– Mẹ bỏ đi theo trai, Mai sống trong chuỗi ngày thiếu thốn và nhếch nhác. Bố Mai vẫn ngày ngày oằn mình để nuôi sống cả gia đình trong cảnh gà trống nuôi con…

Giọt nước mắt của cha

Đống vải vụn và vài cái quần áo cũ là món đồ chơi mỗi ngày của tôi, tôi đem ra ngồi tha thẩn bó lại, rồi buộc chun nịt, nó sẽ trở thành một khối hình na ná giống hệt em bé giả trên vòng tay bế ẵm của người diễn viên cải lương (trong vỏ “Đôi dòng sữa mẹ” tôi đã từng xem trên ti vi bên nhà hàng xóm).

Còn chiếc võng được tôi tạo thành từ một cái áo tay dài, buộc ghép phần thân áo, hai ống tay thì đem buộc thít vào hai chân ghế đẩu.

Thế rồi tôi cũng mang “em bé” của mình ra mà bế bồng, mà thơm thơm- dỗ dành, rồi cũng đút cho “em” ăn bột. Rồi cũng đặt “em” xuống “võng” mà cất tiếng hát ru “ơi…hời” như một bà cụ non.

Một lần cha tôi đi chợ – khu chợ chỉ cách nhà mấy bước chân là đến. Lúc cha vừa trở về, ông chợt đứng sững lại trước câu hát ru (mà không biết ai đã dạy cho tôi?)

- Ầu… ơ… gió đưa cây cải về trời,

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay…ơ….ơ.

Khóe mắt cha bỗng đỏ hoe, ông ôm chặt tôi vào lòng rất lâu. Tôi cảm thấy đôi vai và cả vầng ngực ông run lên thật mạnh, nhưng với trí óc còn quá non nớt, tôi tròn xoe đôi mắt – chẳng hiểu vì sao cha mình lại khóc?...

Ông nội tôi về sống dưới quê đã nhiều năm – nơi ấy là một thôn làng bình yên trên vùng bán sơn địa, cách Hà Nội khoảng bẩy mươi cây số. Trước đó, tôi chỉ một lần được gặp ông, nhưng khi ấy tôi còn quá nhỏ, khuôn mặt ông tôi không còn nhớ được!

Năm đó, ông tôi qua đời. Nhận được bức điện báo tin của trưởng dòng họ, cha tôi tức tốc ra bến xe về quê chịu tang ma chay ba ngày xong xuôi, cha – con tôi lại đi xe khách quay trở về thành phố.

Chuyến xe hôm ấy đông nghịt người và cả súc vật. Mùi mồ hôi người, mùi phân súc vật lẫn mùi khói thuốc lá… Tất cả tạo nên một thứ mùi nồng nặc, ngột ngạt rất khó chịu! Tôi là “trẻ em” lẽ ra sẽ được “đặc cách” xếp cho chõ ngồi ở hàng ghế phía đầu xe gần khoang lái, bởi số lượng hành khách đã chật cứng, người lái phụ vẫn cố tình nhồi nhét hai cha con tôi vào hàng ghế cuối chen chúc giữa những kiện hàng hóa.

Ký ức về những tháng ngày nghèo khổ trong tình thương của người cha chính là điểm nhấn trong tự truyện của Ngọc Mai. Và chính tình yêu của người cha nghèo khổ đã giúp Mai thức tỉnh (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
 

Chiếc xe khởi hành đến đoạn thị xã Sơn Tây thì bất ngờ người tài xế mất thăng bằng tay lái, khiến chiếc xe đang trên đà tốc độ cao đâm thẳng vào một gốc cây lớn. Cú va đập rất mạnh khiến ông ta lao qua lớp kính, bắn xuống lòng đường và chết ngay tại chỗ!

Sau đó chiếc xe chòng chành rồi lật đổ – kéo theo 17 người chết gồm những hành khách đều ngồi ở vị trí sát khoang lái. Cha tôi là một trong số những người bị thương khá nặng. Còn tôi bị mắc kẹt dưới gầm ghế cùng các kiện hàng hóa.

Cha tôi kể lại rằng đội cứu hộ đã phải dùng xà beng để nạy tôi thoát ra khỏi đó. Số những người bị thương được chuyển gấp tới một bệnh viện không xa nơi bị nạn. Thế là cha con tôi phải mất mấy tháng nằm điều trị bằng chi phí bồi thường rất khiêm tốn!

…Từ bệnh viện trở về ít ngày, biết cha – con tôi đang gặp nhiều khó khăn, bác gái thứ hai của tôi đánh điện ra nhắn cha tôi vào trong ấy (Nha Trang). Bác hứa sẽ thu xếp cho cha một công việc để ổn định lại cuộc sống của hai cha – con.

