- Một tòa soạn báo xuất hiện ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ với đội ngũ hạt nhân chỉ có 5 người. Lịch sử báo chí thế giới chưa từng tồn tại loại báo xuất bản ngoài mặt trận như vậy.

Gỡ chiếc kính lão trắng khỏi mắt, nhà báo Phạm Phú Bằng xếp gọn 33 số báo Quân đội nhân dân (QĐND) xuất bản tại mặt trận Điên Biên Phủ (từ 28/12/1953 đến 16/5/1954) đặt ngay ngắn trên bàn trà. Vừa lúc một đồng nghiệp cũ, hàng xóm lâu năm của ông bước vào: nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp.

{keywords}
Nhà báo Phạm Phú Bằng (ngoài cùng bên phải) và nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện với phóng viên VietNamNet

Mấy tháng nay, hai nhà báo già bận rộn với việc thẩm định nội dung cuốn sách sắp xuất bản của QĐND về giai đoạn làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ. 60 năm trước, nhà báo Phú Bằng và Khắc Tiếp là hai trong 5 người đã làm nên những số báo đặc biệt đó với vai trò then chốt: phóng viên của tòa soạn báo QĐND ở mặt trận.

"Đọc giữ gìn cẩn thận nhé, đừng để lệch thứ tự số báo" - nhà báo già nhắc tôi khi cầm sấp báo bản copy giấy trắng được ghim bằng chiếc kẹp sắt nhỏ.

33 số báo như giai đoạn tuổi trẻ rực rỡ nhất của hai nhà báo Phú Bằng, Khắc Tiếp cũng như các đồng đội. Lần giở từng số khó kìm lại một cảm xúc rất đặc biệt, không ít số báo mà những thông tin chỉ đọc lên trong đầu đã ngộp thở, hồi hộp, về không khí chiến trận, những thời khắc mà người ở mặt trận đối diện, một thước phim về chiến trận quay lại...

"Hồi đó báo được xuất bản ở chiến trường không có giấy trắng muốt như vậy, mà sẫm đen. Nhưng quý lắm, như hơi thở không thể thiếu của anh em chiến sĩ" - nhà báo tiếp lời khi đoán tâm trạng người đọc.

Xuất quân

Cuối 1953. Bộ Chính trị trong phiên họp tháng 10 tại Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên) đã xem xét kế hoạch chuẩn bị tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng quân ủy. Sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11, Tổng quân ủy đã nhận định âm mưu của địch và cử ngay cơ quan tiền phương lên Tây Bắc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ và một số đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh lên đường.

{keywords}
33 số báo đã được xuất bản ở mặt trận Điện Biên Phủ

Sau khi kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức được Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị phê duyệt, hạ tuần tháng 12, Bộ Chính trị chỉ định Đảng ủy mặt trận và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Điện Biên Phủ được chọn làm trận quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954.

Dưới chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, báo QĐND được lệnh tổ chức một tòa soạn đặc biệt đi theo chiến dịch cùng lúc. Không ít lần từng tổ chức tòa soạn đi theo chiến dịch nhưng lần này có nhiệm vụ đặc biệt hơn hết, với quy mô một tòa soạn, gồm cả ban biên tập, phóng viên, văn thư in ấn, phát hành tại chỗ.

Báo QĐND bố trí 5 người gồm ông Hoàng Xuân Tùy (Phụ trách toà soạn kiêm Trưởng ban Tuyên huấn mặt trận), nhà báo Trần Cư (Thư ký tòa soạn), Nguyễn Khắc Tiếp (phóng viên), Phạm Phú Bằng (phóng viên), Nguyễn Bích (họa sĩ).

“Tờ báo nhận được chỉ đạo trực tiếp của Tổng quân ủy. "Cấp trên" luôn coi nó như một binh chủng đặc biệt” - nhà báo Khắc Tiếp chia sẻ.

Những khởi đầu của một tòa soạn ngoài chiến trận đầy quả cảm và khác thường. Không phải trang thiết bị lủng củng máy ảnh, máy vi tính hiện đại như bây giờ, mỗi người lên đường khi đó trong tư trang không thể thiếu... xẻng cuốc và ruột tượng đựng gạo. Xẻng cuốc để đào hố tránh bom đạn trên đường hành quân và để đến mặt trận đào hầm làm tòa soạn.

"Chẳng ai được đào tạo nghiệp vụ kiểu bây giờ hay gọi là phóng viên chiến trường cả. Mỗi người đi lúc đó đều như những người lính. Yếu tố mặt trận là hàng đầu" - nhà báo Phú Bằng kể.

Vật dụng tác nghiệp đơn sơ chỉ có sổ tay và bút máy "vặn cổ đổ mực" tím lúc nào cũng khiến áo phóng viên lem nhem vì dây mực. Chỉ có Thư ký tòa soạn Trần Cư có đồ nghề xịn nhất là chiếc bút Shaeffer, ngòi vàng, đầu gắn hạt bạch kim. “"Mua được cái bút này, tôi tưởng mình như một trang hiệp khách tình cờ mua được gươm báu" ”- nhà báo Trần Cư kể trong hồi ký.

