– Do vi trùng mô cầu có thể truyền từ người này sang người kia qua đường hô hấp (dịch hầu họng, nước mũi) nên để phòng bệnh, người mang bệnh phải được cách ly khỏi đám đông. Do thời điểm này đang là dịp Tết, việc tụ tập đông người thường xuyên diễn ra nên các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không hoang mang nhưng cần phải cảnh giác, thường xuyên chú ý theo dõi sức khỏe của mình.

TIN LIÊN QUAN: 

Viêm não mô cầu có nguy cơ lây lan nhanh
Ca viêm não mô cầu đầu tiên tại miền Bắc
Phát hiện thêm 10 người bị nhiễm não mô cầu

TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Các năm trước đây Hà Nội có từ 3-5 ca viêm não mô cầu/năm.

Bệnh này không phải bệnh mới, xuất hiện không rầm rộ (do tác nhân gây bệnh là vi khuẩn chứ không phải virus) nhưng tỷ lệ tử vong cao, diễn biến bệnh nhanh. Năm 2011, Hà Nội có 3 trường hợp bị viêm não mô cầu nhưng có 2 người tử vong.

Về trường hợp bệnh nhân bị viêm não mô cầu đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, ông Cảm thông tin: Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nguy cơ tử vong không còn.

Nơi làm việc, bán hàng của bệnh nhân đã được xử lý. Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này cũng không còn nguy cơ mắc bệnh.

Ông Cảm cho biết, bệnh này hiện có xắc-xin phòng (dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên) nhưng hiện tỷ lệ tiêm phòng thấp. Do vi khuẩn viêm não mô cầu còn rất nhạy cảm với kháng sinh nên người dân cũng có thể uống kháng sinh để dự phòng.

Ca viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2012 tại Hà Nội đã qua cơn nguy kịch. Bệnh viêm não mô cầu tuy không xuất hiện rầm rộ nhưng tỷ lệ tử vong cao

Viêm não mô cầu là bệnh theo mùa. Ít xuất hiện nhưng có những điểm đáng lưu ý là dễ bị chẩn đoán nhầm, đồng thời lây lan nhanh nếu người bệnh sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác.

Theo các bác sĩ, viêm não mô cầu thường thấy ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh. Khi vào cơ thể qua đường hô hấp, vi trùng có thể gây viêm họng, nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 ngày đến 10 ngày.

Biểu hiện của bệnh viêm não mô cầu là bệnh nhân thường bỗng nhiên sốt kèm ớn lạnh, rét run, đau đầu, co giật hoặc mê sảng ở trường hợp nặng, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ. Một số trường hợp có biểu hiện nôn ói, nhức mỏi.

Với các vết ban đỏ nổi ngoài da đối với viêm não mô cầu, thường có tím thẫm, hoặc to bằng đầu đũa, hoặc là mảng lớn hơn. Các nốt tử ban xuất hiện trong 1-2 ngày có biểu hiện bệnh, trong khi đó sốt phát ban hay sốt xuất huyết, nốt ban thường có màu nhạt hơn và nhỏ hơn và trổ ban từ sau 3-4 ngày.

Ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể qua khỏi nếu được nhập viện và điều trị bằng kháng sinh. Tại Việt Nam cho thấy, có đến 50% người mang vi trùng não mô cầu nhưng không có biểu hiện bệnh và vẫn sống khỏe.

Viêm não mô cầu lại nguy hiểm trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết cấp hoặc viêm màng não. Khả năng bị nhiễm trùng huyết cấp rất ít gặp, một số trường hợp được y văn ghi nhận bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 2 ngày sau khi phát bệnh.

Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu. Cần điều trị sớm bệnh viêm màng não do não mô cầu bằng các nhóm kháng sinh như penicillin, ampicillin, chloramphenicol và ceftriaxone.

Do vi trùng mô cầu có thể truyền từ người này sang người kia qua đường hô hấp (dịch hầu họng, nước mũi) nên để phòng bệnh, người mang bệnh phải được cách ly khỏi đám đông.

Do thời điểm này đang là dịp Tết, việc tụ tập đông người thường xuyên diễn ra nên các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không hoang mang nhưng cần phải cảnh giác, thường xuyên chú ý theo dõi sức khỏe của mình.

Người tiếp xúc có thể uống kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng bệnh. Ngoài ra, viêm não mô cầu có văcxin phòng ngừa. Loại văcxin này tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Người lớn cũng có thể tiêm phòng. Ở mùa thường xuất hiện viêm não mô cầu (những tháng đầu năm), nếu thấy sốt, viêm họng, người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời.

Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để đề phòng bệnh lây lan trong cộng đồng:

1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

2. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

3. Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

4. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

5. Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.

N.Anh