– Theo thông tin từ những phóng viên của VOV Giao thông, thì qua việc theo dõi các phản hồi của bạn nghe đài từ khắp thành phố đã cho thấy một thực tế: Việc đổi giờ học giờ làm đã gây tình trạng tắc nghẽn nhiều hơn là thông thoáng. Khảo sát gần 10.000 bạn đọc của báo VietNamNet cũng cho thấy chiếm đến 2/3 là những ý kiến cho rằng đường sá không thông thoáng hơn là bao.

>> Toàn cảnh Hà Nội đổi giờ học, giờ làm
Theo phản ánh từ những người làm chương trình VOV Giao thông (Đài tiếng nói Việt Nam) và tin tức từ bạn nghe đài phản ánh qua đường dây nóng thì sau khi đổi giờ học, giờ làm, tình cảnh tắc đường dường như diễn ra phức tạp hơn với nhiều điểm ùn tắc mới phát sinh.

Cụ thể: những tuyến trước đây không xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông nhưng nay xuất hiện như đường Thụy Khuê, Nguyễn Trường Tộ, Phương Mai, Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng.

Đối chiếu thông tin, đại diện phòng CSGT Hà Nội giải thích: Việc bố trí các ca vào và tan học của các trường tiểu học, THCS gần nhau nên phụ huynh chở con tới lớp và đến đón con cùng lúc tăng lên tại các điểm trước cổng trường, ngoài ra khu vực có các trường liền kề nhau nên lượng xe tăng vọt, gây ra ùn ứ.

Đã 18h nhưng mật độ giao thông ở Hà Nội vẫn rất cao, tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến (Ảnh: Phạm Hải)

Qua các kênh theo dõi (như camera giám sát, ý kiến phản ánh trực tiếp của người dân đi đường, ghi nhận thực tế của các phóng viên) thì những điểm ùn tắc thường xuất hiện từ khoảng 16h-16h30 và trở nên căng thẳng vào lúc sau 17h đến trước 18h, thậm chí tới 19h hàng ngày.

Nhiều học sinh và phụ huynh ở các trường học khi được VOV phỏng vấn cũng cho biết sau khi đổi giờ thì tình cảnh ùn tắc ở các cổng trường giờ tan học là rất phổ biến và khá trầm trọng.

Do đó, theo VOV giao thông, có lẽ cơ quan chức năng nên xem xét lại những điểm này, nhất là với những khu vực có nhiều trường học san sát nhau.

Về điểm này, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) cho biết, để việc đổi giờ đem lại hiệu quả tích cực hơn, tới đây UBATGT sẽ có đề xuất với Hà Nội một số điều chỉnh.

Cụ thể: Đối với một số điểm giao thông ùn ứ là những điểm gần cổng trường học, cần phải có bàn bạc với lãnh đạo UBND phường, công an phường bố trí lực lượng hỗ trợ phân luồng giao thông.

Đối với các trường gần nhau trên cùng một tuyến phố có thể bàn bạc, bố trí giờ tan học lệch nhau để giảm áp lực ùn tắc giao thông tại tuyến đó, đồng thời đối với các trường ở các tuyến phố quá hẹp nhà trường cần tính toán cho phụ huynh vào trong trường chờ đón con.

Cảnh tắc đường giữa ngã tư Trần Đại Nghĩa và Lê Thanh Nghị kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ - Ảnh: Minh Trang

Ngày 16/2, khi được hỏi về hiệu quả của việc đổi giờ học giờ làm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội không đưa ra bất kỳ nhận định cụ thể nào mà chỉ trả lời chung chung.

Ông Hùng cho biết Sở GTVT Hà Nội đã nhận được khá nhiều ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng, qua trang thông tin điện tử của sở, thậm chí có người còn viết thư tay gửi về sở phản ánh ý kiến xung quanh việc đổi giờ.

Tuy nhiên, khi được hỏi, cụ thể những phản ánh của người dân như thế nào, liệu có giảm được ùn tắc hay không thì ông Hùng trả lời: “Trên cơ sở những đóng góp phản ánh của người dân Sở GTVT sẽ tổng hợp lại và các cơ quan chức năng sẽ đánh giá cụ thể”.

Khảo sát của VietNamNet có 9.553 bạn đọc tham gia cho thấy: Có 27% bạn đọc cho rằng phương án đổi giờ học giờ làm giảm dược ùn tắc, chỉ ùn ứ. Còn 73% còn lại cho biết đường tắc hơn hoặc tắc muộn hơn vào 2 buổi sáng - chiều của khung giờ cao điểm (Ảnh: N.Anh)
 

Trước đó, 1 tuần sau khi đổi giờ học, giờ làm – lãnh đạo sở GTVT Hà Nội đã đưa ra nhận định ban đầu là tình hình giao thông đã giảm ùn tắc đáng kể. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội lại có cái nhìn thận trọng hơn.

“Việc đổi giờ chỉ là 1 trong nhiều biện pháp mà Hà Nội đã làm và sẽ làm, kể cả nâng cấp hạ tầng, giáo dục văn hóa giao thông, tăng cường xử phạt,… Khi các biện pháp chưa thực hiện đồng bộ mà đã đòi hỏi việc này phải tốt ngay tôi sợ là hơi vội vàng”, ông Thống nói.

Diễn biến đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội

- Ngày 1/2/2012 Hà Nội bắt đầu đổi giờ học, giờ làm đối với các quận nội thành và 2 huyện ngoại thành là Thanh Trì, Từ Liêm.

Nhóm đối tượng chịu tác động nhiều nhất là các em học sinh.

Theo đó, học sinh THPT phải vào học trước 7h sáng và đến 19h mới tan. Học sinh tiểu học, THCS và mầm non tan học lúc 17h, nhà trường quản lý trẻ đến 17h30 đợi phụ huynh đến đón. Cùng với việc đổi giờ học của học sinh là đổi giờ làm của cán bộ công chức trên địa bàn thủ đô (17h30 tan sở, thay vì 17h như trước đây).

- 1 tuần sau khi đổi giờ học giờ làm, những bất cập từ việc này đã được phản ánh đến cơ quan quản lý. Ngày 8/2, UBND thành phố Hà Nội đã có công điện gửi các sở, ban ngành, quận, huyện về việc điều chỉnh lại giờ học của học sinh trên địa bàn.

Theo đó, UBND thành phố quyết định điều chỉnh lại thời gian kết thúc học của khối THPT sớm hơn 1 giờ, tức từ 19h xuống 18h trên cơ sở đề xuất của Sở GD-ĐT. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 13/2.

UBND thành phố cũng nhắc nhở ngành giáo dục cần hướng dẫn cụ thể các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT điều chỉnh giờ học tập theo quy định một cách linh hoạt với mục tiêu giãn mật độ giao thông trong giờ cao điểm.

Sau khi có chỉ đạo này, khối THPT đã được tan học lúc 18h. Riêng khối mầm non, tiểu học, THCS lại trở về như cũ. Tuy nhiên, việc điểu chỉnh này không áp dụng với các công chức nhà nước nên tình trạng “con tan trước cha mẹ” đã phát sinh, gây nên tình trạng mang việc về nhà làm, bớt xén thời gian, … để đi đón con.

Ngọc Anh