Sử dụng đồ nhựa gây ra các sự cố môi trường nghiêm trọng từ trên mặt đất và dưới biển. Hiện nay, tại các địa phương đều thực hiện chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần, nhựa khó tái chế.
Tại thành TP.HCM có dân số gần 9 triệu người. Áp lực đối với rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp trên thành phố rất lớn. Cùng với sự phát triển của xã hội, TP.HCM cũng đối mặt với rác thải nhựa khổng lồ. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, mỗi ngày rác thải sinh hoạt trên thành phố là 9.000 tấn, trong đó riêng rác thải nhựa trên 1.800 tấn. Trong khi đó, chỉ có 200 tấn rác thải nhựa được thu gom mỗi ngày.
Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân thành phố này, xuất hiện ở khắp nơi từ cộng đồng cư dân, hẻm, ngõ cho tới đường phố, các con sông, kênh rạch.
Nhằm ứng phó với ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, TP.HCM đã đưa ra chủ trong giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một. Từ năm 2018 đến nay, TP.HCM đã triển khai 4 kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa qua các biện pháp tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay giảm thiểu tác hại từ rác thải nhựa ra môi trường, Thành phố yêu cầu các sở ban ngành, quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau từ các loại hình báo chí và huy động, sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng; thông tin qua việc phát hành tờ gấp, pa nô, áp phích, bản tin liên quan đến công tác bảo vệ môi trường gắn với việc phòng, chống rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy
Đến hết năm 2022, 100% hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn cắt giảm túi nilon khó phân hủy, chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện với môi trường. Các chợ truyền thống chiếm hơn 60% rác thải nhựa khó phân huỷ được thành phố đặt mục tiêu hết năm 2023, các chợ giảm 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy. Ngoài ra, công tác xử lý rác thải nhựa cũng được TP.HCM quan tâm đưa ra nhiều giải pháp định hướng khác nhau.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, rác thải nhựa có giá trị tái chế đều được chủ cơ sở, người dân chủ động phân loại tại nguồn và chuyển tới các cơ sở có công nghệ tái chế. Còn với rác thải nhựa không có khả năng tái chế hoặc kém hơn, lẫn trong rác thải rắn sinh hoạt sẽ được vận chuyển tới các trạm trung chuyển, xử lý rác thải của thành phố.
Tác hại của rác thải nhựa, việc tái sử dụng nhựa tái chế, sản phẩm thay thế đều được đưa vào Luật Môi trường năm 2020. Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy ngành nghề tái chế, kiểm soát sản phẩm tái chế. Khi chưa có giải pháp hữu hiệu, vật liệu thay thế, các địa phương cần quản lý, kiểm soát phân phối, thu hồi nhựa cho đúng quy định.
Trong giai đoạn hiện nay, ứng phó với rác thải nhựa, TP.HCM đã đưa ra các giải pháp là ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh, tăng cường phân loại tại nguồn và có biện pháp thu gom xử lý đảm bảo yêu cầu
Hiện nay, thành phố đã có định hướng cơ chế chính sách phát triển cho công nghiệp tái chế từ quy hoạch công nghiệp tái chế, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường, ưu tiên thu hồi các rác thải có thể tái chế được.
Theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với rác thải nhựa không thể tái chế, tái chế thấp sẽ có giải pháp đồng sử dụng chất thải không có giá trị thay thế vật liệu đốt truyền thống như than. Các chất thải đốt ở nhiệt độ trên 2000 độ C tại các lò đốt xi măng sẽ giải quyết được khí thải độc dioxin/furan.
Bà Mỹ cho biết thêm, thành phố đã phối hợp với các công ty xi măng xử lý rác thải công nghiệp và tiến tới sử dụng nguyên liệu từ rác thải nhựa vào lò đốt xi măng cũng được ưu tiên xem xét.