- “Năm nào cũng vậy, nhìn những chuyến xe đông nghẹt người hối hả về quê đón Tết là mình rơi nước mắt. Đã mấy Tết rồi hẹn cha mẹ, người thân sẽ đưa vợ con về nhưng Tết này phải ở lại thôi, lại một lần lỡ hẹn…”.
TIN BÀI KHÁC
 

Tâm trạng của anh Nguyễn Văn Đồng (quê Ý Yên, Nam Định) cũng là nỗi niềm của không ít người lao động xa quê mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Tết là dịp sum vầy đoàn tụ của mỗi gia đình, ai cũng muốn đoàn viên sau những ngày xa cách. Dù vậy, với cuộc sống nhiều lo toan, không phải ai “muốn là được”.

Hơn 21h30, nữ công nhân Phạm Thị Tuyết (quê Thái Bình) làm việc tại công ty Freetrend (KCX Linh Trung – Q.Thủ Đức) mệt mỏi gạt chân chống xe, uể oải trước cửa phòng trọ ở một con hẻm nhỏ gần ngã tư Linh Xuân, quận Thủ Đức. Chị Tuyết cho biết, lý do chị về trễ là phải tăng ca liên tục đến 9 giờ tối mới nghỉ.

Dù mệt mỏi nhưng chị vẫn cố gắng tăng ca, không chỉ vì đơn hàng nhiều mà mục đích chính là tranh thủ những ngày cuối năm, kiếm thêm tiền sắm Tết cho gia đình.

Lao động vất vả quanh năm nhưng về quê dịp Tết vẫn là “ước mong” xa xỉ của ít người lao động.
 

“Tết đến đủ thứ phải lo, giá cả thì đắt đỏ. Cầm mấy trăm ngàn tiền lương đi sắm được vài món quà chẳng ăn thua gì, quần áo mới cho con cũng chưa mua nên phải tăng ca để kiếm thêm.

Mấy năm rồi không về quê ăn Tết, nay được nghỉ dài nên hai vợ chồng về thăm con, gia đình nội ngoại. Tàu xe đi lại, quà biết hai bên nội ngoại,... tốn kém lắm, chưa nghĩ đã thấy lo. Mấy năm vợ chồng tiết kiệm chỉ về một cái Tết, không biết có đủ không?” - chị thở dài rồi hì hục đẩy xe máy vào gian phòng trọ chật chội.

Dẫu phải lo lắng như chị Tuyết, nhưng vẫn là ước mơ của nhiều người lao động xa quê, bởi họ không thể về quê đón Tết. Cùng dãy trọ chị Tuyết có hàng chục công nhân Tết này không về.

Chị Lê Thị Tin (quê Yên Mô, Ninh Bình) là nữ công nhân trẻ tuổi nhất trong xóm trọ. Hai mốt tuổi nhưng Tin đã có 5 năm tuổi nghề. Cô gái trẻ tâm sự với giọng buồn buồn:

“Nhà em bố mất sớm, mẹ bị bệnh cao huyết áp, khó khăn quá nên học hết lớp 9 đã vào TPHCM đi làm cùng chị gái. Khi vào làm không đủ tuổi chị phải mượn giấy tờ của người ta khai cho đủ để được nhận.

Lương công nhân chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tháng nào hai chị em cũng chích một phần gửi về để mẹ lo thuốc men. Còn lại chỉ đủ tiền nhà trọ, đi lại, tiết kiệm lắm mấy năm trời hai chị em mới mua được một chiếc xe máy để đi làm xa cho đỡ cực”.

Tin tâm sự, nhiều năm rồi không về Tết. Từng ấy cái Tết xa quê, cứ đến giao thừa hai chị em lại ôm nhau khóc, gọi điện về thăm nhà, mẹ em cũng khóc luôn.

Nhắc tới đây, cô gái trẻ nhìn xa xăm: “Tết năm nay tụi em tính về, đã hẹn mẹ rồi. Nhưng lương, thưởng thấp quá, tàu xe đi lại khó khăn. Hai chị em tính làm thêm vài tháng rồi về Bắc luôn. Ngoài đấy khu công nghiệp cũng nhiều rồi, về nhà cho gần mẹ…”.

“Năm nào cũng vậy, nhìn những chuyến xe đông nghẹt người về quê đón Tết là mình rơi nước mắt. Đã mấy Tết rồi hẹn cha mẹ, người thân sẽ đưa vợ con về nhưng Tết này phải ở lại thôi, lại một lần lỡ hẹn…” - anh Nguyễn Văn Đồng (quê Ý Yên, Nam Định) - người đàn ông có vẻ mặt rắn rỏi, chợt trầm giọng khi được hỏi về Tết, về quê..

Hai vợ chồng anh Đồng đều là công nhân Công ty may xuất khẩu P.Y. (quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức). Chịu khó làm lụng, chắt chiu thì cũng tạm đủ ăn, nhưng khổ nỗi, cậu con trai lên bốn nay ốm, mai đau, người vợ sức khỏe yếu hay đổ bệnh nên cuộc sống chẳng bao giờ dư giả.

“Trước đây có một mình nên chuyện về Tết đơn giản hơn nhiều, có bữa xe đông quá mà lại “chặt, chém’, mình ít tiền nên đồng ý chui cả trong hầm xe, giờ có vợ con đi cùng không như vậy được.

Vợ chồng mình cùng quê Nam Định nhưng từ ngày lập gia đình, mình chưa một lần đưa vợ con về thăm bố mẹ; ông bà chỉ biết mặt cháu qua ảnh, không biết mấy năm không gặp bố mẹ già đến đâu rồi. …”- giọng anh Đồng chua xót.

Lãnh đạo TPHCM tặng vé về quê cho công nhân. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng hơn, để những người lao động xa xứ có thêm những mùa xuân vui.    
Đúng là mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm khi Tết đến, xuân về nhưng với những người phải tha hương, Tết luôn nặng trĩu nỗi niềm.

Những năm gần đây, chương trình tặng vé xe cho công nhân làm việc tại TP.HCM không có điều kiện về quê đón Tết ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Mỗi năm đã có hàng chục chuyến xe đầy ắp nghĩa tình như vậy.

Thế nhưng, do giới hạn, điều kiện của chương trình, chủ trương của từng doanh nghiệp và tổ chức công đoàn nên vẫn còn những người lao động khát khao được về quê đón Tết dù chỉ là cái Tết nghèo nhưng chưa thể thực hiện.

Mong rằng những chuyến xe là cầu nối giữa “hai bờ nỗi nhớ” ấy sẽ ngày một nhiều hơn để người lao động không phải ngậm ngùi khi Tết đến, xuân về.

M.Phượng