- Trong một thời gian dài, Đài PT-TH Nghệ An đã nhận hợp đồng tại các đài huyện một cách ồ ạt. Việc đó dẫn đến tình trạng, hơn 136 người lao động bỗng dưng bị cắt hợp đồng sau khi đài truyền hình các huyện tách khỏi đài tỉnh.

Khi thực hiện việc chuyển giao chưa từng có tiền lệ này, chính quyền từ huyện đến tỉnh, các ban ngành ở Nghệ An đã gặp không ít khó khăn và không đưa ra được một lộ trình rõ ràng, quy chuẩn.

Hậu quả là hơn 100 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật nhà đài và những người ăn theo "bơ vơ". Còn chính quyền các huyện đang tự tìm kinh phí, 'mày mò lối đi'.

“Nồi cơm” của 136 lao động bị đe doạ? 

Gần 20 huyện, thị của Nghệ An đang loay hoay tìm cách “giải cứu” cho 136 cộng sự từng làm việc, ăn lương, đóng đầy đủ các loại bảo hiểm với đài tỉnh.

Ông Trần Duy Ngoãn, GĐ Đài PT-TH Nghệ An nói: “Do nhu cầu công việc, lúc đó cần bao nhiêu máy phát, giờ phát và phóng viên, cộng tác viên là do trưởng đài huyện đề nghị. Chúng tôi dựa vào đó để làm hợp đồng”.

Có 136 cộng sự của Đài PT-TH Nghệ An bị bỏ rơi, để lại hệ quả là đài tỉnh làm, huyện chịu?

Nếu nói như ông Ngoãn, nhiệm vụ và công việc tại thời điểm năm 2012 và năm 2011 không khác gì nhau nhiều, có khi còn thêm nhiều công việc. Vậy, tại sao đài tỉnh không có lộ trình ngay từ đầu, trước khi chuyển giao, để đến bây giờ khi tách đài đã không lường được hệ quả 136 hợp đồng sẽ đi về đâu.

Ông N.H.H., Chủ tịch UBND huyện D., cho biết: “Đài huyện chúng tôi hôm chuyển giao có 15 người, trong đó 8 biên chế và 7 hợp đồng. Hiện đài tỉnh bàn giao như thế nào thị nhận vậy, quá trình làm việc được thì dùng, không làm được sẽ xử lý sau".

Trong quá trình chuyển giao về cho UBND các huyện quản lý, đài tỉnh, các cấp, ban ngành chưa có phương án, chủ trương rõ ràng, khiến mỗi huyện đưa ra một cơ chế làm việc khác nhau. Dẫn đến các nhân viên nhà đài sống trong hoang mang khi nồi cơm bị đe doạ.

Ông Nguyễn Duy Nho, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ thông tin: “Số biên chế và hợp đồng thì bắt đầu từ tháng 1/2012 chuyển sang huyện quản lý rồi mới bàn lại. Hiện nay, huyện đang giao cho cơ quan truyền hình thực hiện theo Nghị định 43, giờ cũng chưa thống nhất cụ thể. Khi nào họ chuyển lương từ đài tỉnh về huyện mới thống nhất cách làm và giải quyết.

Tôi biết có nhiều huyện đang tắc, trong đó có Tân Kỳ. Cụ thể, những hợp đồng đó là do đài tỉnh ký, quỹ lương do đài tỉnh chi trả, đưa về huyện thì những số này sẽ rất khó khăn trong kinh phí trả lương, bởi ngân sách của huyện có hạn”.

Ông Nho cũng băn khoăn, chủ trương mà trước đây đài tỉnh nhận hợp đồng nhiều người đến thế, không biết là có được UBND tỉnh đồng ý hay không? Nhưng khi bàn giao thì hầu như huyện nào cũng khó khăn. 

Đề xuất với tỉnh là có chủ trương như thế nào đó, có hướng dẫn để tiếp tục trả lương cho số hợp đồng vừa mới bị chấm dứt. Vì, những hợp đồng này trước đây họ đều tham gia đóng BHXH do đài tỉnh chi trả.

“Quýt làm… cam chịu”!

Những ngày đầu tháng 1/2012, trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông N.M.H, Phó Chủ tịch UBND huyện L. thông tin: “Hiện nay chúng tôi đang giao cho Đài PT-TH huyện làm kế hoạch nhưng vẫn chưa xong. Căn cứ vào nhu cầu mà không hợp đồng hết được với những người chưa được biên chế, thì quân số này đài tỉnh phải có trách nhiệm xử lý.

Đại diện Giám đốc đài; Sở nội vụ; Sở Tài Chính; Sở TTTT Nghệ An bàn giao đài huyện cho các UBND huyện quản lý cả cở sở vật chất và con người.

Được biết, Đài PT-TH huyện L. có 9 cán bộ đã biên chế và 7 hợp đồng không xác định thời hạn bị đài tỉnh bỏ rơi từ ngày 31/12/2011.

Cũng theo ông H. thì, tình trạng trên là chung của toàn tỉnh Nghệ An chứ không riêng gì huyện L. Việc chuyển giao quá vội vàng theo kiểu “rũ áo ra đi”, khiến các huyện gặp rất nhiều khó khăn.

Ông H. nõi rõ, huyện không thể nhận một lúc đến 7 hợp đồng. Hơn nữa, đài huyện bây giờ không có chức năng sản xuất chương trình, mà chủ yếu là quay phim, gửi tin cho đài tỉnh. Tin nào được dùng mới trả tiền. 

Đài tỉnh có nói bằng miệng là mỗi năm sẽ hợp đồng trên 200 triệu với đài huyện làm tin bài, nhưng khi chuyển xuống mà được phát sóng mới có tiền, không phát sóng thì không chi trả.

Nghĩa là dùng tin nào thì trả tiền tin đó, đây là cái chết nhất, chả khác chi là cộng tác viên chỉ nhận nhuận bút, không hưởng lương. Chứ đâu phải là hợp đồng.

Đó là hợp đồng giữa đài tỉnh với đài huyện, chứ không phải là hợp đồng với UBND các huyện để làm chuyện đó. Bây giờ cả 20 huyện, thị cùng làm phóng sự, vậy thì họ (đài tỉnh) phát vào giờ nào?” - ông H. nêu lên bất cập trong quá trình chuyển giao nhà đài.

Quốc Huy – Duy Tuấn