Đêm trước hôm đi, tôi thức cùng cha để sửa soạn hành lý. Nói là thế, nhưng tất cả cũng chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo cũ; một ít đồ dùng cá nhân. Nghe cha nói ngày mai sẽ đi tàu vào Nam – tôi cảm thấy thích thú lắm dù thực sự cũng chẳng biết “Nam” là ở đâu? Là xa – gần ra sao?

Sau hai tháng thăm dò cuộc sống của người phương Nam, cha tôi không có ý muốn sẽ định cư trong đó. Lại dắt díu đứa con ốm nhom ốm nhách lên tàu trở ra Bắc. Đi – và về …. Hình như có ai đó đã từng nói: “cuộc đời là những chuyến đi!”.

…Đoàn tàu Thống nhất Bắc – Nam dừng lại ga Đồng Hới lúc 8 giờ sáng sau khi rời ga Nha Trang. Tiếp đến là một đoàn tàu khác từ hướng ngược chiều cũng chầm chậm lăn bánh vào ga. Nó đỗ lại song song với đoàn tàu dừng trước đó ít giây.

Mọi hành khách ào xuống ăn uống và vệ sinh cá nhân. Sân ga hỗn độn bao thứ âm thanh: tiếng rao của những người bán rong, còn tàu rú vang từ bốn phía, tiếng thông báo lịch trình các chuyến tàu vọng ra từ hai chiếc loa phát thanh.

Tôi theo cha đi dọc dãy quán xá rồi cha hỏi tôi muốn ăn gì? Tôi kéo tay cha táp vào một gánh hàng bánh cuốn. Bà chủ hàng nhanh tay sắp bánh vào đĩa, đổ một chút tương ớt lên trên rồi đặt vào tay cha.

Ông đỡ lấy – chọn góc bánh không có ớt, ông bón cho tôi. Bỗng tôi rùng mình và nhăn mặt lại – chắc có lẽ miếng bánh nào đó bị dính cay! Lắc đầu quầy quậy, tôi phụng phịu với cha rằng tôi không ăn nữa, vì vậy ông đã ăn nốt đĩa bánh tôi bỏ dở.

Nhẩm tính thời gian đã săp xếp hết mười lăm phút tàu dừng, cha dắt tay tôi về phía cửa toa tàu chênh chếch nơi chúng tôi ngồi ăn uống. Bế tôi nhấc lên bậc thang lên – xuống, cha tôi bảo rằng hãy lên đó trước, cha tôi ăn xong sẽ lên sau!

Vài phút trôi đi, một hồi còi rúc lên giục giã, cha đứng dậy móc túi trả liền bánh rồi nhảy vội lên một lối cửa soát vé. Khi tàu đã chuyển bánh một đoạn khá dài, bởi chạy ngược chạy xuôi khắp các tòa tàu tìm kiếm mà không thấy tôi cùng những hành khách quen thuộc, cha tôi mới hốt hoảng nhận ra ông đã lên nhầm chuyến tàu khác đang chạy vào Sài Gòn.

Vậy là hai cha con tôi ngược hành trình với nhau: cha vào Nam, còn tôi lại ra Bắc! Cha đành đứng ngồi thấp thỏm chờ đợi bến đỗ tiếp theo, ông sẽ xuống rồi tìm cách quay trở lại.

Nói đến tôi, sau khi lên tàu, tha thẩn chơi một lúc thì hai mắt díu lại. Tàu còn chưa chạy, tôi đã ngủ lăn lóc tựa vào thành ghế không biết tự lúc nào! tỉnh dạy, không thấy cha đâu, tôi thút thít – dần dần khóc mỗi lúc một lớn hơn!

Thấy vậy, mọi hành khách xung quanh xúm lại hỏi han, sau đó thông tin về đứa trẻ bị lạc nhanh chóng được chuyển tới các nhân viên đường sắt đang làm nhiệm vụ trên chuyến tàu.

Người ta đang tìm thấy trong hành lý cha con tôi giấy tờ tùy thân duy nhất – xác định rõ nguồn gốc về đứa trẻ lạc - đó chính là quyết định ly hôn của cha – mẹ tôi.

Bế tôi về toa tàu dành riêng cho nhân viên, họ thay nhau trông nom, chăm sóc. Dọc đường ra Bắc, mỗi sân ga là bến đỗ của chuyến tàu này đều thông báo trên hệ thống loa phát thanh “tìm người nhà” của đứa trẻ bị lạc – là tôi.

Tàu dừng ở bên cuối hành trình, tôi đã được bàn giao lại cho trạm Công an ga Hà Nội!

Còn cha tôi, bị mất sạch tiền, mắc kẹt giữa miền Trung chẳng còn cách nào khác, ông đành hạ mình xuống để liên lạc với mẹ, đề nghị bà ra đón tôi về nhà. Tới tận 34 ngày sau, cha – con tôi mới gặp lại nhau.