Cực nhất là bộ phận nhà in lưu dộng khi luôn phải đảm bảo đầy đủ giấy, mực in, hộp chữ... Tất cả được vác trên vai ra mặt trận. Mỗi người phải đeo hoặc gánh trung bình 25kg từ máy móc vật liệu phụ tùng, lẫn quần áo, gạo muối, thức ăn đi qua đủ mọi địa hình từ lội suối, trèo đèo, băng rừng...

Có tất cả 12 người làm công việc hành quân đưa máy in tập kết, đào hầm ven đồi và tổ chức in ấn suốt ngày suốt đêm. Chưa kể điều kiện làm việc không thể ở nơi thanh thiên bạch nhật do tiếng máy chữ kêu to, họ phải đào hầm để làm việc trong đó cùng với đèn thắp bão. Người nào người nấy ở hầm chui ra mặt mũi cũng đen sì vì mực in.

Nhà báo Phú Bằng kể máy in thời đó khổ to, vóc dáng thì kỳ dị, mỗi lần gặp dân công nữ, họ thì thào kháo nhau: “Các anh ấy không biết thuộc binh chủng gì mà “súng” to thế?” Nhà báo Khắc Tiếp thì kể thêm, nhà in cần nước vì vậy nhà in phải luôn ở gần suối nhất.

Ngoài bộ phận in ấn, một trung đội ở mặt trận được phân cử làm đơn vị phát hành theo tinh thần đưa báo nhanh nhất đến chiến sĩ ở mặt trận. Nên thường sau khi báo in xong, lực lượng này dùng quang gánh gánh báo tới từng trận địa, phát tận tay bộ đội.

Độc lập tác chiến

Nếu như cánh đồng Con Rùa (cách hang Thẩm Púa - nơi đóng của sở chỉ huy chiến dịch những ngày đầu) là nơi ra đời 3 số báo đầu tiên thì đồi Ngựa Hí là nơi đóng của tòa soạn sau khi Sở chỉ huy chiến dịch di chuyển về Mường Phăng.

{keywords}
Tháng 3/2014, nhà báo Phạm Phú Bằng thăm lại hang Thẩm Púa - nơi ra đời 3 số báo đầu tiên ở mặt trận

Những phóng viên, nhà báo ở chiến trường năm xưa mãi sau này mới biết đến hai địa danh liên quan hoạt động của 'tòa soạn báo mini' của báo QĐND ở mặt trận Điên Biên Phủ này. Năm xưa họ chỉ được lệnh hướng đi, hướng đến mà không rõ địa danh đó là gì để đảm bảo an toàn.

"Làm báo ở Điện Biên Phủ phải độc lập tác chiến vì không có nhiều thời gian, điều kiện mà giúp đỡ nhau. Người ít, việc thì nhiều. Phương châm của báo là phải ra được nhiều tin, bài nhất" - nhà báo Khắc Tiếp chia sẻ.

Bởi vậy ông và đồng nghiệp không khi nào đi một đơn vị trong hai ngày. Mỗi ngày phải đi một hoặc hai đơn vị để lấy được nhiều tin hơn, sau đó phải quay về để còn kịp viết và đưa vào in. Điều thuận lợi nhất khi làm báo tại chiến trường chính là không lo thiếu tin, bài do công tác viên từ khắp chiến trường gửi về. Tuy nhiên, những bài hay, đặc sắc, có tính báo chí cao vẫn phải do những phóng viên chủ lực làm.

Báo không có định kỳ rõ ràng, đủ điều kiện là ra báo. Nhiều khi tòa soạn cũng phải chạy đua với thời gian để có những dòng tin nóng hổi nhất về tin chiến thắng. Nhiều trận đánh diễn ra chiều hôm trước, tối hôm trước, nhưng đến sáng hôm sau, tin thắng trận, những tấm gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội đã xuất hiện trên mặt báo.

"Khi ấy ông Hoàng Xuân Tùy là thư ký của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Mọi thông tin báo có được luôn chính xác và nhanh, thậm chí được chỉ những vấn đề thiết thực nhất để viết" - nhà báo Khắc Tiếp kể.

Trên 33 số báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ tuyệt nhiên không có một bức ảnh vì không có máy ảnh. Chỉ có tranh và bản đồ do họa sĩ Nguyễn Bích vẽ. Thêm điều thú vị là phóng viên chính rất thành thạo tiếng Pháp. Điều này rất hữu ích trong tác nghiệp ở mặt trận mà kẻ thù là Pháp.

33 số báo xuất bản ở mặt trận Điện Biên Phủ, từ số đầu đến số "chiến thắng" là một kỳ tích.

Hai nhà báo, giờ tóc đã hai màu, vẫn còn cảm nhận chiến thắng như trong mơ. Bởi khi đó, ở giữa trận chiến khốc liệt, Điện Biên Phủ không chỉ có hoa riềng.

Xuân Linh - Ảnh: Minh Trường

Kỳ tới: 150 ngày ở đồi Ngựa Hí