Ba đồng chí được bổ nhiệm hôm nay có một điểm chung: Cả ba đồng chí này đều là những người chỉ chăm chú vào làm việc, không lo cho sự thăng tiến của mình. Nếu tổ chức không nhìn thấy thì họ sẽ bị thiệt, tổ chức thì bỏ sót cán bộ tốt. Bởi vậy, mỗi tổ chức phải có trách nhiệm nhìn thấy cán bộ của mình, biết ai là ai, lo cho con đường thăng tiến, sự nghiệp của họ. Như vậy mới là một tổ chức tốt, lành mạnh. Và Bộ TT&TT vốn có truyền thống như vậy, các thế hệ lãnh đạo của Bộ phải tiếp tục làm tốt hơn truyền thống này. Các đơn vị trong Bộ cũng phải có truyền thống này, cách làm này. Công tác cán bộ mà tốt, tìm được đúng người bổ nhiệm thì tổ chức đó sẽ tốt. Đoàn kết cũng là từ đây, công việc của đơn vị mà tốt cũng là từ đây, anh em trong đơn vị hết mình làm việc cũng là từ đây, đơn vị lành mạnh cũng là từ đây. Tôi rất mong muốn công tác cán bộ của các đơn vị trong Bộ phải được các cấp ủy quan tâm và phải được làm thật tốt.
Đồng chí Lê Hương Giang, trình độ thạc sĩ, sinh năm 1976, tuổi Bính Thìn (tuổi này quen làm "tướng", tính cách mạnh mẽ, dám phản biện, có chính kiến) giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB), và sắp tới sẽ nhận vị trí Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT, Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng (BCSĐ). Bộ ta chưa có nữ làm Vụ trưởng Vụ TCCB bao giờ. Và chị Hương Giang cũng là Vụ trưởng Vụ TCCB đầu tiên của Bộ TT&TT trưởng thành từ khối báo chí, truyền thông, xuất bản (Bộ ta là 2 khối gắn kết với nhau gồm công nghệ số và truyền thông, cán bộ phải được đi lên từ cả 2 khối này). Cũng 22 năm rồi mới có ủy viên BCSĐ là nữ. Và bây giờ, Bộ ta có 4 "nữ tướng" làm cấp trưởng đơn vị: Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Chánh Văn phòng Bộ và Vụ trưởng Vụ TCCB. Tuy chưa nhiều nữ cấp trưởng, nhưng cũng đã là nhiều nhất từ trước đến nay, và đa số là người lo phía sau, backup cho tuyến trước, là rất phù hợp với nữ.
Chị Hương Giang là người làm việc có trách nhiệm, làm việc đến nơi, có tư duy hệ thống, có ý thức xây dựng hệ thống, có cái nhìn bao quát. Cũng không phải ai cũng được như vậy.
TCCB phải là một nơi cân bằng giữa thủ tục, quy trình và biết người, chọn đúng người. Kết quả cuối cùng vẫn phải là phát hiện, đào tạo, thử thách và ra được cán bộ tốt. Bên cạnh đó là làm công khai, minh bạch, vô tư, đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Chị Hương Giang có 26 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, thông tin cơ sở, chuyển về Bộ cũng đã 16 năm. Cũng là người kỳ cựu. Trưởng thành sớm, 35 tuổi đã là Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
BCSĐ mong muốn Vụ TCCB có sự đổi mới căn bản, mà trước mắt là dùng công nghệ số để đỡ việc, để làm việc tốt hơn. Công tác cán bộ thì không chỉ nhìn trong Bộ mà còn là nhìn ra cả ngành TT&TT. Cán bộ thì phải chuẩn bị các lứa lớp. Lớp dưới tạo nên lớp trên, nên lớp dưới mới tạo ra sự bền vững. Nếu chỉ quan tâm lớp trên thì là có ngọn mà không có gốc.
BCSĐ kỳ vọng chị Hương Giang sẽ tạo ra sự thay đổi lớn, có những thay đổi là căn bản, về công tác cán bộ, về hoạt động của Văn phòng BCSĐ. Đây là 2 nơi rất cần đổi mới, thay đổi.
Đồng chí Lê Quốc Hưng, trình độ tiến sĩ, sinh năm 1970, tuổi Canh Tuất (tuổi này nhiều ý tưởng), giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (KHCN). Anh Hưng đã 17 năm công tác ở Bộ, qua nhiều vị trí, đã từng là trưởng phòng ở Cục Tin học hoá (Cục Chuyển đổi số bây giờ - chú thích của tòa soạn), thư ký thứ trưởng, tập sự cấp phó. Ở đâu thì cũng cố gắng làm tốt công việc, mặc dù có thiệt thòi trong bổ nhiệm, nhưng chưa bao giờ kêu ca gì. Bộ ta cũng phải chú ý để không bỏ sót các cán bộ tốt.
Anh Quốc Hưng có trình bày một chương trình hành động 5 năm ở vị trí phó vụ trưởng. BCSĐ đã nghe báo cáo này và thấy nhiều giá trị mà anh Quốc Hưng có thể mang lại cho Vụ KHCN.
Vụ KHCN thì quan trọng là dùng tiêu chuẩn để nâng tầm Việt Nam. Dùng công nghệ để nâng tầm Việt Nam. Muốn vậy thì phải đi trước dẫn dắt, chứ không phải đi sau, ban hành những công nghệ, tiêu chuẩn mà mọi người, mọi doanh nghiệp đã đạt được.
Đồng chí Trần Quang Hưng, trình độ thạc sĩ, sinh năm 1987, nhưng tuổi Bính Dần (tuổi này suy nghĩ và hành động táo bạo), giữ vị trí Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (KTS và XHS). Làm việc ở Bộ đã 8 năm. Được giao nhiều việc, đảm nhận nhiều vị trí, nhưng đa số là đơn vị thấy việc gì khó thì giao làm (giống như con dao pha), nhưng quy trình, thủ tục bổ nhiệm thì không làm đến nơi. Đây là một thí dụ điển hình về làm tốt (chọn đúng người giao việc), nhưng làm không đúng (không thực hiện đúng quy trình, quy định), làm cho anh em bị thiệt thòi. Yêu cầu của chúng ta là cả làm đúng và làm tốt. Đúng là đúng về quy định, quy trình, thủ tục. Tốt là đúng người, tạo ra kết quả tốt, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị.
Vụ KTS và XHS là vụ mới, đa số anh em chưa có kiến thức thực tiễn ở cơ sở. Anh Quang Hưng đã ở cơ sở, lại là người làm, nên sẽ mang lại sự thực tiễn cho Vụ KTS và XHS. Anh Quang Hưng đã trình bày một chương trình hành động rất thực tế cho Vụ KTS và XHS.
Bây giờ anh Trần Quang Hưng đã thực sự là lãnh đạo cấp vụ, cục của Bộ TT&TT. Đây là cơ hội lớn để đồng chí trải nghiệm làm lãnh đạo, tạo ra kết quả của một lĩnh vực đang là trung tâm của sự phát triển nhân loại, trung tâm của sự phát triển Việt Nam.
Yêu cầu chung cho 3 đồng chí cán bộ hôm nay nhận nhiệm vụ mới là: Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn - Chất lượng hơn - Thiết thực hơn. Đây là 5 cái rất thiết yếu cho một người làm quản lý, lãnh đạo.
Rộng hơn là khi làm việc, khi nhìn nhận một vấn đề thì nhìn rộng ra xung quanh để thấy bức tranh toàn cảnh, để ứng xử cho cân bằng. Nhìn rộng ra thì thấy vấn đề của mình nhỏ đi, cũng đỡ lo lắng hơn, thấy dễ giải quyết hơn. Nhìn rộng ra thì thấy thêm nhiều cách tiếp cận mới, cách làm mới, thấy được nhiều nguồn lực hơn, và cũng thấy nhiều việc hơn để làm. Nhìn rộng ra thì phải lùi ra xa, lùi ra xa thì sẽ thấy vấn đề của mình đơn giản hơn, tránh được sự phức tạp hoá vấn đề khi nhìn quá gần. Nhìn thật rộng ra cả vũ trụ thì sẽ thấy tĩnh lặng để tìm thấy sự cân bằng trong tâm mình. Nhìn sâu vào một việc thì lại thấy rất sôi động, lại thấy hăng hái mà làm. Làm việc, và nhất là khi ra quyết định, phải nhìn gần rồi nhìn rộng ra.