Thêm một lần nữa, cha tôi gạt nước mắt - ôm lấy đứa con bé bỏng cứ rụi rụi đầu bấu chặt vào đôi vai ông đang rung run khó nhọc nén đi giây phút xúc động…

Nỗi lòng người đàn ông bất hạnh

Tôi bước vào những năm đầu học cấp một. Sau giờ cắp sách đến trường, tuổi thơ tôi vẫn là những ngày tháng nhếch nhác, rách rưới trên đường phố khi lẽo đẽo theo cha tiếp tục cái nghiệp của người bán vé số rong.

Bởi thế mà tôi không còn bạn, rơi vào tột cùng trong thế giới cô đơn của một đứa trẻ nghèo! Nhưng bù lại tôi học rất giỏi – dù còn nhỏ (chưa từng được biết tên của các trường đại học) – Tôi cũng đã thầm ước mơ rằng một ngày nào đó, mình sẽ trở thành một nữ nhà văn (hoặc nhà báo)…

…Có một lần, tôi lên cơn sốt cao li bì, thi thoảng co giật, tôi mê sảng gào khóc, âm thanh vọng lan ra bốn phương ngang dọc dãy hành lang. Cha tôi phải ngồi trắng đêm ôm tôi trong tay, cõi lòng tôi cứ giằng xé bao cảm giác của người cha bất lực cùng giọt nước mắt xót xa, và những tiếng thở dài lặng lẽ.

Sáng hôm sau, để có tiền đưa tôi đi bệnh viện, ông đã bán nốt tài sản có giá trị nhất còn sót lại trong nhà, đó là chiếc xe đạp Thống nhất cũ mèm và hoen gỉ. Người ta trả giá vỏn vẹn có bốn mươi đồng vào thời gian đó!

Ký ức về người cha có lẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn tự truyện, nó giúp Mai hướng thiện, giúp cô vượt qua những bão giông của cuộc đời (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
 

Sau trậm ốm, lần đầu mẹ trở về thăm tôi – dẫn theo người đàn ông của mẹ. Mẹ mua cho tôi nhiều món đồ chơi, áo quần mới tinh. Tôi thích nhất là đôi guốc in những họa tiết hoa văn sặc sỡ; quai guốc gắn một chiếc nơ xinh xắn màu hồng đính hạt cườm như những hòn ngọc tỏa ra ánh sáng bàng bạc màu thủy tinh.

Cha mẹ lại cãi vã to tiếng với nhau… Dù tôi hơi sợ – tôi líu ríu nép sau lưng áo cha, nhưng rồi cũng chẳng bận tâm lâu về câu chuyện giữa họ!

Đôi mắt tôi còn đang mải dán chặt vào đống quà trước mặt kia! Mẹ vừa mới đi khỏi, tôi đã vội vàng chạy bổ tới – sà xuống – hý hoáy với từng món đồ trong tay mà say mê, nhìn ngắm!

Bỗng cha tôi giận dữ, ông quơ tất cả rồi mạnh tay ném hết qua ban công. Ngoài trời bất chợt xối xả đổ xuống một cơn mưa lớn – mặc cho mưa gió không chịu vào nhà - Tôi ghét cha!

Vì sao cha lại dập tắt đi niềm vui mới chỉ kịp hé mở trong tôi? Vì sao lại ném đi những thứ quý giá mà tôi đã từng thèm muốn biết nhường nào!

Cuối cùng, cha bế thốc tôi lên, mặc kệ tôi gào thét, vẫy vùng và giãy giụa! Hôm ấy, ông đã đem nỗi lòng mình mà nói hết cho tôi nghe bao điều về mẹ. Đôi mắt ông hiện lên sự chua chát mà chưa bao giờ tôi từng thấy trước đó!

Trận mưa hôm ấy kéo dài bao lâu tôi không nhớ? Chỉ biết rằng khi trời đã tạnh khắp mặt đất chỉ còn một vùng nước mênh mông trắng xóa… đó là một trong những trận lụt lịch sử của Hà Nội!

Sau khi nước rút, giữa ngổn ngang bùn đất và rác rưởi vương vãi – người qua lại trên lối nhỏ đều ngoảnh lại nhìn chăm chăm vào một bé gái gầy gỏ, đen đúa đang mải miết kiếm tìm!

Chẳng ai biết con bé kia tìm kiếm gì ở đó? Và tôi – cái con bé ấy không thể thấy lại thứ gì còn sót lại mà cha đã ném đi!

Hoàng Sang  - Vân Anh

(còn nữa)

(Bài viết sử dụng tư liệu trong phần tự truyện của nữ phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai)