- 33 số báo QĐND ra tại mặt trận Điện Biên Phủ ngốn 140 ngày của nhóm tòa soạn ở mặt trận nhưng các phóng viên đã đi 5 tháng...

Một địa điểm đẹp đến nao lòng mà trong ký ức của cố nhà báo Trần Cư (thư ký tòa soạn) đã mô tả từ đồi Ngựa Hí trông ra cánh đồng Mường Phăng trước mặt, nhất là vào tháng 4, tháng 5, hoa riềng màu vàng chanh, tím, hồng nở rực rỡ, trông như một bức thảm khổng lồ nhưng bị thủng lỗ chỗ vì những hố bom. …Chiều về ngang qua đây ông thường kiếm mấy bông riềng về cắm vào ống nứa để trên bàn làm việc ở tòa soạn.

{keywords}
Nhà báo Phạm Phú Bằng thăm lại đồi Ngựa Hí, tháng 3/2014

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp kể những ngày tháng làm báo "sống trong hầm hào" ở mặt trận cùng anh em chiến sĩ là những ngày đầy gian nan, nhưng vui vẻ, náo nức với nhiệm vụ cách mạng.

"Ngày đó hầm chiến đấu đều được trang trí không khác gì những ngôi nhà đầm ấm. Treo cả tranh, cả ảnh. Mỗi nhành hào đều được đặt tên, có anh đề Hà Nội, có anh đề Phú Thọ... Ở đâu cũng có bóng dáng quê hương của những người lính tuyến đầu mặt trận".

Một trong những kỷ niệm vui nhất là những người làm báo đọc báo tập thể cùng chiến sĩ ngay tại mặt trận.

{keywords}
Chỉ thị của Tổng cục Chính trị được in ở góc báo: Phải đảm bảo tờ QĐND đến tay chiến sĩ

"Báo in ra đến đâu mang đi đến đó, vẫn còn sực mùi mực in. Trung đội phát hành luôn luôn chờ sẵn nên tốc độ phát hành rất nhanh. Đơn vị xa nhất cũng vài chục cây số nhưng cũng không phải khó khăn vì bộ đội đi 7-8 cây số/giờ là đến nơi. Chúng tôi cũng hăng hái cầm báo xuống tận các đơn vị, đọc cho anh em cùng nghe. Sướng nhất là được mọi người nhận xét, góp ý ngay tại chỗ" - nhà báo lão thành hồi tưởng.

Nhưng chiến tranh khó tránh những giây phút trầm buồn.

Trong ký ức của ông Nguyễn Khắc Tiếp, đó là những buổi sớm tiễn nhau ra trận. Khi đi, cả trung đội, đại đội còn nguyên, bộ phận cấp dưỡng luôn chuẩn bị đầy đủ suất ăn chờ đồng đội trở về. Nhưng có buổi chiều, quá nửa không về.

"Anh em cấp dưỡng khóc, đồng đội cũng khóc. Thật khốc liệt. Tiễn nhau ở điểm xuất phát, anh em tiến lên, mình lui về và chờ đợi. …Những cái đó tác động lên mình ghê lắm" - ông Tiếp kể. Một hình ảnh khiến ông không thể quên là đồng đội bị thương nặng vì trúng bom napal. "Trông thương lắm" - giọng nhà báo lão thành nghẹn lại.

Tổn thất nhất định ở mặt trận Điên Biên Phủ những ngày đầu dẫn đến cuộc chuyển hướng chiến lược quan trọng từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

33 số báo xuất bản tại mặt trận có một nguyên tắc bất biến (và đương nhiên): không đưa tổng kết con số thương vong, hy sinh cụ thể trong các trận chiến để tránh tác động tâm lý chiến sĩ. Thông điệp luôn có tính cổ vũ, sốc tinh thần và đặc biệt tôn vinh những giá trị đoàn kết, kỷ luật vì mục tiêu chung là chiến thắng.

Lần giở từng trang báo đọc lại thấy như những thước phim quay những hình ảnh phía sau trận chiến đầy quả cảm, xúc động. Sâu thẳm trong đó hiển hiện một ý chí mãnh liệt, một khát vọng chung phải đi đến thắng lợi.

Đôi khi chỉ là câu chuyện nhỏ: "Đồng chí Phế rất thông nhiệm vụ đào trận địa. Trận trước đồng chí đã bị thương chưa lành, đầu còn chảy mủ. Thế mà đêm đêm đồng chí vẫn vác xẻng đi đào với anh em. Mười đêm không chịu bỏ đêm nào. Đêm qua đang đào thì bị một quả mooc-chi-ê bắn vu vơ, một mảnh văng vào đầu. Cán bộ bảo đồng chí về nhưng Phế không chịu về... Đồng chí nói: Phải thắng mệt nhọc và sợ tiêu hao. Đào trận địa và hoạt động nhỏ chính là mau tiêu diệt địch. Uể oải, ngại mệt mỏi tức là lại kéo thêm thời gian chiến dịch. Không tích cực sẽ luẩn quẩn mãi đấy".

