- Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) khẳng định, vụ việc 3 người chết trong nhà tại xã Quang Lộc là do ngạt thở khi sưởi ấm bằng than. Tuy nhiên, rất may mắn khi đứa bé 3 ngày tuổi sống sót kỳ diệu. PV VietNamNet đã thử đi tìm lời giải.

Công an kết luận chết vì ngạt thở

Như VietNamNet đã đưa tin, khoảng 7h ngày 26/12, ông Trần Thọ Đức (56 tuổi) sang nhà con trai là Trần Thọ Vũ (26 tuổi) thấy cửa vẫn còn đóng. Ông nghĩ trời lạnh nên mọi người đang ngủ và quay về cho lợn, gà ăn.

Đến khoảng 8h, ông sang thì vẫn thấy cửa đóng. Ông gọi mấy tiếng thật lớn nhưng không nghe tiếng ai đáp lại.

Sinh nghi, ông tìm cách mở cửa sổ nhìn vào buồng thì tá hỏa thấy vợ là bà Thân Thị Phượng (53 tuổi) gục trước cửa. Trên giường, con trai và con dâu là Phan Thị Thảo (24 tuổi) năm im bất động.

Căn buồng nơi 3 người lớn chết, còn cháu bé 3 ngày tuổi sống sót kì lạ.


Ông Đức như chết lặng rồi hô hoán mọi người phá cửa vào nhà. Trong căn buồng 3 người lớn đã chết. Bé trai mới 3 ngày tuổi vẫn còn thoi thóp. Mọi người đã sơ cứu cho bé.

Còn hiện trường được bảo vệ chờ cơ quan chức năng đến. Cơ quan Công an huyện Can Lộc ngay sau đó đã có mặt, tiến hành khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Sau khi tiến hành các bước điều tra căn bản, thượng tá Võ Tá Sơn, Phó Trưởng Công an huyện Can Lộc cho biết. Tại hiện trường, 3 người lớn chết với biểu hiện: Miệng sủi bọt mép, mặt đỏ bầm. Dưới giường 3 chậu than vẫn còn bốc khói. Khí CO2 vẫn còn nặng.

Trên cơ sở đó, Cơ quan Công an huyện Can Lộc kết luận cả 3 nạn nhân chết là do ngạt thở. Nguyên nhân là do cửa phòng đóng kín, than cháy suốt đêm hút hết ôxi, thải ra khí CO2 nên người không có đủ lượng ôxi cần thiết.

Cũng vì thế, theo Thượng tá Sơn, Cơ quan này đã không tiến hành mổ tử thi các nạn nhân và gia đình nạn nhân cũng yêu cầu.

Còn câu hỏi vì sao đứa bé mới 3 ngày tuổi con của vợ chồng chị Thảo lại sống sót thì Thượng tá Sơn không thể lý giải nổi.

“Chúng tôi cũng không thể giải thích được, có thể do đứa bé mới sinh nên không cần nhiều ôxy”, ông Sơn nói.

Bác sỹ lý giải

Đưa thắc mắc này đến gặp bác sĩ Nguyễn Tuấn, Phó GĐ Sở Y Tế Hà Tĩnh, người có chuyên môn sâu về bệnh nhi, ông Tuấn giải thích:

Mất mẹ, bé phải đi bú nhờ chị hàng xóm. Trong phòng vẫn đang còn nồi than đỏ lửa, một thói quen của người dân khi mùa đông giá rét.


Ở trẻ sơ sinh, hay trẻ đang trong bào thai có chất Hemoglobin F khoảng 90%. Khi trẻ lớn dần lên đến khoảng 3 tháng thì chất đó chỉ còn khoảng 30%, đến 5 tháng chỉ còn 1%. Ở người lớn chỉ còn 0,5%.

Loại chất này hấp thu ôxi thấp rất tốt. Có nghĩa, khi trong cơ thể người nào có chất Hemoglobin F nhiều thì trong môi trường kém ôxi họ vẫn chịu đựng tốt.

Điều đó lý giải tại sao khi trẻ đang trong bao thai, ôxi trong máu mẹ rất ít nhưng thai nhi vẫn hấp thu được, vẫn sống được. Chính vì thế, có thể cháu bé 3 ngày tuổi đã thoát chết dù trong căn phòng đóng kín, lượng ôxi rất thấp.

Cũng theo Bác sĩ Tuấn, nếu như đứa trẻ đó mà sinh nhiều ngày hơn thì khó sống sót.

“Cho nên việc cháu bé thoát chết kì lạ chính là nhờ sự kì diệu của tạo hóa, mà ở đây là chất Hemoglobin F có trong cơ thể bé” - Bác sĩ Tuấn khẳng định.

Lộ diện “sát thủ” giết người hàng loạt

Vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sự nguy hiểm khi sưởi ấm bằng đốt than. Trong những năm qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ chết người khi đốt than trong phòng, nhất là về mùa đông.
 

Mới 3 ngày tuổi, chưa kịp khai sinh, đứa bé này đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.


Trả lời báo chí cách đây một thời gian, TSKH Phạm Hữu Lý (Viện Hoá học – Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia) cho biết: Theo nguyên lý, khi đốt ở một nhiệt độ nhất định, cacbon (C) sẽ kết hợp với oxy có trong không khí (O2) tạo thành cacbon dioxit (CO2) và nhiệt lượng. CO2 không có tác dụng duy trì sự sống, nhất là khi tồn tại trong một căn phòng nhỏ, kín, nó sẽ đẩy các chất khí nhẹ hơn (là O2) ra ngoài để chiếm chỗ. Những người ở trong phòng vì thế sẽ không có khí để thở.

Tuy nhiên, đó lại không phải là thủ phạm chính gây tử vong, mà nguy hiểm nhất, có khả năng đem đến cái chết nhanh chóng, nhẹ nhàng, lại là khí monoxit cacbon (CO). Đây là một loại khí cực kỳ độc, không màu, không mùi, không tan trong nước và chiếm một lượng lớn nhất trong quá trình đốt than.

Trong điều kiện phòng chật, kín thì chỉ cần ủ một viên than cũng đủ làm chết tất cả những người ở trong đó. Hiện tượng ngộ độc khí CO rất dễ xảy ra trong điều kiện thông khí kém.

Khi khí CO vào cơ thể nó sẽ lấy ôxi trong người để tạo thành CO2. Hậu quả là nạn nhân bị thiếu oxy một cách trầm trọng, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Trần Văn - Duy Tuấn