Triển lãm Chạm nhẹ tới ngàn năm vừa khai mạc tại Nhà triển lãm thuộc Quần thể di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình).

9 bộ tác phẩm tại đây đều là độc bản, được nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Đào Xuân Ngọc in rập theo tỉ lệ 1:1 trên quy mô lớn tại các di tích lịch sử của Ninh Bình bằng giấy dó, với công nghệ phối màu (trước kia, các viện nghiên cứu lớn cũng chỉ in rập đơn sắc màu đen). Ngoài ra, triển lãm cũng trưng bày 2 bức tranh vẽ lại tượng sư tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Hoa Yên - Yên Tử và tượng Ngọc Hoàng ở chùa Giầu (Hà Nam). 

Bản rập cột kinh Phật chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình) được dựng với nội dung kinh tràng, cầu quốc thái, dân an, triều đình vững mạnh, thể hiện sự tin tưởng, nhiệm màu của Phật pháp. Hiện vật là tư liệu quý báu không chỉ của Phật giáo mà cả lịch sử dân tộc, cho chúng ta thấy đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt cách đây hàng nghìn năm, đồng thời có giá trị với văn hóa Phật giáo thế giới.

Chia sẻ với VietNamNet, nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc cho biết, những bản rập với công nghệ mới có thể lưu giữ tới hàng trăm năm. Xuất phát từ vị thế Tràng An được UNESCO ghi danh là Quần thể di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới nên anh nhận thấy việc lan tỏa giá trị tinh hoa của dân tộc là sứ mệnh của mình. 

Nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc

Tổ chức triển lãm phi lợi nhuận, anh mong muốn, du khách thập phương và cơ quan chức năng có cái nhìn cảm thông, chung tay bảo vệ tài sản của quốc gia. Bởi những di sản trải qua hàng ngàn năm bị thời gian vùi lấp hoàn toàn có thể biến mất nếu không có bản in rập tỉ mỉ lưu lại.

Do hệ thống di tích ở Ninh Bình dày đặc nên nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc gặp khó khăn trong quá trình tìm lại những nét văn hoá cổ xưa. 

“2 năm ròng nghiên cứu trong hang tối, vách núi cao, mỗi bản rập như một mảng dữ liệu mà tôi đã cất công lần rờ từng nét trên hang đá để in rập, mang ra ánh sáng và giới thiệu tới công chúng. Có những lần đi rập dài tới 17 ngày liên tục, mỗi ngày 10 giờ. Tôi rập khá chậm, vừa làm vừa quan sát, vừa lựa hình, lựa khối, lựa mình, lựa cảnh…", nhà nghiên cứu chia sẻ.

Bản rập bia ma nhai tại chùa và động Am Tiên (Hoa Lư, Ninh Bình) được tạc trực tiếp lên vách đá, ở độ cao 5m so với nền hang. Trên bia khắc hoa sen, phía dưới khắc hình rùa lớn như đang bước đi. Bản rập có những chỗ mờ trắng, là hình vách đá do thời gian, chữ trên bia bị phai mờ. 

Đào Xuân Ngọc không muốn “nâng cao quan điểm” về công việc đang làm, không muốn coi nó như tác phẩm nghệ thuật, chỉ là một cách lấy tư liệu lịch sử. Thế nhưng, Chạm nhẹ tới ngàn năm đã đánh thức người xem nhớ về cội nguồn dân tộc để thương yêu, tự hào và biết ơn vì những gì mình đang có hôm nay.

Tại triển lãm, khách tham quan có cơ hội trải nghiệm tự rập một cổ vật làm kỷ niệm và hoàn toàn miễn phí. 

Đến với triển lãm, người xem đã “chạm” bằng ánh mắt tới những thời kỳ lịch sử Đinh, Lý, Trần, Lê; “chạm” bằng đôi tai tới câu chuyện cuộc đời của một con người đặc biệt - sẵn sàng rời bỏ tấp nập đời thường để đưa những bí ẩn về một thời kỳ lịch sử - tôn giáo vàng son ra ánh sáng; “chạm” bằng đôi tay tới trải nghiệm văn hóa rất đỗi thuần Việt thông qua việc in - rập thủ công với giấy dó; “chạm” bằng cảm xúc và vị giác tới tinh hoa văn hóa dân tộc với chén trà đạo giữa không gian độc đáo.

Bản rập văn khắc ma nhai tại núi Dục Thuý (Ninh Bình).

Chạm nhẹ tới ngàn năm kéo dài đến hết 30/7/2023 tại Nhà triển lãm thuộc Quần thể di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Tràng An – Ninh Bình.