Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, bước khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sau khi bỏ cấm vận, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã chuyển Việt Nam từ nhóm Z, tức nhóm bị hạn chế thương mại lên nhóm Y là nhóm ít bị hạn chế thương mại hơn.

untitled.jpg
Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 3/2/1994 về việc công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngày 26/6/1994, Mỹ và Việt Nam đã nhất trí trao đổi các văn phòng đại diện liên lạc nhằm cụ thể hóa việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước. Và ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton đã công bố “bình thường hóa quan hệ” với Việt Nam, đánh dấu trang mới trong lịch sử quan hệ ngoại giao của hai nước. Sáng 12/7/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đọc tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ

Sự kiện Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam rồi tuyên bố bình thường hóa quan hệ trước hết tạo ra cơ hội cho Việt Nam bình thường hóa quan hệ không chỉ với Mỹ mà còn kết nối với tất cả các nước trên thế giới, trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, đây cũng là tiền đề để Việt Nam đạt được những thành tựu đối ngoại quan trọng khác như: chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995; gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998…

untitled.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch phát biểu trong buổi dạ hội nhân dịp Chính phủ Mỹ tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại, tối 4/2/1994, tại khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội). Ảnh: TTXVN 

Một trong những yếu tố được nhắc nhiều đến sau khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là thương mại. Ngày 17/10/2001, khi Tổng thống George W. Bush phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, đã mở ra đường phát triển cho quan hệ giao thương giữa hai nước. Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ phát triển nhanh chóng.

Tại buổi thảo luận nhân kỷ niệm 30 năm dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại (1994-2024) chiều 2/2, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, sự kiện này đã mở đường cho tất cả các bước phát triển tuyệt vời cho quan hệ kinh tế thương mại Việt - Mỹ.

hai 0452.jpg
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper

Kể từ khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ năm 1994 và hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, tính đến năm 2022, kim ngạch thương mại Mỹ và Việt Nam đã đạt 139 tỷ USD, tăng gấp 300 lần so với năm 1995.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở ASEAN. Trong khi đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, Mỹ tin tưởng vào tầm quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.  

Đại sứ Marc Knapper cho biết, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã cam kết hợp tác và giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác; hợp tác với Việt Nam xây dựng lực lượng lao động cho thế kỷ 21.

Mỹ cam kết hợp tác, hỗ trợ Việt Nam và đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Thành viên Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương Việt Nam cho rằng, quyết định dỡ bỏ cấm vận thương mại của Mỹ với Việt Nam là một quyết định sáng suốt. Sau khi cấm vận thương mại được dỡ bỏ, các ngân hàng và doanh nghiệp đã đồng loạt vào Việt Nam.

hai 0472.jpg
Tiến sĩ Cấn Văn Lực

Điều quan trọng hơn là sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, các nhà đầu tư từ các quốc gia khác đã yên tâm đầu tư vào Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm ngoái, hai nước cần những dự án và chương trình thực sự, một kế hoạch chi tiết cho mỗi lĩnh vực khác nhau, đồng thời cũng cần một đầu mối chung để theo sát quá trình thực hiện và cung cấp thông tin. Một số lĩnh vực tiềm năng bao gồm đầu tư khởi nghiệp, năng lượng tái tạo, giáo dục, dịch vụ y tế,...

Ông Bùi Quang Minh (từng tham gia Shark Tank Việt Nam), Tổng giám đốc điều hành hệ sinh thái dịch vụ đa ngành Beta Group chia sẻ, khi lệnh cấm vận được bãi bỏ lúc đó ông mới 11 tuổi, sống ở một vùng quê tỉnh Vĩnh Phúc. Ông có cơ hội học thạc sĩ tại Trường đại học Harvard ở Mỹ, cũng như chứng kiến mối quan Việt-Mỹ ngày càng thắt chặt với nhiều thành quả to lớn ở nhiều lĩnh vực.

hai 0507.jpg
Ông Bùi Quang Minh

Ông Minh nhấn mạnh, không chỉ Việt Nam học hỏi được nhiều giá trị từ Mỹ và Mỹ cũng nhận lại được nhiều giá trị từ Việt Nam, trong đó có sự đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa về giá, những điều sẽ có lợi cho cả người dân hai nước. 

Ông cảm thấy biết ơn khi sống trong thời kỳ mà mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ đem lại cho những người như ông và các thế hệ sau này rất nhiều giá trị, những điều mà cách đây nhiều năm có thể không tưởng tượng được.