Toàn diện hơn là mình được giao bao nhiêu việc, trách nhiệm mình có bao nhiêu việc thì phải làm đủ các việc đó. Không được bên nặng, bên nhẹ. Không được cái nào thuận tay thì làm, cái khó thì bỏ. Toàn diện bao giờ cũng là yêu cầu số một đối với người đứng đầu. Nhìn một người, nhìn một sự việc, đánh giá một người, đánh giá một sự việc cũng phải toàn diện. Không chỉ nhìn một góc rồi kết luận ngay. Cuộc sống cũng vậy, cũng phải toàn diện, có làm - có chơi, có nghiêm túc - có thả lỏng, có chuyên nghiệp - có nghiệp dư, có vật chất - có tinh thần, có cơ quan - có gia đình. Chỉ như vậy thì mới bền, mới đúng bản chất của cuộc sống, bản chất của vũ trụ.
Nhanh hơn là làm dứt điểm, quyết nhanh, thấy khó thì nghĩ liên tục cho ra thay vì giữ lại ở đó. Nhanh thì được, chậm có khi lại không thành. Nhanh là dồn lực, dồn lực thì có được năng lượng lớn, vượt qua được khó khăn. Kẻ nhanh thì thắng kẻ chậm, kể cả kẻ to hơn mà chậm. Muốn nhanh thì phải tìm thấy cái cốt lõi mà tập trung. Làm nhanh thì mới có thời gian mà chơi, mà đọc, mà học. Thời gian trôi nhanh hay chậm là do làm việc nhanh hay chậm. Làm việc mà chậm là thời gian như ngừng trôi. Thời gian chảy nhanh hay không là do làm được nhiều việc hay không. Nhanh hơn là cuộc sống được trải nghiệm nhiều hơn. Và vì vậy mà giàu có hơn. Nhanh thì dẫn đến nhanh. Chậm là sẽ lại chậm hơn. Nhanh không đồng nghĩa với ẩu, hay chất lượng thấp. Nhanh thường đi với chất lượng hơn. Nhanh thường đi với xuất sắc. Nhưng làm việc thì nhanh, sống thì nên chậm.
Chất lượng hơn là làm việc thì phải chú ý đến chất lượng, không trung bình chủ nghĩa. Thời đại ngày nay không còn chỗ cho sự trung bình, nhất là khi AI, trợ lý ảo đã thay con người không chỉ là mức trung bình mà còn là mức khá và hơn thế. Việc mà dẫn dắt người khác thì phải cho xuất sắc. Không xuất sắc thì không dẫn dắt. Chất lượng thì mới tồn tại được lâu dài. Chất lượng thì dẫn đến thương hiệu. Chất lượng thì mới được mong chờ. Chất lượng thì kích hoạt chất lượng. Con người được nhận một cái chất lượng thì có xu thế làm việc của mình chất lượng hơn, chất lượng có tính lan toả là vì vậy. Chất lượng thì mới đáng làm. Làm ẩu thì mình cũng thấy ngượng với chính mình. Mình có làm việc chất lượng thì mới tạo ra cuộc sống chất lượng cho chính mình. Phải loại bỏ được cái gọi là đóng việc, tức là làm cho xong, làm mà không có tâm, không có hồn, không màng đến kết quả, đang khá phổ biến hiện nay.
Thiết thực hơn là làm việc thì phải tạo ra giá trị, ích lợi cho người dân, cho doanh nghiệp, cho tổ chức của mình. Làm việc mà không thiết thực thì không nên làm, tốn của cải vật chất của Nhà nước mà lại không mang lại lợi ích gì. Làm gì thì cũng phải lấy người dân, doanh nghiệp, nhân viên của mình làm trung tâm. Niềm vui của một việc làm thiết thực là thấy giá trị mang lại cho người khác. Việc không thiết thực thì thường là việc để thăng tiến, hoặc là việc để tiêu tiền công. Thiết thực thì không màu mè. Thiết thực thì bền vững, không phải xây trên cát. Thiết thực thì sẽ thiết thực tiếp. Thiết thực thì mới hưng thịnh quốc gia. Thiết thực thì mới làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Thiết thực thì tiết kiệm. Thiết thực thì giản dị.
Chúc đồng chí Lê Hương Giang, Lê Quốc Hưng, Trần Quang Hưng được bổ nhiệm vị trí mới hôm nay sẽ có thêm năng lượng mới để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần cho ngành ta, Bộ ta hoàn thành được sứ mệnh là tạo ra đôi cánh sức mạnh công nghệ số và sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bay lên hùng cường thịnh vượng.