Sợ mưa hơn súng đạn

Các số báo xuất bản tại mặt trận đã dành không ít góc cho những bài thơ của người lính ở mặt trận. Thơ chiến đấu, thơ động viên, cỗ vũ tinh thần nhau.

Có những bài thơ của người lính đầy giản dị: Đọc thư trên trận địa/Anh đội viên nghĩ gì?/Mà anh đang ngắm nghía/Vuốt vuốt cái lưỡi lê/Mà anh đang mân mê/Viên đạn đồng nhẵn bóng/Mà anh đang ngắm súng/Như ngắm một người yêu/Vì anh đang nghĩ nhiều/Đến bao người yêu dấu/Mà anh đang chiến đấu/Để giữ trọn đời đời/Một cuộc sống vui tươi/Anh hằng tha thiết nhất (tác giả B.D, bút danh: Xuân Thù).

Theo nhà báo Phạm Phú Bằng, không ít số báo có đóng góp bài vở, sáng tác của các nhà văn, nhà thơ. Thậm chí có nhà thơ xung phong viết báo bên cạnh viết văn như nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

{keywords}
Tranh biếm họa "Cảnh Tây khổ"

Người làm báo ở chiến trường cũng có những nỗi sợ. Nhưng đó không phải là nỗi sợ bom đạn. Theo nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, không có nỗi sợ nào bằng sợ... trời mưa. Địa hình trận chiến ở Điên Biên Phủ từng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với lính Pháp. Chiến đấu từ các hầm đào trong mùa mưa là sự tra tấn tinh thần đối với quân giặc, mà không ít tù binh sau này được tra hỏi đều thừa nhận họ muốn chiến trận kết thúc sớm để được bước ra ngoài, thoát khỏi không gian ngột ngạt.

"Đi tác nghiệp người ướt không bằng lo giữ giấy bút. Trời mưa mà sống dưới đất, trong hầm hố khiến mọi việc đều khó khăn, chậm lại. Phải xắn quần lội bùn, ướt át. Nhưng không bằng bộ đội của ta phải chiến đấu. Rất cực nên nhiều khi chúng tôi không sợ đói, không sợ chết, không sợ khổ mà sợ nhất trời mưa" - ông kể.

Hơn nhiều như thế những khó khăn của những ngày làm báo ở mặt trận, giữa bom đạn, súng nổ, nhưng họ đã đi qua. Đến mức khi đọc hồi ký của nhà báo Trần Cư vẫn phải thán phục những nhà báo tiền bối về sự lạc quan. 

"Góc rừng nhộn nhịp hẳn lên khi chờ giờ nổ súng của các trận lớn, hồi hộp chờ tin chiến đấu và bài tường thuật đầu tiên gửi về để biên tập và sắp chữ ngay. Nếu có vấn đề mới là cử phóng viên vù ngay xuống đơn vị phỏng vấn lấy thêm tài liệu. Những lúc đó cả tòa soạn, nhà in tới tấp làm việc, các phóng viên ở hỏa tuyến gọi điện về tuyên huấn, không hiểu sao cậu nhận điện ghi chép cứ phải quát to lên như nói chuyện với người điếc. Phóng viên khác vừa về kiếm một gốc cây ngồi viết bài. Nhà chữ sắp chữ rào rào. Trục lăn tay chạy lách cách liên tục. Một bát chữ báo, đến bát chữ bản tin, bươm bướm cứ tháo ra, lắp vào, tiếng búa chèn cứ chan chát nghe cứ như nhà đám đang “chặt thịt gà..."”.

{keywords}

Nghĩ về những ngày của 60 năm trước, nhà báo Khắc Tiếp rưng rưng: "Thật hạnh phúc được sống trong những giờ phút của lịch sử. Hạnh phúc của tôi không phải của riêng tôi, mà là của tất cả những nhà báo, chiến sĩ, những người thân của họ và nói rộng ra là của đất nước này. Mặc dù mình cũng là một nhà báo bình thường thôi so với muôn vàn công việc khác của cách mạng, nhưng được sống trong những giờ phút lịch sử của đất nước, được may mắn chứng kiến những giờ phút huy hoàng là may mắn và hạnh phúc của tôi".

33 số báo QĐND ngốn 140 ngày của nhóm tòa soạn ở mặt trận nhưng các phóng viên đã đi 5 tháng. Có những trải nghiệm thực sự không thể quên.

Xuân Linh - Ảnh: Minh Trường - Vân Anh

Kỳ sau: Một giờ đối mặt tướng De Castries