “dung dưỡng” cho cái xấu nảy sinh và phát triển.

- Ông Thuấn nghĩ sao về vai trò của cá nhân bác sỹ trong vấn đề phong bì, y đức? Ông có đồng tình với ông Tuấn khi ông Tuấn cho rằng chỉ quy trách nhiệm cá nhân cho cán bộ y tế thì không thoả đáng?


 
Ông Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc BV K. Ảnh: Phạm Hải
Ông Trần Văn Thuấn: Khi ra khỏi bệnh viện, bác sĩ cũng là con người bình thường, phải lo nhiều thứ nên nhà nước phải cho họ một cuộc sống đầy đủ để họ an tâm cống hiến.

Tôi cho rằng cơ quan nào cũng có người nọ người kia, không tránh khỏi chuyện con sâu làm rầu nồi canh. Tôi biết phần lớn bác sĩ là người tốt và hết lòng vì người bệnh.

- Thu nhập của bác sỹ chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra và còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, khiến cán bộ y tế không đủ sống là nguyên nhân thường được đem ra để "lý giải" cho việc nhận phong bì và các hành vi vi phạm y đức khác (như móc ngoặc với các hãng dược để kê đơn, hưởng hoa hồng, làm giàu trên người bệnh). Xin hỏi ông Thuấn: Là người trực tiếp quản lý một bệnh viện lớn trong cả nước, ông thấy cách lý giải này có hợp lý không? Hiện nay, thu nhập của các bác sỹ ở bệnh viện ông có đảm bảo cuộc sống không?

Ông Trần Văn Thuấn: Cán bộ bệnh viện được bộ y tế chu cấp tiền lương và bệnh viện được cấp một số chi phí khác như sửa chữa, trang thiết bị thiết yếu, …. Về thu nhập cán bộ: tiền lương và phụ cấp ngoài lương mà chúng tôi hay gọi là phụ cấp thì mỗi cán bộ phần lớn chỉ dưới 10 triệu/tháng.

Bác sĩ lương trung bình 3 triệu/tháng, thu nhập thêm 2 triệu/tháng. Ngoài ra có phụ cấp đặc biệt như phụ cấp độc hại một tháng 200-300 ngàn đồng, phụ cấp mổ một tháng độ 1-1,5 triệu đồng nữa.

Vậy là một tháng một điều dưỡng thu nhập khoảng 3-5triệu đồng và với bác sĩ là khoảng 5-7 triệu đồng. Trong khi đó, đóng tiền học hành cho 2 con cũng đã gần hết khoản đó rồi.

Qua khảo sát mới được thực hiện với 1078 bác sỹ ở Hà Nội, Huế và TP HCM thì tổng thu nhập của các bác sĩ  5-10triệu đồng/tháng và dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm đến 85%. Bác sĩ cũng là con người, cũng lo cơm áo gạo tiền.

- Nói như ông Thuấn thì có thể hiểu là xã hội hiện đang có cái nhìn thiếu khách quan và công bằng đối với nghề y và cán bộ y tế? Bởi từ trước đến nay người bệnh thường chỉ nhìn vào bề nổi của vấn đề mà không hiểu được gốc gác của nó?

Ông Trần Văn Thuấn: Chúng ta cần có cái nhìn tổng thể về y đức và vấn đề phong bì. Sau khi báo chí đưa thông tin về một số hành vi xấu, tôi thấy thái độ của người bệnh ở viện K khác hẳn.

Gần đây có những trường hợp người bệnh có thể vô cớ sửng cồ, ra lệnh cho bác sĩ phải làm cái này cái kia theo ý của họ.

Tôi nghĩ cần tuyên truyền thông tin toàn diện, hai mặt của vấn đề. Nêu gương xấu nhưng cũng cần nêu gương tốt để xã hội ghi nhận đúng đắn.

Tôi có phỏng vấn một số người ở khoa tôi sau khi xảy ra những việc như vậy, họ chia sẻ rằng rất buồn chán vì không được xã hội nhìn nhận đúng mức.

Do cách hiểu của xã hội về công việc cũng như những vấn đề khác về ngành y chưa toàn diện nên dễ gây ra những hiểu nhầm giữa người bệnh và người thầy thuốc.

- Song hiện nay, không riêng gì ngành y, nhiều ngành khác cũng hưởng lương Nhà nước và ngoài ra họ không có khoản thu nào thêm. Liệu có thể lấy những vấn đề như ông Thuấn vừa nêu để giải đáp một cách thuyết phục cho sự xuống cấp của y đức?

Ông Trần Tuấn: Nghề y là một nghề đặc biệt. Người thầy thuốc đến với nghề đều phải xuất phát từ lòng thương người. Trọng trách của người thầy thuốc rất lớn và một khi đã bước chân vào nghề này là họ phải hiểu và chấp thuận gánh vác trọng trách ấy, không thể vì bất cứ một lý do nào mà không cứu chữa người bệnh tận tâm hay gây khó dễ cho họ trong lúc khốn khó nhất.

Tôi cho rằng hiện tượng phong bì đã làm mất đi hình ảnh của người bác sĩ. Trẻ em ngày xưa còn có nhiều ước mơ làm bác sĩ nhưng giờ ít đi rất nhiều và nói không quá thì hiện giờ nhiều người đã mất niềm tin vào nghề y của chúng ta.

 

 

VietNamNet mở diễn đàn “Y đức và phong bì trong bệnh viện” để bạn đọc có thể đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên (đặc biệt là đưa ra được những giải pháp có tính khả thi).

Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "Gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết.

 

 

Nhóm PV

(Còn nữa)